Cần một chính sách mở về tuổi nghỉ hưu cho giáo viên

Thành Phúc
11:04 - 06/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phần lớn giáo viên các cấp học phổ thông cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với các cơ quan chức năng được giữ tuổi nghỉ hưu như ngưỡng trước đây.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi đã nhận được sự đồng tình lớn của dư luận xã hội. Ở tuổi 60, giáo viên mầm non rất khó cáng đáng tốt công việc của mình.

Không chỉ giáo viên mầm non mà phần lớn giáo viên các cấp học phổ thông cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với các cơ quan chức năng được giữ tuổi nghỉ hưu như ngưỡng trước đây. Nam sẽ nghỉ ở tuổi 60 và nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 55 là phù hợp nhất.

Nếu như đến tuổi này, những thầy cô nào có đủ sức khỏe thì có thể duy trì tiếp thời gian công tác như đã được quy định tại Khoản 2, Điều 169 - Bộ luật Lao động 2019, nếu không, họ có thể về hưu. Đến tuổi này, đa phần giáo viên đã có trên dưới 35 năm công tác.

Thực tế hiện nay cho thấy, giáo viên mà áp dụng tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 62 (đối với nam) và 60 tuổi (đối với nữ) sẽ có rất nhiều bất cập. Phần lớn thầy cô đến tuổi này chỉ dạy theo định mức và cũng đã vất vả, chưa nói đến việc theo kịp được những đổi mới của ngành, những yêu cầu mới đối với áp dụng khoa học công nghệ và phương pháp giảng dạy mới. 

Giáo viên mầm non được đề xuất nghỉ hưu ở tuổi 55

Tại cuộc hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 22/11 vừa qua, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ một số thông tin về giáo viên mầm non.

Theo chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh, hiện cả nước thiếu 106.945 giáo viên. Trong đó, riêng bậc mầm non thiếu tới 44.068 giáo viên. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát và triển khai thực hiện một loạt các công việc nhằm sửa đổi chính sách theo hướng bảo đảm quyền lợi của giáo viên mầm non.

Điều đặc biệt là ông Phạm Tuấn Anh cho rằng hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi là không phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi.

Những thông tin này đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi lẽ, đối với giáo viên mầm non hiện nay rất vất vả và còn chịu nhiều thua thiệt về chế độ lương, chính sách đãi ngộ.

Hơn nữa, với đặc thù của cấp mầm non, học sinh ở độ tuổi 3-5 tuổi nên các giáo viên lớn tuổi sẽ vất vả trong việc nuôi dạy và những giáo viên lớn tuổi sẽ khó khăn trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học cho các cháu vì lúc này gánh nặng tuổi tác đã rất lớn.

Vì vậy, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn hợp lý với thực tế. Chính vì thế, không chỉ giáo viên mầm non mà ngay cả dư luận của xã hội cũng đồng tình trước việc làm này.

Có nên áp dụng độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên giống nhau các ngành nghề khác?

Với đặc thù của giáo viên cấp nào hiện nay cũng đang phải nói nhiều, đứng nhiều trong quá trình giảng dạy trên lớp nên khi bước qua độ tuổi 50 thì phần nhiều các thầy cô đều bắt đầu mắc một số bệnh nghề nghiệp liên quan, như: phổi, thanh quản và tĩnh mạch…

Khi các thầy cô giáo càng lớn tuổi cũng đồng nghĩa sức khỏe càng giảm sút đi nhiều. Nhưng, công việc đòi hỏi ngày càng cao hơn, định mức tiết dạy vẫn như những ngày còn trẻ, khỏe. Học trò thì vẫn vậy, vẫn hồn nhiên, nghịch ngợm nên nhiều thầy cô dạy đến cuối buổi là đã cảm thấy đuối sức.

Dù lúc này, tình yêu nghề của những nhà giáo vẫn mãnh liệt nhưng sức khỏe và thực tiễn công việc không cho phép họ cháy hết mình cùng học trò. Vì thế, hiệu quả giảng dạy của phần nhiều thầy cô lớn tuổi cũng sẽ bị ảnh hưởng do tuổi tác.

Trong khi, Điều 169 - Bộ luật Lao động 2019 hướng dẫn về tuổi nghỉ hưu như sau: "Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu;Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Sau khi Bộ luật Lao động 2019 ra đời, ngày 18/11/2020 thì Chính phủ ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP để hướng dẫn cụ thể. Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu nói chung và độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên, người công tác trong ngành giáo dục nói riêng, tăng lên. 

Căn cứ khoản 2, Điều 169 - Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của giáo viên làm việc trong điều kiện bình thường vào năm 2021 là: Giáo viên nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028, 60 tuổi với nữ vào năm 2035.

Giáo viên có thể về hưu trước tuổi nếu làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021. Hoặc, có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi quy định nêu trên.

Như vậy, về cơ bản thì giáo viên không được xếp trong nhóm đối tượng "công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm" nên đa phần tuổi nghỉ hưu sẽ giống như những ngành nghề khác.

Theo lộ trình, tuổi nghỉ hưu của giáo viên sẽ tăng dần cho đến 62 tuổi với nam vào năm 2028, 60 tuổi với nữ vào năm 2035 và kể từ năm 2021 đã đang thực hiện theo lộ trình này.

Cần một chính sách mở về độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên

Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động 2019 đã là cơ sở pháp lý đối với người lao động về độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, đối với giáo viên không giống như những ngành nghề khác bởi công việc của họ có phần mang tính đặc thù.

Nhiều thầy cô mắc phải một số bệnh mà chỉ những người đang trực tiếp đứng lớp mới cảm nhận rõ điều này.

Khi ngành giáo dục triển khai chương trình 2018 cũng là lúc đòi hỏi nhiều hơn về phương pháp và cần sự sôi nổi, năng động trong các hoạt động giáo dục và phải vững về công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Vì thế, rất khó để tất cả những giáo viên nữ ở ngưỡng trên ngưỡng 55, nam trên 60 bắt nhịp với yêu cầu mới.

Chính vì vậy, việc đề xuất với cả giáo viên phổ thông hiện nay chỉ nên dừng lại ở tuổi nghỉ hưu như trước đây.

Việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động theo Bộ luật Lao động 2019 đã được Quốc hội thảo luận, bỏ phiếu và thông qua là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và đã là cơ sở pháp lý để thực hiện.

Nhưng, đối với giáo viên kéo dài đến tuổi 60 và 62 thì các lớp học trò cũng sẽ thiệt thòi. Phần lớn giáo viên khi bước vào tuổi này không còn dồi dào sức sáng tạo và khả năng truyền động lực, khó trong sáng tạo, khích lệ sáng tạo cho học trò.