Cẩn trọng với tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trên mạng xã hội

Quang Minh
14:01 - 05/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nắm bắt được thời điểm học sinh trung học cuối cấp rất cần thông tin về ngành học và công việc, nhiều nền tảng mạng xã hội đang có xu hướng "nở rộ" các tin tức, bài vở, hình ảnh đồ họa, video tư vấn "dỏm"...

Tràn lan những nội dung tư vấn 

Những nội dung tư vấn tuyển sinh "dỏm" được đăng tải nhiều vô số, nhưng để kiểm tra được nội dung có chính xác hay không, có phù hợp với định hướng ngành nghề trong xã hội hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều thông tin không được lựa chọn và sàng lọc kỹ càng, dễ gây "nhiễu" với nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh.

Ngày nay, việc tiếp cận với mạng xã hội là điều khá phổ biến và dễ dàng. Các nền tảng số như Google, Facebook, Tiktok, Instagram,… không chỉ đáp ứng nhu cầu về giải trí và giao tiếp, còn trở thành lựa chọn hàng đầu trong việc tra cứu thông tin. Không khó để các bạn trẻ tìm kiếm và tiếp cận với hàng loạt video, bài viết về tuyển sinh, tư vấn chọn ngành, chọn nghề trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng, tỉnh táo để chọn lọc kênh tham khảo, bởi không ít thông tin xuất phát từ ý kiến chủ quan, thiếu cơ sở, gây hoang mang cho nhiều học sinh cuối cấp.

Xét từ góc độ tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Những nội dung này có thể sẽ khiến các bạn học sinh chênh vênh, ngờ vực, áp lực và mất phương hướng; dẫn đến mâu thuẫn tâm lý giữa lựa chọn của các em ở hiện tại và quyết định đã được xem xét cẩn thận trong thời gian dài trước đó”.

Thông tin nhiễu loạn có thể khiến nhiều học sinh trở nên hoang mang, mất thời gian để tìm hiểu và đối chứng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian ôn thi vốn đã eo hẹp của các bạn học sinh, mà còn tạo cảm giác bất an, dễ bị phân tâm vào thời điểm mà học sinh cần tập trung nhiều nhất.

Vấn đề tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cần được ưu tiên

Mỗi năm từ thời điểm sau Tết cho đến trước kỳ thi tốt nghiệp các cấp, nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin tuyển sinh, đặc biệt đối với các bạn học sinh trung học cuối cấp rất cần thông tin về ngành học và công việc trở nên "nóng" hơn bao giờ. Thực tế, nhiều diễn đàn chính thông, các cơ sở đào tạo, các kênh báo chí, cổng thông tin các cơ quan chính phủ... cũng đã có những thông tin cung cấp nhiều chiều tới các bạn trẻ. 

PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Các nền tảng công nghệ tạo nên nhiều kênh truyền thông mới, giúp công chúng, nhất là các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, lợi thế kết nối nhanh và bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ nội dung lại là điểm bất cập lớn. Vì người dùng dễ bị lôi cuốn bởi những hình ảnh bắt mắt, thậm chí giật gân, gây sốc, nhưng lại khó kiểm chứng thông tin”.

Đứng trước nhiều sự lựa chọn về trường đại học và nghề nghiệp tương lai, học sinh cần cẩn trọng hơn trong việc tham khảo thông tin qua mạng. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi học sinh mà cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội.

Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm trong việc chủ động rà soát các nội dung đăng tải, phạt những video đưa tin sai sự thật. Những nhà sáng tạo nội dung số cũng cần nâng cao đạo đức và văn hóa truyền thông, cam kết chia sẻ những thông tin khách quan, chân thực và tuyệt đối không sản xuất những nội dung thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh.

Song, khi là người sử dụng mạng xã hội, mỗi học sinh nên nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin, tham khảo từ nhiều kênh tư vấn tuyển sinh uy tín, từ ý kiến của gia đình và nhà trường. Hơn hết, các bạn học sinh cần lắng nghe mong muốn của chính bản thân mình, để xác định rõ niềm đam mê, sở thích, từ đó, mới có thể đưa ra lựa chọn ngành học đúng đắn và phù hợp nhất.

Nguồn: Nhân Dân