Sinh viên đại học có cần học Toán?

Ngọc Ánh
17:58 - 19/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều băn khoăn của học sinh và phụ huynh về phương thức xét tuyển, chọn ngành, chọn trường... đã được giải đáp tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp diễn ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

Những kiến thức Toán học như tích phân, đạo hàm, phương trình lượng giác... có thể áp dụng vào công việc thực tế hay không? 

Có cách nào để đánh giá tư duy, đánh giá được năng lực của thí sinh mà không cần phải sử dụng đến những kiến thức Toán học hàn lâm này?

Nhiều phụ huynh đã nêu câu hỏi thú vị trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp diễn ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sinh viên đại học có cần học toán? - Ảnh 1.

Phụ huynh đặt câu hỏi với chuyên gia trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp diễn ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Chủ đề học tích phân, đạo hàm để làm gì gây tranh luận khá nhiều 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trả lời các phụ huynh: Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn duy trì học toán giải tích, đại số... Các môn học này ở Bách khoa có chương trình học khá nặng, nhưng so với các trường kỹ thuật ở Đức, Pháp thì vẫn còn thua xa.

Làm việc trong lĩnh vực cơ điện tử và điều khiển robot, tôi nhận thấy môn toán được sử dụng hàng ngày, dưới dạng lập trình.

Nếu không học những kiến thức như đạo hàm, tích phân, vi phân, phương trình vi phân... sẽ rất khó đạt được cấp độ cao về mặt tư duy trong các lĩnh vực nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu phát triển.

Đối với giới nghiên cứu chuyên sâu có những công bố quốc tế, giải pháp mang tính phát minh thì Toán học và Vật lí chính là nền tảng.

Những trường tổ chức kỳ thi riêng vẫn dựa trên nền tảng đánh giá tư duy, đánh giá năng lực của thí sinh và Toán học là một phần nằm trong nền tảng đó.

Ngoài ra, để lựa chọn được sinh viên phù hợp, đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy còn đưa vào một số nội dung khác để đánh giá tư duy giải quyết vấn đề, tư duy đọc hiểu, kiến thức xã hội... của thí sinh.

Sinh viên đại học có cần học toán? - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh. Ảnh: Ngọc Ánh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết thêm: Không phải ai cũng cần học chuyên sâu về Toán. Mỗi ngành sẽ có yêu cầu, thiết kế chương trình cho môn Toán khác nhau. Ví dụ, sinh viên học ngành sức khỏe thì không thể học Toán giống như sinh viên ngành kinh tế, kỹ thuật.

Cùng một chuyên ngành đào tạo nhưng học ở các trường khác nhau thì cơ hội việc làm khác nhau ra sao?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính khẳng định điểm khác nhau phụ thuộc vào bề dày của các trường, đội ngũ giảng viên, chương trình học... 

Kiến thức sinh viên được học có phần trăm giống nhau, nhưng môi trường học tập, người dạy khác thì sẽ tạo ra những sản phẩm khác nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết thêm: Học ở những trường đại học mới mở ngành đào tạo mà học sinh dự định đăng ký, thì sẽ có điều kiện để trải nghiệm nhiều hơn. Học ở trường có bề dày truyền thống đào tạo thì yên tâm hơn về uy tín cũng như chất lượng đào tạo. 

Quan trọng là lựa chọn ngành nghề, trường phù hợp với mình. 

Về cơ hội việc làm, cơ hội để phát triển nghề nghiệp thì ngoài giỏi chuyên môn, các học sinh phải trang bị cho mình hành trang quan trọng đó là kỹ năng và thái độ sống tốt. 

Cùng lúc xét tuyển vào khối ngành sức khoẻ, kỹ thuật có được không?

Vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tùng - Phòng quản lý đào tạo Trường Đại học Y Hà Nội trả lời: Trong quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn các ngành và phương thức xét tuyển. Vì vậy, các học sinh hoàn toàn có thể xét tuyển cùng lúc vào khối ngành sức khỏe, kỹ thuật.

Thí sinh dự thi lưu ý, Trường Đại học Y Hà Nội có phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ IELTS. Nhà trường không dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét thay thế một trong 3 môn Toán, Hóa, Sinh.