Tuổi 22 trước ngưỡng cửa cuộc đời

Lam Linh
15:00 - 20/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Khi bạn 22 tuổi - cái tuổi vừa rời ghế trường đại học, chưa có gì trong tay ngoài tấm bằng mà chưa biết ngã rẽ nào phù hợp. Có thể nhiều người còn chẳng biết bắt đầu từ đâu, phải tự tìm tòi, học hỏi để có thể bước vào thế giới của người đi làm.

Việc của lá là phải xanh, việc của tuổi trẻ là phải cố gắng và nỗ lực mỗi ngày. Ảnh minh họa: IT.

Việc của lá là phải xanh, việc của tuổi trẻ là phải cố gắng và nỗ lực mỗi ngày. Ảnh minh họa: IT.

Tuổi 22, người ta ví như độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng nó lại là giai đoạn mơ hồ nhất, cái tuổi chênh vênh vừa muốn trẻ thơ vừa muốn trưởng thành. 22 tuổi – chập chững bước chân ra khỏi trường đại học, không biết mình là ai, không biết mình muốn gì và thích gì, không biết đâu mới chính là con đường mình đi đúng hướng. Đây là cột mốc đánh dấu sự chuyển biến giữa "thế giới mà mình nghĩ trong đầu" và "thế giới thực". Có chút tự ti, lạc lối, thất vọng... trong ba khía cạnh: sự nghiệp, tài chính, sự cô đơn là những gia vị cảm xúc không thể thiếu ở độ tuổi này.

Cầm tấm bằng đại học trên tay, mơ hồ về tương lai 

Câu chuyện tuổi 22 không chỉ của riêng ai... Cầm tấm bằng đại học trên tay, bạn nhận ra đó không phải là tất cả để bạn có thể bước vào "trường đời". Bạn cố gắng tìm một công việc ổn định để có thêm thu nhập và kinh nghiệm, không thể bấp bênh hoặc cứ làm việc part-time như thời còn là sinh viên mãi được. Nhưng thực tế là, bạn không có kinh nghiệm, bạn rải cv khắp nơi, bạn không cam tâm làm những việc "tầm thường" không xứng với tấm bằng mình nhận được, bạn không chấp nhận làm việc trái ngành. Và thế là cứ thất nghiệp dài ngày, chờ đợi mòn mỏi, áp lực từ gia đình, bản thân mãi không tìm ra lối đi.

Tôi có một người bạn rất thích chụp ảnh, tốt nghiệp ngành quay phim với mong muốn trở thành "photographer" chuyên nghiệp. Nhưng đam mê tuổi trẻ phải gạt qua một bên, bạn vào làm ở một cửa hàng với vị trí nhân viên kinh doanh để tích góp tiền mua một chiếc máy ảnh. Thực tế phũ phàng như vậy đó, nó khác xa với những lý thuyết trên giảng đường bạn được học. Để thực hiện được ước mơ, hay chí ít là để "sinh tồn" sau khi ra trường, có thể bạn phải tạm gác hết những khát vọng tuổi trẻ của mình lại.

Tuổi 22 – cái tuổi đứng giữa ngã ba đường, không biết đi theo hướng nào mới thật sự phù hợp với bản thân. Không biết tương lai của mình sẽ ra sao? Chuyện nhà cửa, sinh sống ở đâu? Ở lại thành phố hay về quê, hay đến một nơi nào đó để lập nghiệp? Và khi ấy ta như đang đi lạc trong một khu rừng thẳm. Một sự mơ hồ về tương lai lại bủa vây, không biết sau này mình sẽ làm gì, ba tháng tới, sáu tháng tới, một năm tới mình sẽ là ai?

Tuổi 22 - bạn sẽ bước sang một môi trường mới, gặp gỡ những người bạn mới và cũng dần mất đi không ít những mối quan hệ cũ thời học sinh, sinh viên. Bạn bè của chúng ta mỗi đứa mỗi nơi: đứa về quê lập nghiệp, kẻ bỏ xứ đi du học, có người ra bắc vào nam, mỗi người có một lối đi riêng và rất khó để gặp được nhau. Tuổi 22 là giai đoạn bước vào giây phút chuyển giao khiến chúng ta nhận ra bản thân phải mạnh mẽ hơn rất nhiều, bởi lúc này đây chúng ta "đơn thương độc mã"...

Áp lực cuộc sống giờ đây đã thay thế cho những tình cảm trong sáng, vô tư, lãng mạn của mối tình thời sinh viên. Dường như nỗi lo cơm áo gạo tiền, tương lai phía trước khiến người ta không thể nào nắm tay nhau bước tiếp được nữa và phải lựa chọn rời xa nhau, cho dù có tiếc nuối, có đau lòng.

Tuổi 22 cô đơn lắm, đôi lúc mệt mỏi mà chẳng biết tâm sự cùng ai, nhiều lúc tủi thân muốn khóc òa lên, muốn bỏ hết tất cả chạy về nhà. Nhưng rồi chúng ta phải nuốt nước mắt vào trong, gói gém những áp lực lại và bước tiếp trên con đường mình đã chọn để ba mẹ không phải phiền lòng, lo lắng.

Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả phía sau bạn

Thật ra ở độ tuổi 22 chúng ta vẫn còn trẻ, việc sợ hãi khi ở độ tuổi lưng chừng đã khiến chúng ta quên đi những gì mình đang có và quên rằng cuộc sống luôn đầy ắp những việc không như ý mà chúng ta chẳng thể nào né tránh. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là thay đổi góc nhìn về nó và lựa chọn cách thức để vượt qua. Bởi lẽ, nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường!

Ở tuổi 22, nhiều khi ước mơ chông chênh như mặt trời đằng xa. Điều chúng ta cần làm không phải là đứng nhìn, mà tỉnh táo nhìn lại chính mình, xác định mục tiêu rõ ràng, bồi đắp kiến thức, và từng bước chinh phục "mặt trời".

Cuộc sống là một cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình. Hãy dành một khoảng lặng để ngẫm nghĩ mình đang có gì, chưa có gì và cần có những gì, rồi từ từ lên kế hoạch phát triển bản thân cho phù hợp.

Đây là khoảng thời gian nhạy cảm, thay vì ủ rũ so sánh bản thân mình với sự thành công của ngưới khác, so sánh "hậu trường" của cuộc đời mình với "trailer" cuộc đời người khác được họ đăng lên mạng xã hội một cách chỉn chu thì hãy nhớ rằng: Đừng so sánh cuộc đời mình với một ai khác bởi bầu trời của mỗi người mang một màu xanh khác nhau.

Loay hoay tìm một công việc như ý với mức lương tốt trong khi bản thân chưa đủ năng lực? Hãy xác định những kỹ năng và chuyên môn nhà tuyển dụng yêu cầu mà mình còn thiếu để tiếp tục học tập hoàn thiện bản thân. Rối ở đâu thì ta gỡ ở đó. Thiếu chứng chỉ ngoại ngữ thĩ hãy tự học bằng việc rèn luyện các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết thường xuyên tại nhà hoặc tìm một trung tâm ngoại ngữ có thể giúp mình. Kỹ năng tin học văn phòng chưa đạt yêu cầu, còn chần chừ gì nữa mà không đăng ký ngay cho mình một khóa học để ôn luyện... Học tập là một việc suốt đời nên không phải tốt nghiệp xong, nhận được tấm bằng đại học là việc học dừng tại đó.

Ngoài ra, chúng ta có thể dành thời gian cho việc đọc sách. Bởi sách chính là "người bạn" cứu cánh tuyệt vời nhất để trau dồi bản thân, bồi đắp thêm tri thức và giúp ta trưởng thành hơn. Tập thêm một vài môn thể thao, đi bơi, yoga, chơi bóng rổ... Nó giúp cơ thể khỏe mạnh, hấp thu nhiều năng lượng tích cực để chúng ta lạc quan và sáng tạo, có thêm bạn bè, tạo ra nhiều cơ hội mới.

"Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin".
Helen Keller – nhà văn khiếm thính, khiếm thị nổi tiếng người Mỹ

Tuổi 22 lênh đênh như áng mây trời nhưng lại là độ tuổi đánh dấu bước ngoặt của mọi sự thay đổi. Để có ý chí thì phải có nghịch cảnh. Nhưng đa phần khi gặp nghịch cảnh chúng ta hay tránh né, trốn chạy và bỏ cuộc. Bạn hãy nhớ rằng, đôi khi thất bại và thành công chỉ cách nhau bằng hai từ "nỗ lực". Chính thái độ của chúng ta khi bắt đầu một việc khó khăn sẽ ảnh hưởng đến kết quả thành công nhiều hơn bất cứ điều gì khác.

"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai". Không có "trái ngọt" nào tự đến mà không phải đánh đổi bằng sự cố gắng, kiên trì, thậm chí là những thất bại, mất mát. Để chạm đến "đỉnh vinh quang", bạn phải có niềm tin vào chính mình. Bởi niềm tin thực sự sẽ đưa con người từ vực thẳm tối tăm tiến lên phía trước. Đồng thời nó cũng có thể cứu họ từ gục ngã mà vươn lên trong những khó khăn. 

Cứ đi về phía trước, chắc chắn sẽ có đường để đi, có nơi để đến, có đích để tới. Việc của lá là phải xanh, việc của tuổi trẻ là phải cố gắng và nỗ lực mỗi ngày.