Tuyển sinh 2023: Tránh mắc bẫy ngành nghề "hot"
Một số ngành, nghề "hot", sau khoảng thời gian lại trở nên bão hòa. Nhiều sinh viên học xong ra trường không kiếm được việc làm hoặc phải làm trái nghề, thậm chí thất nghiệp.
Làm thế nào để tránh "bẫy" ngành "hot". Cần lưu ý gì để chọn ngành, nghề phù hợp, đảm bảo bền vững? Tọa đàm: "Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2023" với chủ đề "Tránh mắc bẫy ngành hot" do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Hai khách mời của tọa đàm: Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nhiều phân tích, lý giải giúp phụ huynh và học sinh có thể tránh được "bẫy" ngành "hot".
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nhiều học sinh trung học phổ thông chọn độ "hot" để làm tiêu chí xác định ngành nghề bản thân theo đuổi. Phụ huynh cũng dựa vào tiêu chí đó để định hướng con cái theo học. Các chuyên gia nhìn nhận thế nào về tâm lý này?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Trước hết, phải thống nhất quan điểm "ngành hot" trong khuôn khổ tọa đàm này được hiểu là ngành xã hội có nhu cầu nhân lực cao. Người học sau khi ra trường có cơ hội tìm kiếm việc làm với chế độ đãi ngộ tốt.
Các phụ huynh và học sinh lấy đó làm một trong những tiêu chí để lựa chọn ngành học là rất đúng.
Tuy nhiên chúng ta không nên chỉ dựa vào một tiêu chí độ "hot" của ngành. Các em còn phải căn cứ vào sở trường, mong muốn, điều kiện của bản thân.
Bây giờ các học sinh đăng ký xét tuyển đại học, nếu không có gì thay đổi thì 4 năm sau mới ra trường. Cho nên các em phải tìm hiểu từ thông tin chính thống về nhu cầu nhân lực của ngành mà bản thân mong muốn ở thời điểm bây giờ nhưng phải có tiềm năng trong 4 năm sau thì mới phù hợp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên: Tôi hoàn toàn nhất trí ý kiến của Tiến sĩ Phạm Như Nghệ. Lựa chọn của các học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả sự tư vấn của gia đình, anh em, bạn bè, anh chị đi trước.
Các em nên tham khảo nhiều kênh để lựa chọn ngành học mình yêu thích, hoặc cũng có thể chưa yêu thích, nhưng sau đó có thể càng học lại càng thích.
Trong vài năm qua, chúng tôi thấy nhiều em lựa chọn theo trào lưu. Có nghĩa là các em chưa suy nghĩ một cách chín chắn trước khi đặt bút lựa chọn.
Vì vậy, tôi rất đồng quan điểm rằng các học sinh phải căn cứ dựa trên tất cả những gì mình có, những điều mình muốn và tham khảo ý kiến chuyên gia, những người xung quanh mình để lựa chọn được ngành học phù hợp cho bản thân mình.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo số liệu phân tích từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2021, ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất là An ninh quốc phòng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Du lịch - khách sạn… Năm 2022 là Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế,… Theo các chuyên gia, năm nay xu hướng các ngành hot có thay đổi không?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Số liệu những ngành, lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký chưa nói lên tất cả ngành đó có được thí sinh quan tâm nhiều hay không.
Bởi theo quy định, thí sinh được đăng ký số nguyện vọng không hạn chế. Do đó một số ngành nào đó có lượng thí sinh đăng ký đông nhưng chúng ta phải phân tích thêm là trong số thí sinh đăng ký vào ngành đó, ở trường đó, có bao nhiêu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Chúng ta cũng phải thống kê được lượng thí sinh chính thức xác nhận nhập học và nhập học thực sự đến trường của ngành đó thì lúc đó mới đánh giá được ngành thu hút người học là bao nhiêu.
Ví dụ năm 2022, theo thống kê từ các trường báo cáo vào hệ thống phần mềm chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lĩnh vực kinh doanh và quản lý là một trong những lĩnh vực có số thí sinh nhập học cao nhất, chiếm tới 24,54%.
Tiếp đến là lĩnh vực về máy tính công nghệ thông tin là 11,79%. Sau đó là những lĩnh vực khác như công nghệ kỹ thuật, nhân văn, sức khỏe, khoa học hành vi, đào tạo giáo viên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên: Nếu nói về xu hướng lựa chọn của các thí sinh và tỉ lệ các khối ngành, tôi cũng dự đoán rằng trong năm nay không có gì thay đổi đột biến. Các em vẫn sẽ lựa chọn theo xu hướng như một vài năm vừa rồi.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Làm sao để xác định được ngành này hay ngành kia hot không chỉ là xu hướng nhất thời mà vẫn sẽ hot trong tương lai, thưa Tiến sĩ Phạm Như Nghệ?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Như tôi đã nói, chúng ta phải xác định được nhu cầu của bốn năm sau. Điều này phải tìm hiểu từ rất nhiều thông tin chính thống.
Trước hết là thông tin từ bố mẹ, những người có rất nhiều kinh nghiệm, tuy không phải là tất cả nhưng cũng là những lời khuyên rất quan trọng. Rồi từ những người thân, ruột thịt, có kinh nghiệm cung cấp thông tin. Chúng ta cũng phải có thông tin về quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương.
Ví dụ khi Chính phủ có phê duyệt đề án về phát triển ngành thuộc lĩnh vực du lịch. Để ngành du lịch đóng góp vào 10% GDP quốc gia, rõ ràng ngành du lịch phải phát triển và nhu cầu nhân lực phải cao.
Thứ hai, Việt Nam là đất nước đang phát triển, chắc chắn phải cần đến ngành công nghệ kỹ thuật. Đấy cũng thông tin để các em quan tâm và lựa chọn.
Tôi cũng đồng ý với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên rằng một số học sinh thích chạy theo những ngành nghe tên "sang chảnh". Nhưng rõ ràng, các em phải đi vào tìm hiểu ngành thực chất.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Cùng một ngành nhưng rất nhiều trường đào tạo. Vậy ngành học này giữa các trường đào tạo có khác nhau không. Và học sinh nên cân nhắc như thế nào để xác định nơi đào tạo phù hợp với ngành mà học sinh đó mong muốn, thưa Tiến sĩ Phạm Như Nghệ?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khung chương trình chuẩn, khối lượng kiến thức tối thiểu phải giống nhau nhưng mỗi trường sẽ có những cái riêng.
Chương trình đào tạo giữa các trường, thời lượng, khối lượng học tập, nội dung chi tiết của từng môn học cũng không giống nhau .
Điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, công tác quản lý của các trường cũng khác nhau rất nhiều.
Thậm chí cùng một ngành, trong một trường cũng đã có những chương trình khác nhau: chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến,... Và chuẩn đầu ra của tất cả chương trình đều phải đạt chuẩn tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng có thể những trường khác nhau thì chuẩn đầu ra cũng khác nhau.
Các học sinh phải có nhiều thông tin chính thống để tham khảo. Ví dụ, một ngành chúng ta đang lựa chọn, cần xem trường đào tạo ngành đó có phù hợp với vị trí địa lý để mình đi học hay không.
Thứ hai, theo quy định, các trường phải công khai và đảm bảo chất lượng về đội ngũ giảng viên, chuẩn chương trình, học phí thu, chuẩn đầu ra và các điều kiện khác. Các trường cũng phải thông tin được ngành học đó trong những năm qua điểm trúng tuyển vào trường là bao nhiêu.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu thông tin về các ngành hot, trường hot từ những nguồn nào, thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên: Có nhiều kênh thông tin chính thống để thí sinh tìm hiểu về ngành và trường. Thông tin chính thống nhất là website của các đơn vị đào tạo. Bên cạnh đó là các nhóm, trang Facebook chính thức của các trường. Các em có thể xem thông tin báo chí để tham khảo thêm.
Ngoài ra còn có những thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý nhà nước, đăng ký xét tuyển,...
Tôi thấy rằng thế hệ bây giờ hình như đang ngại đọc. Họ chỉ thích xem và lao vào đọc những thông tin có tiêu đề hot. Nhiều khi những thông tin đó chưa chính thống.
Điều này khiến việc đánh giá vấn đề chưa đúng, gây khó cho chúng tôi trong công tác tư vấn. Chúng tôi lại phải giải thích, chia sẻ để các em hiểu được bản chất của vấn đề là gì.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Các trường có những ngành hot chỉ sử dụng thông tin tích cực cho tuyển sinh, còn lại nhiều thông tin chưa cung cấp ra công chúng. Bộ Giáo dục và Đào tạo có khuyến cáo gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Học sinh, phụ huynh phải tìm hiểu thông tin chính thống trên đề án tuyển sinh của các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường phải đăng tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật, giải trình trước các cơ quan và xã hội về thông tin mình đưa ra.
Các trường không được đưa thông tin sai sự thật để dụ học sinh tham gia. Đề án tuyển sinh không phải muốn gỡ lúc nào thì gỡ. Các trường phải chịu trách nhiệm đến cùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cũng phải gửi đề án về Bộ để quản lý.
Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định, các trường chỉ là đơn vị đào tạo thôi, còn thị trường lao động mới quyết định sử dụng các em. Nên các em cũng cần tìm hiểu cả đơn vị sử dụng lao động để có quyết định đúng đắn nhất để mang lại hiệu quả cao nhất cho từng cá nhân.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có ngành nghề nào không hot nhưng lại đảm bảo được đầu ra tương lai nghề nghiệp rộng mở khi tốt nghiệp không? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên có lời khuyên nào cho các học sinh trong việc cân nhắc lựa chọn các ngành nghề hot và không hot?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên: Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau. Có những ngành nghề đào tạo mang tính chất truyền thống cơ bản, ở thời kỳ nào cũng cần như cơ khí chế tạo máy, công nghiệp, hóa chất, vật liệu, dệt may …
Với những ngành đó cơ hội việc làm không bao giờ thiếu, chỉ là các em có lựa chọn những ngành đó hay không thôi. Bởi đó là cơ sở để phát triển kinh tế, công nghiệp của đất nước.
Những ngành liên quan đến 4.0, có tính chất mũi nhọn như khoa học máy tính, robot hay kỹ thuật sinh học thì luôn có sức hút rất lớn với các học sinh.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Hiện có nhiều ngành học đang thiếu nhân lực nhưng lại không được nhiều thí sinh lựa chọn, như ngành khai thác mỏ, dầu khí, kỹ thuật địa chất, y tế công cộng, môi trường… Tiến sĩ Phạm Như Nghệ có định hướng gì cho các bạn học sinh khi lựa chọn ngành nghề nhưng không nhất thiết là phải lựa chọn ngành hot?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Khái niệm làm đúng ngành cần phải được đánh giá lại. Rõ ràng có những công việc xã hội cần nhưng nhiều khi không trùng với các ngành đào tạo.
Ngược lại, học một ngành đào tạo ở trường đại học, sinh viên ra trường có thể làm ở nhiều nghề xã hội khác nhau và vẫn đúng với chương trình được học. Do vậy, đúng ngành phải được hiểu là công việc đó có phù hợp với chuyên môn được đào tạo hay không thì mới chính xác.
Ví dụ, các em tốt nghiệp ngành lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin có thể tham gia làm việc ở rất nhiều nghề cụ thể mà xã hội cần và hoàn toàn vẫn phù hợp với chuyên môn của các em.
Thứ hai, học và bằng cấp cao hơn ở trình độ cao hơn không đồng nghĩa với khả năng thất nghiệp thấp đi.
Thứ ba, việc có việc làm và có việc làm phù hợp phải tự hai phía. Đầu tiên là từ thị trường lao động và tiếp theo là chính người lao động trong môi trường học đại học.
Đa số các em sẽ tốt nghiệp được cấp bằng và đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của trường đại học. Nhưng trong số đó, có em tích cực trong quá trình học tập, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kiến thức, kĩ năng mềm và thái độ của các em tốt hơn thì khả năng tìm kiếm được công việc phù hợp cũng tốt hơn.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Vai trò của các thầy cô, nhà trường trong định hướng ngành, nghề giúp các học sinh ngay từ đầu, thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên: Về phía học sinh trung học phổ thông, các em rất nghe lời các thầy cô giáo. Vì vậy để các em tiếp cận được những thông tin phù hợp, chúng tôi cũng có những phương án truyền thông đến các trường học.
Bản thân các thầy cô giáo cũng cần phải nắm được thông tin của các trường đại học. Ví dụ đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, phương thức thi như thế nào, các thầy cô phải hiểu rất rõ ràng để tư vấn được cho các em một cách chính xác nhất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google