Góc độ hướng nghiệp từ việc học tiếng Anh

Đào Thị Thu Hương
11:24 - 14/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học tiếng Anh trở thành xu hướng bởi nếu không biết ngoại ngữ, các sinh viên sẽ mất đi cơ hội làm việc trong những công ty đa quốc gia và giảm đi năng lực cạnh tranh trực tiếp với những ứng viên thông thạo ngoại ngữ.

Trước đây, học tiếng Anh chỉ được thấy trong các lớp học chính khóa tại các tổ chức giáo dục dưới sự hướng dẫn của giáo viên người Việt Nam. Cách học tập trung quá nhiều vào ngữ pháp, máy móc và thụ động khiến cho học sinh xem việc học tiếng Anh như một "cực hình". Học xong lại quên vì không được giao tiếp thực tế. 

Giờ đây, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự đổi mới về phương pháp giảng dạy trong nhà trường cũng như việc ra đời hàng loạt các trung tâm đào tạo tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của các giáo viên bản xứ đã giúp cho việc tiếp cận với ngôn ngữ mới nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều.

học tiếng Anh

Việc xuất hiện nhiều giáo viên bản xứ có quốc tịch ở các quốc gia Anh ngữ giúp cho việc học Tiếng Anh trở nên hiệu quả hơn trước đây. Ảnh: IT/image

Học tiếng Anh tăng khả năng ứng tuyển khi đi xin việc

Khi giỏi về ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh thì đó là một lợi thế giúp sinh viên có nhiều cơ hội để đậu vào các doanh nghiệp hơn. 

Chúng ta có thể lấy một ví dụ cụ thể trong những năm vừa qua đó là: có những sinh viên ra trường đạt loại giỏi và đã xin việc vào làm tại các doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Họ đã trải qua rất tốt các vòng kiểm định về kiến thức chuyên ngành nhưng chỉ vì thiếu các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) tiếng Anh nên đã không thể vượt qua được bài kiểm tra về ngoại ngữ. 

Kết cục là họ đánh mất cơ hội việc làm của mình. 

Học tiếng Anh mở ra các cơ hội việc làm hấp dẫn

Kinh tế trong giai đoạn khó khăn và khủng hoảng chính là lúc mà những người biết ngoại ngữ trở thành những người được trọng dụng. Các công ty quốc tế khi đến Việt Nam luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự người Việt với điều kiện nhân sự không chỉ giỏi chuyên môn mà phải biết ngoại ngữ phục vụ giao tiếp. 

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng là những quốc gia có nhiều công ty lớn đầu tư tại Việt Nam. Chính sách về nhân sự, tiền lương và cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở đối với những ứng viên biết sử dụng ngoại ngữ. Có điểm chung là các công ty này giao tiếp bằng tiếng Anh. Tiếng Anh được coi là thứ ngôn ngữ toàn cầu, hiện là tiếng nước ngoài được sử dụng bên ngoài lãnh thổ nhiều nhất.

Khi sinh viên có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt thì sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn một công việc phù hợp, một môi trường làm việc chuyên nghiệp, một mức thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra. Quan trọng nhất là tiếng Anh còn giúp nhân sự thăng hoa trong công việc. 

Thực tế là sinh viên biết tiếng Anh có thể không cần phải đi tìm việc. Nếu có nhu cầu thay đổi sẽ nhận được thư mời làm việc từ chính các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Ứng viên có tiếng Anh và chuyên môn tốt sẽ là người chọn công ty nào để làm việc chứ không phải nhà tuyển dụng chọn mình nữa.

Học tiếng Anh để có cơ hội thăng tiến

Trong thế giới phẳng và giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn làm việc với các đối tác nước ngoài và không ngừng vươn cao, vươn xa. Những cá nhân có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo lúc này sẽ được lựa chọn để thay mặt công ty đàm phán với các đối tác nước ngoài. Đó là lý do tiếng Anh được coi như một điều kiện thiết yếu nếu nhân sự muốn được đề bạt lên vị trí cao hơn.

Được tham gia các cuộc họp, hội nghị quốc tế là ước mơ của bất cứ nhân viên nào. Đây không chỉ là dịp để nhân sự có thể chứng minh khả năng của bản thân mình mà còn mang tới cho công ty biết bao cơ hội phát triển, thậm chí cả cơ hội cho chính họ. 

Các cuộc họp, hội nghị quốc tế là các cuộc gặp gỡ nhiều người tài giỏi sẽ giúp họ mở rộng tầm mắt của mình, được trao đổi nhưng kinh nghiệm, kiến thức mà bản thân nhân sự chưa bao giờ biết đến. Điều kiện không thể thiếu để nhân sự tham dự các cuộc họp, hội thảo này chính là tiếng Anh bởi chính nhân sự cần phải nghe, hiểu và trao đổi, giao tiếp với những người khác.

Các nhà tuyển dụng ngày nay đặt ra kỳ vọng thay đổi nhanh chóng nguồn nhân lực phải sở hữu kỹ năng không thể thiếu là khả năng cộng tác hiệu quả với nhau mà không bị cản trở bởi yếu tố văn hóa, biên giới và ngôn ngữ.

Đó chính là lý do vì sao kỹ năng sử dụng tiếng Anh trở thành chìa khóa để giải quyết vấn đề. Ông Simon Young, Quản lý danh mục BTEC của Pearson châu Á nói rằng do hiện giờ, các chuỗi cung ứng và cơ sở khách hàng đã trải rộng khắp toàn cầu, nên các công ty đa quốc gia xác định rằng trình độ tiếng Anh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc, chứ không chỉ là một kỹ năng hữu ích nữa.

"Có vẻ như tiếng Anh đã trở thành một kỹ năng quan trọng để giao tiếp trong kinh doanh, dù bạn đảm nhiệm bất cứ vai trò nào. Vì vậy, tại các quốc gia đang phát triển với lực lượng lao động địa phương hùng hậu, việc tương tác với các bộ phận khác đòi hỏi phải có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. tiếng Anh đã trở thành phương tiện giao tiếp toàn cầu" - Ông Simon Young chia sẻ. 

Học tiếng Anh để trau dồi bản thân tốt hơn

Tiếng Anh sẽ giúp các sinh viên dễ dàng tiếp cận được nền các văn hóa trên thế giới, dễ dàng đọc những cuốn tài liệu, báo tạp chí về chủ đề mình yêu thích. Sinh viên có thể xem những bộ phim nước ngoài mà không phụ thuộc nhiều vào lời dịch. 

Sinh viên có thể đi du lịch ở bất kỳ quốc gia nào mà không cần lo lắng về rào cản ngôn ngữ. Đó chính là những cơ hội rất tốt để sinh viên tự trau dồi bản thân thành một phiên bản hiểu biết hơn, có năng lực hơn. Năng lực và hiểu biết sẽ là yếu tố để bản thân mình trở nên "có giá trị" không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống.

hướng nghiệp từ việc học tiếng Anh

Đối với người học tiếng Anh, một thế giới văn hoá, tư tưởng cấp tiến, cơ hội việc làm và cơ hội nâng cấp bản thân có thể mở ra khi học tiếng Anh. Ảnh: IT/image

Tiếng Anh luôn mang đến nhiều thứ hơn cả một ngôn ngữ. Học tiếng Anh là tiếp cận với cả một nền văn hóa và kho tàng kiến thức. Đó là tấm vé thông hành giúp người học tự tin đến nhiều quốc gia và cũng là một luồng gió thổi vào người học những tư tưởng hiện đại. 

Chắc chắn cuộc sống của người biết tiếng Anh sẽ tràn đầy điều hứng khởi và có biết bao điều học hỏi để hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày. Bên cạnh việc học cho chính bản thân mình, người biết tiếng Anh sẽ có thêm kiến thức để có thể giúp những người xung quanh, tạo ra môi trường thực hành tiếng Anh bất cứ đâu, trong câu lạc bộ, trong nhóm bạn, trong doanh nghiệp...

Sinh viên hiện nay học tiếng Anh như thế nào?

Theo khảo sát của Vụ Giáo dục Đại học về việc sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, có khoảng 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm.

Điều này cho thấy hơn nửa số sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Đây là một thực trạng đáng lo ngại khi nhiều sinh viên ra trường nhưng vẫn chưa trang bị kỹ càng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết. Điều này cũng đóng góp vào nguyên nhân tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau ra trường cao.

Trong thực tế, người học tiếng Anh cũng giống như một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, việc học cần bắt đầu bằng việc lắng nghe - bắt chước và tập nói, sau đó mới học viết và đọc. Tuy nhiên quá trình học tiếng Anh của các bạn trẻ ngày nay lại ngược lại ở chỗ quá chú trọng vào ngữ pháp, thiếu thực hành nên khả năng giao tiếp còn hạn chế. 

Rất nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng đọc hiểu rất tốt, nhưng lại không thể trả lời email và soạn tài liệu thành thạo đúng văn phong của người bản xứ, khi gặp gỡ người nước ngoài lại ấp úng, không thể giao tiếp trôi chảy. Đây là tình trạng chung của giới trẻ và điều này góp phần không nhỏ vào việc bỏ lỡ cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế.

Tiêu chuẩn ứng viên biết tiếng Anh khi xin việc?

Điểm bình quân học tiếng Anh sinh viên năm nhất dao động ở mức 200-250/990 điểm TOEIC. Với mức điểm này sinh viên cần nhiều thời gian để đạt được 450-500 điểm TOEIC. Đây là mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ. 

Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng lên nhiều thì những đòi hỏi về nhân lực có khả năng về ngoại ngữ lại càng cao hơn. 

Trình độ của sinh viên không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực học tiếng Anh. Một số trường hiện nay không tổ chức kỳ thi xếp lớp vào đầu năm học, một số khác thực hiện việc tổ chức này khá qua loa, đại khái. 

Trong quá trình học, sinh viên ngại giao tiếp bằng tiếng Anh và kiến thức cơ bản hạn chế. Sinh viên không theo kịp lượng kiến thức của chương trình gây nhiều khó khăn cho giảng viên. Giáo viên cũng khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên. Từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học.

Khi được học với giáo viên bản xứ, rất ít sinh viên có thể hiểu được bài học. Số sinh viên còn lại có tâm lý e ngại khi phải giao tiếp hoặc không hiểu khi không có sự hỗ trợ từ giáo viên trợ giảng. Nhiều sinh viên ngại nói vì sợ sai, sợ bị chê cười, dần dần trở nên khép mình trong các giờ học tiếng Anh. 

Nhiều sinh viên còn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh. Họ cho rằng lúc nào học cũng được, ra trường học cũng không muộn. Một số khác lại có tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ", cảm thấy bản thân yếu môn tiếng Anh nên chuyển sang học ngôn ngữ khác "dễ hơn". Họ không nhận thức được rằng không ngôn ngữ nào dễ học khi bản thân không chăm chỉ và không có phương pháp học phù hợp.

Ðiều đáng nói là mặc dù ngoại ngữ có vai trò quan trọng như vậy trong chính sách giáo dục ngôn ngữ của Việt Nam, nhưng năng lực ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Ở đây có một mâu thuẫn rất khó lý giải giữa một bên là yêu cầu nghiêm ngặt về trình độ ngoại ngữ mà mọi sinh viên đều phải đạt trước khi được công nhận tốt nghiệp, và một bên là đánh giá của những người sử dụng các sinh viên tốt nghiệp với trình độ ngoại ngữ đã được các trường đại học thừa nhận.

Rõ ràng là ở đây chỉ có thể có một lời giải thích đúng: hoặc đánh giá của nhà các tuyển dụng nói riêng và của xã hội nói chung về trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam là không chính xác. Còn ngược lại, năng lực ngoại ngữ đầu ra khi tốt nghiệp của các sinh viên Việt Nam quả thực còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế.

Cải thiện việc học tiếng Anh cho sinh viên như thế nào?

Sinh viên khối các trường đại học công lập bậc trung có một số các đặc điểm nổi bật như: điểm đầu vào đại học không cao, xuất phát điểm học tiếng Anh thấp, không có nền tảng kinh phí. Thực hiện một cuộc khảo sát điều tra về nhận thức của sinh viên về vai trò của học tiếng Anh trong định hướng nghề nghiệp đã thu được nhiều kết quả bất ngờ.

Khi được hỏi "Bạn có cho rằng học tiếng Anh quan trọng đối với việc lựa chọn nghề nghiệp sau này không?", kết quả phản hồi cho thấy 67% số sinh viên đồng ý rằng học tiếng Anh quan trọng. 

Nhưng khi được hỏi "Năng lực học tiếng Anh của bạn có đáp ứng được công việc mà bạn đang hướng tới không?", có 57% số sinh viên nói rằng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sinh viên cũng tỏ ra quan ngại về việc sắp tốt nghiệp ra trường nhưng dường như việc học tiếng Anh của họ chưa tốt hơn được mấy so với bậc phổ thông. Nhiều sinh viên chia sẻ rằng họ muốn thử sức trong những công việc có tính thách thức và đem lại thu nhập cao nhưng rào cản lớn nhất có lẽ là việc học tiếng Anh.

Đứng trước câu hỏi: "Bạn có tìm hiểu về các ngành nghề, lĩnh vực mới trong thời đại công nghệ 4.0". Hơn 60% số sinh viên được khảo sát khẳng định họ đã từng tìm hiểu, 21% trong số đó tìm hiểu kỹ còn lại chỉ tìm hiểu qua. 42% số sinh viên nói rằng họ không biết chính xác mình muốn làm gì sau khi ra trường. Thực trạng này thực sự đáng lo ngại, sinh viên dường như không có mục tiêu cụ thể hay định hướng rõ ràng về nghề nghiệp mà họ sẽ làm khi ra trường. Điều này dẫn đến họ thờ ơ, chủ quan trong việc đầu tư học tiếng Anh.

Các sinh viên khẳng định rằng thời đại công nghệ 4.0, học tiếng Anh trở thành điều kiện cần thiết để họ tham gia vào thị trường lao động mở. Khi sở hữu vốn tiếng Anh tốt họ có thể làm việc tại các công ty nước ngoài, các công ty nước đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp liên doanh liên kết hoặc các chương trình dự án. Bên cạnh đó 58% số sinh viên thừa nhận rằng có rất nhiều ngành nghề mới xuất hiện ví dụ như thương mại điện tử, logistic, quản trị truyền thông đa phương tiện, thương mại quốc tế. Tuy nhiên để chinh phục các ngành nghề này, các sinh viên phải có nền tảng kiến thức học tiếng Anh vững vàng và không chỉ học tiếng Anh giao tiếp mà còn học tiếng Anh chuyên ngành. Đáng tiếc có tới 43% số sinh viên không biết về điều này và tỏ ra bối rối với thông tin được cung cấp.

Bên cạnh đó các ngành nghề đã xuất hiện từ trước nhưng trong bối cảnh hội nhập thì bắt buộc phải thay đổi cách thức hoạt động. Hoạt động kinh doanh, trao đổi không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi một nước hoặc một vài nước trong một khối mà là sự kết nối toàn cầu. Chúng ta cần phải giao dịch với rất nhiều người từ các quốc gia khác nhau nếu muốn mở rộng quan hệ để phát triển công việc. 

Một ví dụ điển hình là ngành du lịch, số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam hiện giờ đang tăng rất mạnh. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân trong nước cũng ngày một tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc nhân sự làm trong ngành du lịch cần phải biết ngoại ngữ hoặc cơ bản nhất là học tiếng Anh để có thể thực hiện các giao dịch.

Học tiếng Anh một lần nữa trở nên quan trọng trong công việc và định hướng nghề nghiệp của một cá nhân. Vấn đề sinh viên có hiểu điều này hay không? 70% sinh viên nói rằng họ có hiểu nhưng 53% trong số đó không vượt qua được sức ì của bản thân để bắt tay vào việc trau đồi việc học tiếng Anh của mình.

Sinh viên thực sự rất mơ hồ trong việc định hướng nghề nghiệp cho mình sau khi ra trường. Họ dường như không rõ ràng trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực mình sẽ làm hoặc sẽ chinh phục khi tốt nghiệp đại học. Một số sinh viên tỏ ra thờ ơ, bàng quan khi được hỏi về định hướng nghề nghiệp khi cho rằng "đến đâu tính đến đó, ra trường tính tiếp". Một số khác lại tỏ ra lo lắng, bối rối vì thực sự không biết mình muốn gì, có thể làm gì và yêu cầu đòi hỏi đối với mỗi một công việc, ngành nghề, lĩnh vực. 

Đa phần các cá nhân thừa nhận rằng việc đào tạo tại các trường đại học là rất khác so với khi chính thức làm việc trong thực tế. Họ cũng hiểu tầm quan trọng của học tiếng Anh đối với công việc cũng như sự thăng tiến nghề nghiệp. Tuy nhiên nhìn chung nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của học tiếng Anh đối với định hướng nghề nghiệp chưa cao. 

Các trường đại học bên cạnh việc thay đổi trong phương pháp dạy và học tiếng Anh nhằm đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại, của thị trường lao động thời hội nhập thì cần thiết phải nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của học tiếng Anh trong định hướng nghề nghiệp. 

Bình luận của bạn

Bình luận