Hướng nghiệp - bản phác họa cho tương lai

GS.TS Phạm Tất Dong
10:55 - 04/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hướng nghiệp là một công việc đòi hỏi sự phối hợp giữa ngành giáo dục với nhiều ngành khác, bởi bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ năng lực và điều kiện để đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động hướng nghiệp

Hướng nghiệp - bản phác hoạ cho tương lai - Ảnh 1.

GS.TS Phạm Tất Dong, Thạc sĩ Đinh Đức Hiền - các chuyên gia giáo dục - hướng nghiệp trong toạ đàm tư vấn hướng nghiệp mùa tuyển sinh 2023 do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức.

Còn vài tháng nữa sẽ đến mùa tuyển sinh 2023 vào các trường cao đẳng, đại học. Các em học sinh sẽ viết đơn, đề đạt nguyện vọng học tập của mình. Nghe nói, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành coi Trung học phổ thông là cấp học hướng nghiệp. Tôi tò mò muốn biết kết quả hướng nghiệp của cấp học này ra sao bằng cách tìm hiểu sự hiểu biết của các học sinh về nghề cần chọn. 

Tôi đã đọc những câu hỏi của nhiều em trên mạng thông tin.

- Em quan tâm tới ngành kinh tế hàng không. Tuy nhiên, hiện em không biết vị trí làm việc của ngành này và mức lương ra sao?

- Em không thích môn Toán, vì thế không hiểu có nên theo ngành công nghệ đa phương tiện không?

- Em kém mắt, vậy có nên theo học ngành Y hay không?

- Em quan tâm đến ngành kỹ thuật hàng không, học tại Đại học Bách Khoa, nhưng không biết học theo ngành này thì khi ra trường sẽ làm những công việc gì?

Có hàng trăm câu hỏi đại loại như vậy.

Tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc những câu hỏi này.

Hướng nghiệp - bản phác hoạ cho tương lai - Ảnh 3.

Thợ cơ khí - một nghề nghiệp rất "hot" và có thu nhập cao ở các nước phát triển. Ảnh: IT/image

Hướng nghiệp - bản phác hoạ con đường tương lai 

Nếu như ở trường phổ thông có chương trình hướng nghiệp, tức là hướng dẫn chọn nghề cụ thể, sao học sinh lại chỉ biết tên các ngành? Trong hướng nghiệp chỉ nói đến các ngành thuộc hệ thống kinh tế quốc dân, mà không hướng dẫn học sinh tìm hiểu những công việc với tư cách là một lĩnh vực chuyên môn. Hướng nghiệp mà không hướng học sinh đến việc được đào tạo để trở thành người lao động có nghề thì không có tác dụng định hướng nghề nghiệp.

Trước câu hỏi: "Em quan tâm đến ngành kinh tế hàng không, nhưng không biết vào ngành này sẽ làm việc gì?" mà tôi là thầy giáo hướng nghiệp, thì chí ít, tôi phải cho học sinh những nội dung tư vấn như sau:

Hàng không là ngành kinh tế vận tải, công việc trong ngành thường phải áp dụng những kỹ thuật cao, ứng dụng nhiều công nghệ mới, một ngành luôn có những cải tiến để có sức cạnh tranh toàn cầu, hoạt động mang tính quốc tế, đòi hỏi rất cao về phương diện an toàn và an ninh.

Những vị trí làm việc trong lĩnh vực này rất đa dạng, hay nói khác đi, trong ngành này có nhiều chuyên môn được đào tạo theo những chương trình khác nhau. Nhưng người làm việc trong ngành này thường gặp là: Phi công, chuyên viên điều hành các chuyến bay, chuyên viên kiểm soát không lưu, tiếp viên hàng không, thủ tục viên sân bay, chuyên viên cân bằng trọng tải, kỹ sư bảo dưỡng máy bay...

Ngoài ra còn có rất nhiều công việc khác tại sân bay như công nhân lái xe chở hành lý của khách hàng, những tài xế lái xe con, xe bus chở khách đi và đến sân bay, nhân viên khách sạn sân bay, nhân viên coi giữ kho hàng hóa v.v...

Vậy thì em chọn công việc nào? Sự lựa chọn cụ thể sẽ cần đến những nội dung tư vấn tiếp theo thì mới xác định được nghề mình muốn theo đuổi.

Với câu hỏi "Mắt em kém, vì thế có nên chọn ngành Y hay không?" Thầy giáo hướng nghiệp cần cung cấp thông tin để giúp em học sinh nhận thức sâu hơn về ngành này trước khi viết đơn đề đạt nguyện vọng.

Trong ngành Y có nhiều công việc khác nhau, thường gặp nhất là bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên, hộ sinh, hộ lý...

Đội ngũ bác sĩ lại chia ra các chuyên ngành như bác sĩ nội khoa, bác sĩ ngoại khoa và đi sâu vào chuyên môn, ta lại thấy bác sĩ tai/mũi/họng, bác sĩ răng/hàm/mặt; bác sĩ nhi khoa, bác sĩ lão khoa... Bác sĩ cũng có sự khác nhau về trường phái: Bác sĩ Tây y và bác sĩ (thầy thuốc) Đông y. Lĩnh vực Tây y hoặc lĩnh vực Đông y cũng có hệ thống bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên v.v...

Trong ngành Y còn có một chuyên môn khác là Dược học. Ngành Dược lại chia là Đông dược và Tây dược. Vị trí công việc trong ngành cũng đa dạng như dược sĩ lâm sàng (dược sĩ đại học, dược sĩ cao đẳng), chuyên gia dược liệu và dược học cổ truyền, chuyên viên kiểm định chất lượng, sản xuất và phát triển thuốc, quản lý và cung ứng thuốc.

Nếu học sinh có đôi mắt kém, người hướng dẫn chọn nghề y phải hỏi cho rõ tình trạng mắt kém như thế nào. Các tật về khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị sẽ khác với bệnh mù màu, quáng gà và tùy những tật đó mà chọn chuyên môn trong ngành y hoặc dược. Còn đục thủy tinh thể hoặc viêm mắt thì phải chữa để mắt trở lại bình thường.

Thiếu kho tri thức về hướng nghiệp 

Năm 1981, Thủ tướng Chính phủ (lúc đó gọi là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) đã có quyết định về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông. Rất tiếc là, sau hơn 40 năm mà cơ sở hướng nghiệp như phòng hướng nghiệp, tài liệu hướng nghiệp còn quá sơ sài và thiếu thốn. Nhà nước không có chủ trương đào tạo giáo viên hướng nghiệp và bác sĩ trường học để chăm lo việc hướng dẫn học sinh chọn nghề.

Hướng nghiệp là một công việc đòi hỏi sự phối hợp giữa ngành giáo dục với nhiều ngành khác, bởi bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ năng lực và điều kiện để đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động hướng nghiệp. Một số việc cần các bộ, ngành khác giúp vào công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông là:

Cử chuyên gia hoặc những công nhân lành nghề đến nói chuyện với học sinh về những nghề mà họ đang làm, những kinh nghiệm hành nghề của họ...

Tổ chức cho thầy, trò của trường phổ thông đến tham quan các nhà máy, các trang trại chăn nuôi và trồng trọt, các cánh đồng chuyên canh sử dụng công nghệ cao, cho học sinh thực tập ở những cơ sở sản xuất v.v...

Thiết kế các bản họa đồ nghề (Professiograme – bản mô tả về từng nghề cụ thể). Các bản họa đồ nghề thường được cấu trúc với những mục đích như: Tên nghề, nội dung và tính chất lao động của nghề, những điều kiện cần thiết để học nghề có hiệu quả, những chống chỉ định y học trong lao động nghề nghiệp, lương và các chế độ theo lương, những cơ sở đào tạo nghề, những nơi làm việc sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Ngành giáo dục cần một hệ thống tài nguyên hướng nghiệp trên mạng internet

Trên đây chỉ là vấn đề chung của định hướng nghề và tư vấn nghề. Đi vào cụ thể công tác hướng nghiệp trong hiện tại, người làm việc này cần hiểu những vấn đề sau đây:

1. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống nghề trong xã hội đã có nhiều biến đổi. Nhiều nghề cũ mất đi, nhiều nghề mới hình thành. Với những nghề cũ vẫn còn tồn tại, rất nhiều vị trí làm việc của người lao động cũng có những thay đổi về nội dung và phương pháp sản xuất do ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới. Cả nghề cũ lẫn nghề mới đều đòi hỏi người lao động phải học hỏi để có những kỹ năng mới.

Diễn đàn kinh tế thế giới 2020 đưa ra một thông tin rất đáng chú ý: Đến năm 2030, trên toàn cầu sẽ có khoảng 1 tỷ việc làm phải thay đổi kỹ năng.

Số việc làm cũ mất đi rất nhiều, nhưng số việc làm mới còn nhiều hơn. Người ta không lo thất nghiệp, mà phải lo học hỏi thường xuyên để có kỹ năng và những phẩm chất đáp ứng yêu cầu của việc làm mới. Người không lo trau dồi kỹ năng mới, nâng cao vốn hiểu biết về công việc mới sẽ là người bị loại ra khỏi hệ thống việc làm.

2. Trước sự phát triển của thế giới nghề nghiệp, cần đổi mới và trang bị mới về kỹ thuật và công nghệ cho hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông bằng cách viết lại sách hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Sách hướng nghiệp luôn lỗi thời rất nhanh không phản ánh được thế giới nghề nghiệp hiện đại.

Ngành sư phạm phải có khoa đào tạo giáo viên hướng nghiệp. Khoa đó phải được quan tâm phát triển, bởi nó không kém phần quan trọng so với khoa Toán, khoa Văn, khoa Lịch sử, khoa Ngoại ngữ...

Chương trình phổ thông mới coi cấp Trung học phổ thông là cấp hướng nghiệp mà dùng giáo viên văn, giáo viên công dân học tập nói về nghề thợ cơ khí hiện đại. Như vậy thì làm sao có thể mang lại cho học sinh những ấn tượng của nghề này trong một nhà máy mà người thợ làm việc với những Robot thông minh.

Ngành giáo dục cần một hệ thống tài nguyên hướng nghiệp trên mạng. Tài liệu bao gồm những bản họa đồ nghề nghiệp, những video giới thiệu các nghề cụ thể. Tư liệu số hóa về các hoạt động nghề nghiệp, về những nhân vật tiêu biểu trong các nghề v.v...

Chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ trình độ làm được việc này, mà phải dựa vào các bộ, cách ngành khác. Sự hợp tác trong lĩnh vực này là giải pháp thông minh. Hiện nay, trên Internet, nhiều nghề đã được các bộ, ngành đưa lên mạng. Rất tiếc là người làm hướng nghiệp và nhiều em học sinh đã không biết truy cập mạng thông tin để có được những hiểu biết về nghề mà mình yêu thích.

Nhiều câu hỏi của các em học sinh đặt ra trước khi chọn trường học tiếp sau phổ thông trung học mà chúng tôi ghi ở trang đầu của bài viết này sẽ được giải đáp nếu tra cứu trên Google, chưa cần thiết phải tìm đến người làm công tác tư vấn nghề.

3. Ngày nay, trước khi chọn nghề, các em học sinh cần tự trang bị cho mình một vốn ngoại ngữ nhất định (trước hết là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp). Đồng thời, cần thành thạo sử dụng các thiết bị thông minh để truy cập vào hệ thống Internet nhằm có được những thông tin về những nghề đang thịnh hành ở Việt Nam, ở Mỹ, Nhật hoặc Canada..., về nhu cầu lao động trong nước và nước ngoài.

Những em nào có ý hướng tìm kiếm việc làm ở các nước trong khu vực hay trên thế giới, cần tìm kiếm thông tin trên mạng. Nếu ngoại ngữ mà kém, thiếu hiểu biết về con người của xứ sở ta định tới và văn hóa của họ, của dân tộc họ, chưa tỏ tường những yêu cầu về việc làm của đất nước họ thì "giấc mơ" không thể có thật được!

4. Trong quá trình học nghề và sau đó hành nghề cần lưu ý rằng, đây là việc làm đòi hỏi luôn luôn có sự học hỏi thêm. Khi có việc làm, việc trau dồi tay nghề phải làm hàng ngày. Khi phải thay đổi nghề, lại càng phải ra sức học hỏi để sang nghề mới đã có sự chuẩn bị chu đáo.

Ngay trong khi học nghề đã phải có tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp, nói cho cùng, là ý tưởng tìm một cách làm độc đáo khi triển khai công việc dựa trên tri thức và kỹ năng về nghề đã học vào cuộc sống. Nói cách khác, là thực hiện công việc của mình một cách sáng tạo. Khi ta sáng tạo trong công việc thì ta sẽ yêu nghề.

5. Con người hiện tại phải có một đời sống văn hóa phong phú. Người làm nghề cơ khí lại mù "văn chương", nhà thơ "mù công nghệ thông tin", nhà toán học "không biết bơi", "không biết khiêu vũ", người làm hành chính "không biết hát" v.v... đều khó sống với thế giới này.

Hướng nghiệp - bản phác hoạ cho tương lai - Ảnh 6.

Tôi yêu mẫu người như Nha sĩ - Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Ông được phong danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" nhưng lại là tác giả của những ca khúc lãng mạn, trữ tình như: "Mùa xuân ơi", "Ôi cuộc sống mến thương" hay "Như khúc tình ca" - nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.