Tuổi trẻ với đồng tiền
Có nên khuyến khích trẻ kiếm tiền? Đến tuổi nào thì trẻ có thể được kiếm tiền?
Giấc mơ kiếm tiền của đứa trẻ lên 4
Cháu nội tôi lên 4, có lần thủ thỉ với ông:
- Bao giờ con lớn con sẽ mua ô tô cho ông. Ông có thích không?
- Có, ông thích lắm. Thế nếu muốn mua ô tô cho ông thì phải có gì nhỉ?
- Thì phải có tiền ông ạ.
- Thế nếu muốn có tiền thì phải thế nào nhỉ?
- Thì phải đi làm ông ạ.
- Nhưng mua ô tô phải có nhiều tiền cơ.
- Thì phải làm việc thật giỏi, như bố Dươn (Dương) ý.
Mỗi lần dắt cháu đi chơi, mua quà cho cháu, tôi thường đưa tiền cho cháu trả cho người bán hàng. Để cháu thấy rằng, đồng tiền chỉ là tờ giấy, nhưng có thể đổi lấy thứ mình thích, mình cần, và để có được đồng tiền, bố mẹ, ông bà phải làm việc, phải lao động mới có được.
Còn nhiều trẻ em vất vả kiếm tiền mưu sinh
Bây giờ trong xã hội ngày càng thưa vắng lớp người khinh bỉ đồng tiền, coi đồng tiền cũng như gái đẹp, là thứ dễ làm hư hỏng con người ta, cần phải tránh xa.
Đã một thời xã hội được định hướng coi người giàu là bất lương, là gian manh, bóc lột, là nguyên nhân gây khổ cho người nghèo, cần phải căm thù, đánh đổ.
Bây giờ đất nước đã Đổi mới hơn 30 năm, quan niệm về giàu nghèo, thái độ ứng xử với đồng tiền đã thay đổi. Nhà nước và nhân dân khuyến khích, tôn vinh làm giàu chính đáng.
Nhưng vẫn còn đó rất nhiều đứa trẻ con nhà nghèo phải bươn trải kiếm sống bằng những việc nặng nhọc, thậm chí trong môi trường ô nhiễm, hại sức khoẻ. Ta có thể bắt gặp những đứa trẻ lem luốc, lầm lũi trên bãi rác, nhặt nhạnh phê liệu đem bán lại kiếm mỗi ngày vài ba chục đồng nộp cho bố mẹ,
Cậu bé 7 tuổi kiếm tiền từ phương án "kinh doanh 0 đồng"
Hoa hậu Doanh nhân Ngô Thị Thanh Thuỷ kể cho tôi nghe chuyện cháu Quân Bảo con cô ấy "kinh doanh vốn 0 đồng" từ khi cháu lên 7 tuổi.
Khi Quân Bảo học lớp 2, có lần cậu vay mẹ 11 nghìn đồng, nói là mai con trả và cậu trả thật. Có lần, mẹ cậu chở cậu ra chợ để mua hàng thì bà hàng xén gọi giật giọng:
- Chị gì ơi, chị có phải mẹ của thằng bé này không?
Giật mình tưởng con mình gây nên tội gì với người ta, nhưng cô thấy bà kia cười xởi lởi:
- Tôi muốn hỏi kinh nghiệm bán hàng của nó, vì tôi nhập gói mỳ trẻ em này hết 800 đồng và tôi bán 1 nghìn đồng, lãi có 200 đồng, thế mà nó mua lại của tôi giá 1 nghìn mà bán lại cho bạn nó 5 nghìn, ngày nào cũng bán hết 10 gói.
Ồ hoá ra cu cậu vay tiền mẹ làm vốn và nhập mỳ trẻ em để bán. Ngạc nhiên, mẹ hỏi:
- Sao con lại bán mỳ trẻ em mà không phải thứ gì khác?
Nó trả lời hồn nhiên:
- Vì con thích ăn nên con nghĩ các bạn cũng thích ăn. Với lại con đã ngó qua căng-tin trường không thấy bán mặt hàng này nên con mua về bán.
- Thế tại sao con lại vay mẹ 11 nghìn mà không phải 10 nghìn để mua 10 gói cho chẵn?
- À con mua dư 1 gói để nếu bạn nào mua cả 10 gói thì con tặng thêm.
Mấy tuần sau không thấy cu cậu mua mỳ trẻ em nữa mà chuyển sang cocacola, mẹ lại thắc mắc:
- Sao không bán mỳ trẻ em nữa, con?
- Phải thay đổi mặt hàng cho nó mới mẹ ạ. Nhưng hôm nay bạn con nó mặc cả 4 nghìn một chai nên con không bán nữa mà để uống.
Ôi! Nó thà uống chứ không bán rẻ. Một đứa trẻ lớp hai chưa qua trường lớp bán hàng nhưng đầu óc kinh doanh lại rất nhạy bén. Biết khảo sát thị trường, chọn mặt hàng có thể tiêu thụ tốt, lại có chính sách khuyến mại, thay đổi mặt hàng, kiên quyết không bán phá giá…, toàn là thủ thuật kinh doanh kinh điển, mà nó có học ai đâu.
Được biết, đã có doanh nghiệp lớn ngỏ ý sẵn sàng tài trợ cho anh chàng sắp thành sinh viên này di du học ngành kinh tế ở nước ngoài, với điều kiện sau khi học xong sẽ về làm việc cho họ nhưng cậu và gia đình từ chối.
Kiếm ra tiền từ lúc là sinh viên
Ở thành phố Nha Trang có quán "Giang Mập" khá nổi tiếng. Quán toạ lạc trên khuôn viên hơn 1.500m2, nhân viên trẻ đẹp, chuyên kinh doanh hàng ăn uống, món nhậu. Ngoài nhà hàng, Giang Mập còn kinh doanh yến sào, làm đại lý khai thác bất động sản và làm trang trại. Trang trại của Giang cách thành phố hơn 50km, trồng rau xanh, nuôi heo rừng, nuôi bò cung cấp cho thành phố du lịch và khu kinh tế Vân Phong.
Hơn 20 năm trước, Giang là chàng sinh viên gầy gò mảnh khảnh. Giang kể với tôi:
Ba con nghiêm khắc lắm, ổng nói con làm gì thì làm nhưng không được nói láo và không được vô trách nhiệm, chỉ biết có mình mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Năm con 18 tuổi, vừa đỗ đại học, ổng đuổi con ra khỏi nhà, bắt tự đi mà kiếm sống.
Ngay từ năm một sinh viên, con đã biết kiếm tiền. Con làm quen với anh chủ tiệm bán điện thoại di động. Đầu những năm 2000, đâu đã có nhiều điện thoại thông minh, toàn cục gạch không thôi, chú à. Ảnh bán 10, nhưng cho con lấy xỉ có 6, con bán lại cho các bạn 8, các bạn vừa mua được hàng rẻ, lại có bảo hành ở tiệm chú đó luôn, nên con đắt hàng lắm.
Ngày đó con là cán bộ Đoàn khoa, con liên hệ với rạp chiếu phim, thuê lại với giá một triệu một tối, rồi mang vé về vận động đoàn viên, sinh viên mua. Con mang vé đến từng lớp bán, giá rẻ phân nửa giá vé rạp. Vậy là sinh viên có sinh hoạt văn hoá lành mạnh, mà con có tiền, vì rạp 250 chỗ, con bán vé 1 ngàn, mỗi tối con có dư tiền triệu rồi, chú.
Con còn tổ chức tour thăm 4 đảo, kết hợp giữa các trường đại học với nhau, thuê trọn gói ca nô du lịch, giá hữu nghị. Sinh viên mấy trường sỹ quan rất khoái được đi với nữ sinh sư phạm mà chi phí chuyến du lịch rẻ hơn mua tour nhiều.
Cứ thế, sau khi tốt nghiệp, dần dần Giang mở rộng hoạt động kinh doanh kiếm tiền. Anh chàng đã 4 lần cai thuốc lá, mỗi lần cai lại tăng cân, giờ đã ngót nghét 90 kí mà vẫn nhanh nhẹn. Giang bận suốt ngay, chỉ tối đến mới về quán, giao lưu với khách…
Có lần, tôi hỏi ông Lập bố Giang, sao anh đuổi nó ra khỏi nhà, ông Lập cười, thì cũng như chim bố mẹ thôi anh. Chim non lớn đủ lông, đủ cánh thì chim bố mẹ đuổi ra khỏi tổ, bắt tự bay lấy. Nói vậy, vợ chồng tôi vẫn ngầm theo dõi, giúp cháu sớm tự lập.
Ở tuổi U70, ông Lập vẫn lao động cật lực để có thu nhập.
Nên khuyến khích người trẻ kiếm tiền bằng sức lao động
Kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình, dù đó là lao động thủ công hay lao động trí óc là việc nên khuyến khích. Những câu chuyện người trẻ kiếm tiền như trên vừa kể có thể được nhìn nhận với nhiều góc độ khác nhau.
Một xã hội có nhiều người trẻ có khát vọng làm giàu chính đáng, thì đó là tín hiệu vui cho một đất nước đang muốn vươn mình thoát nghèo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google