Triển lãm "Ngẫu nhiên 62": Thông điệp về vẻ đẹp tình yêu và cuộc sống
Điều đáng ghi nhận ở triển lãm này là cái đẹp, thể hiện qua các tranh vẽ và ở sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật. Chúng ta hãy tiếp tục lan tỏa cái đẹp, không chỉ trong hội họa mà cả trong cuộc sống, yêu đời; yêu thương những người xung quanh mình và sống tử tế với nhau...
Họa sĩ Tuấn Thịnh và Chí Cường là đôi bạn thân thiết trong nhiều năm. Dù vẫn đều đặn sáng tác nhưng đã khá lâu hai người không gặp nhau kể từ đợt bùng phát dịch COVID lần thứ nhất. Một ngày thu đẹp trời họ trò truyện qua mạng xã hội và nhận ra "tuổi tác đều đã tới 60 mùa hoa nở rồi đấy" rồi hẹn hò "triển lãm cái nhỉ", hai họa sĩ đều sinh năm 1962 và vừa nghỉ hưu… Ý tưởng về triển lãm tranh "Ngẫu nhiên 62" hình thành như vậy.
Ngày 15/10/2022 tại số 16 Ngô Quyền, Hà Nội diễn ra lễ khai mạc phòng tranh của hai tác giả Tuấn Thịnh và Chí Cường. Tôi đến để giao lưu và học hỏi với tâm thế một họa sĩ đàn em đi sau các anh khá nhiều năm về cả tuổi đời và tuổi nghề. Với Họa sĩ Chí Cường đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc còn họa sĩ Tuấn Thịnh, tôi đã được gặp và trao đổi với anh ở một vài sự kiện mỹ thuật, họa sĩ là người đã gợi mở cho tôi nhiều suy nghĩ về chuyện nghề, chuyện đời…
Hãy lan tỏa cái "đẹp" từ hội họa đến cuộc sống
Nguyễn Chí Cường sinh ra tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Học viện Quốc gia Suricop của Liên bang Nga năm 1990. Từng có tranh tham gia nhiều triển lãm và đã có tranh đạt Giải ba tại triển lãm tranh thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Công việc thường ngày của anh là giảng viên dạy mỹ thuật ở các trường Đại học. Trong mắt bạn bè, anh hiền lành, nhẹ nhàng, với nét cười trong đôi mắt đầy cá tính…
Tranh của anh khiến người xem liên tưởng đến một không gian hoài niệm, với những thiếu nữ mặc áo dài. Các nhân vật được bố cục theo lối cổ điển, nhóm chính - phụ ở một số tác phẩm được sắp đặt theo lối dính - rời cơ bản. Cách tạo hình này, gợi lên sự đơn giản, nhẹ nhàng của nhân vật và phần nào đó làm nên không gian êm đềm trong các tác phẩm của anh. Sáng tác của họa sĩ đưa ta đến những khám phá về một tâm hồn lãng đãng xen lẫn những phút giây sâu thẳm, tự tại nhưng đôi lúc xao động trong cõi mơ.
Nguyễn Tuấn Thịnh, sinh ra tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại Học Mỹ thuật Việt Nam năm 1985, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Một đời gắn bó với phim Truyền hình cho đến chạm ngưỡng hưu trí thì trở lại với bút màu. Họa sĩ có cách nhìn nhẹ nhàng với cuộc sống, dù ngôn ngữ hội họa có phần dữ dội. Xuyên suốt các tác phẩm của anh là những cảm xúc hướng tới cái đẹp.
Lần đầu tôi gặp Tuấn Thịnh tại một sự kiện triển lãm tranh của một tác giả nhận được nhiều lời khen chê trái triều từ công chúng. Khi hỏi ý kiến của anh để lấy tư liệu viết bài, anh không ngần ngại chia sẻ, trong nghệ thuật cần phải nhìn nhận một cách công bằng, có thể tác giả về đời tư hoặc cuộc sống không được lòng ai đó, nhưng cần ghi nhận các tác phẩm trong triển lãm này là nghiêm túc và có một số tác phẩm đẹp… Đó là một phần tính cách con người anh khiến tôi quý mến, tôi nhận ra bài học dù khen hay chê đều phải cẩn trọng và khách quan.
Giáo sư, họa sĩ Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam - người từng có thời gian là thầy giáo của cả hai tác giả cho biết, đây là hai cá tính nghệ thuật riêng biệt, khi bước vào phòng tranh dễ nhận ra điều này vì một bên là sự dịu dàng, êm đềm một bên là sự "quằn quại" dữ dội. Điều đáng ghi nhận ở triển lãm này là cái đẹp, thể hiện qua các tranh vẽ và ở sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật. Chúng ta hãy tiếp tục lan tỏa cái đẹp, không chỉ trong hội họa mà cả trong cuộc sống, yêu đời, yêu thương những người xung quanh mình và sống tử tế với nhau, vì hội họa cũng chính là cuộc sống. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt của triển lãm "Ngẫu nhiên 62".
Bản hòa tấu của hai cá tính nghệ thuật
Họa sĩ Đỗ Đức nhận xét: "Tôi thích Tranh Tuấn Thịnh vì nét bút hào sảng, mạnh mẽ, tự tin và đằm thắm. Anh có cái nhìn dứt khoát, nóng hổi và nam tính cực mạnh. Gam màu đậm chắc như cua gạch, cho thấy nội lực sung mãn chứa đầy năng lượng tích cực. Ngắm tranh của Tuấn Thịnh luôn gây cho người ta sự phấn chấn".
Những lời nhận xét trên của họa sĩ Đỗ Đức đã khái quát được phong cách nghệ thuật của Tuấn Thịnh. Dù thuộc lứa đàn em đi sau, nhưng tôi cũng mạo muội có vài nhận xét về các tác phẩm của anh khi xem triển lãm này.
Điều dễ nhận thấy trong các sáng tác của anh là tính nhịp điệu. Anh khai thác hình dựa trên nhịp điệu của các mảng sáng – tối. Trong mỗi bố cục ta thấy sự chỉn chu, sắp đặt rất kỹ lưỡng giữa tương quan hình và các khoảng hở. Lối tạo hình của anh có gì đó ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc, đục bỏ phần thừa để tạo nên tác phẩm. Khoảng hở xung quanh nhân vật được anh xử lý đan xen giữa mảng miếng to, nhỏ, khúc chiết. Đôi chỗ có cảm giác họa sĩ vẽ bên ngoài để diễn đạt bố cục hình bên trong, vẽ cái phụ để làm bật lên cái chính.
Nhịp điệu, tạo nên tính động trong các sáng tác của họa sĩ Tuấn Thịnh. Tính động không phải sự chuyển động hay động tác của các nhân vật mà nó nằm ở cách "chạy" các mảng sáng - tối, họa sĩ dùng nhiều sắc độ đậm nhạt và các màu sắc luân chuyển biến hóa tạo nên hiệu quả thị giác. Đây là thủ pháp không mới, nhưng tác giả sử dụng rất hợp lý, người xem tranh sẽ cảm nhận được những tầng lớp không gian, thu hút ánh nhìn từ mảng khái quát lớn, đến từng phần chi tiết nhỏ.
Ánh sáng, và cấu trúc hình họa trong các nhân vật vẫn được họa sĩ chú trọng. Đây là những yếu tố cơ bản trong hội họa, tuy nhiên nếu không quán xuyến và xử lý tốt, tác phẩm dễ bị khô cứng theo lối vẽ hình họa. Trong tranh của mình, họa sĩ Tuấn Thịnh thường dùng những khoảng sáng để tạo nên sự phá vỡ những cấu trúc mảng đậm đặc, đôi khi là những vệt sáng khẳng định lại hình… Sự biến chuyển đó khiến tác phẩm của anh vừa khúc chiết vừa mềm mại.
Loạt tranh trong triển lãm lần này của anh theo bạn bè nhận xét, đó là một sự "lột xác" của họa sĩ so với lần triển lãm trước. Nhìn chung các tác phẩm gây thú vị cho người xem, cả về tạo hình lẫn màu sắc. Nếu có một chút góp ý về loạt tác phẩm của Tuấn Thịnh, tôi nghĩ cách dùng màu của anh hơi an toàn. Với những gam màu trung tính, màu ốc tròn trịa đủ đầy về nóng lạnh, đôi chỗ những màu mạnh mẽ tạo điểm nhấn. Tôi liên tưởng đến một sự bứt phá, cởi mở về màu sắc trong tranh của Tuấn Thịnh có lẽ sẽ tạo nên nhiều cảm xúc hơn nữa.
Khi xem tranh của tác giả Chí Cường, họa sĩ Đỗ Đức nhận xét: "Tôi yêu tranh Chí Cường vì không gian và con người thơ mộng do những mảng màu ngọt ngào hiền hậu đem đến cho người xem. Tốt nghiệp học viện mỹ thuật Suricop, Liên Xô, nên kĩ năng tay nghề khá vững chãi. Anh hướng cây bút vào vẻ đẹp đàn bà và phong cảnh. Đó như là nơi gửi gắm tình yêu nghệ thuật của mình. Tranh anh nhìn qua những tưởng phẳng lặng như nước mặt hồ nhưng hóa ra vẫn thấy dậy những cơn sóng ngầm trăn trở...".
Họa sĩ gắn với nghề sư phạm, có lẽ vậy nên tranh anh có nhiều yếu tố cơ bản. Bố cục trong các sáng tác cũng rất nhẹ nhàng, những nhân vật được sắp xếp chính - phụ theo các nhóm 3 chính 1 phụ, hoặc 2 chính 1 phụ… Cách bố cục này hợp với lối tạo hình và biểu cảm của tác giả. Xem tranh anh có cảm giác bâng khuâng hoài niệm.
Màu sắc là điểm nhấn trong các sáng tác của họa sĩ, những gam màu nhuần nhụy. Cách vẽ dày dặn, nhiều tầng lớp nhưng vẫn trong trẻo. Tông màu chuyển êm ái, từ tốn và sự đủ đầy nóng lạnh tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem.
Ở một số tác phẩm, kỹ thuật xử lý chất liệu, không gian và ánh sáng của họa sĩ thể hiện sự điêu luyện. Trong tranh có nắng, có gió cũng chỉ là một thoáng xôn xao, dịu nhẹ… Các nhân vật nữ có chuyện trò cũng là những câu chuyện thầm thì, khẽ khàng. Đôi chỗ sự tương quan hình và nền được tác giả giải quyết bằng gợi tả chất liệu, giữa nếp tà áo dài và một phần nền tĩnh. Dù đối lập nhưng tất cả đều hài hòa trong một tổng thể êm đềm.
Xem tranh của Chí Cường có cảm giác thư thái, tròn trịa và giàu cảm xúc. Bạn bè nhận xét vui, nhiều khi muốn anh quyết liệt và cá tính hơn, nhưng nếu như vậy thì đâu còn là Chí Cường nữa. Mỗi họa sĩ có cách nhìn nhận và phản ánh lại cuộc sống qua cách riêng của mình. Nếu ví hội họa như một vườn hoa đủ màu sắc, có loài hoa nhiều người biết đến, có loài hoa mọc bên đường thậm chí không có cả tên gọi, nhưng để nói bông hoa nào đẹp hơn, bông hoa nào đẹp nhất là điều không ai làm được. Vì đẹp hay xấu tùy thuộc vào con mắt nhìn của mỗi người.
Phong cách và cá tính khác biệt, nhưng tác phẩm của hai người bạn thân lại tạo nên một tổng thể đẹp. Dù đã bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, nhưng sự say mê nghề và năng lượng tích cực của hai anh luôn là điều đáng để các họa sĩ lớp sau như tôi học hỏi. Từ sau thời điểm giãn cách vì dịch COVID, các hoạt động nghệ thuật gần đây sôi động trở lại với rất nhiều cuộc triển lãm. "Ngẫu nhiên 62" là một triển lãm thú vị, rất đáng để ghé thăm. Sự kiện kéo dài từ ngày 15/10 đến 23/10/2022.
Một số bức trong triển lãm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google