Tuổi trẻ ham học thành tài của Tản Viên Sơn Thánh qua truyền thuyết

Nguyễn Năng Lực
10:05 - 25/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tản Viên Sơn Thánh chính là Thần núi Tản Viên (núi Ba Vì), ngọn núi chủ cao nhất vùng. Trong truyền thuyết, Ngài cũng là Sơn Tinh.

Ra đời từ xã hội bộ tộc nguyên thuỷ, lúc đầu Tản Viên chỉ đơn giản là thần núi được thờ để che chở cho con người. Đến thời Nhà nước Văn Lang, Tản Viên Sơn Thánh trở thành vị anh hùng truyền thuyết của cả cộng đồng, được rất nhiều làng người Mường, người Kinh ở Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ thờ phụng cùng với Cao Sơn, Quý Minh, theo truyền thuyết là hai người em con chú của Ngài. Từ khi có bốn cung thờ ở Hà Tây, Vĩnh Phúc, Tản Viên đã trở thành Thượng đẳng Tối linh Thần của người Việt. Đến giai đoạn Đại Việt, công trạng tài đức của Thần Tản Viên được bồi đắp thêm để Thần càng ngày càng có lai lịch người hơn và Thánh hơn, trở thành một trong "Tứ bất tử" của người Việt, gồm Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng và Mẫu Liễu Hạnh.

Tuổi trẻ ham học thành tài của Tản Viên Sơn Thánh qua truyền thuyết - Ảnh 1.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại Đền Thượng, Ba Vì.

Theo quan niệm dân gian tại các làng trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ), kết hợp với ngọc phả đền Lăng Xương thì Thánh Tản Viên là người, tên là Nguyễn Tuấn, con trưởng của ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen, quê ở chân núi Thu Tinh, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Một lần qua đồng Móng làng Tất Thắng (Thanh Sơn), bà ướm chân vào hòn đá rồi về thụ thai. Chồng bà nghi vợ ngoại tình, giận bỏ về miền biển. Không chịu được lời đàm tiếu, bà bỏ đi về mạn sông Đà, đến làng Trung Nghĩa ven sông thì sinh nở Tản Viên ở động Lăng Xương. Tản Viên được bà Ma Thị Cao ở núi Ngọc Tản nhận làm con nuôi, cho sang núi Tản Viên tu học mà thành tài.

Tuổi trẻ ham học thành tài của Tản Viên Sơn Thánh qua truyền thuyết - Ảnh 2.

Tượng Đức Tản Viên Sơn Thánh tại Đền Thượng, Ba Vì

Truyền thuyết kể rằng, Nguyễn Tuấn được Tiên ông từ Thượng giới xuống núi Tản dạy cho chàng võ nghệ và các phép thuật thần tiên. Nhờ có thầy, Nguyễn Tuấn đã trở thành một người chẳng những võ nghệ cao cường, mà các thuật pháp cũng cao siêu. Trước khi về trời, Tiên ông còn ban cho chàng một chiếc gậy thần có đầu sinh và đầu tử. Một khi đầu sinh chỉ vào người hay vật đang ốm thì lập tức khỏi bệnh, chỉ vào người hay vật đã chết cũng lập tức sống lại. Còn đầu tử thì ngược với đầu sinh, chẳng những người hay vật đang sống phải chết, mà ngay cả núi non cũng phải lở, thành quách cũng phải đổ. Khi Hùng Vương thứ 18 kén rể, chàng đã chiến thắng trong cuộc đọ tài sức với Thủy Tinh, lấy Công chúa Ngọc Hoa.

Tuổi trẻ ham học thành tài của Tản Viên Sơn Thánh qua truyền thuyết - Ảnh 3.

"Tứ bất tử" trong tín ngưỡng dân gian Việt

Khi đã là bộ tướng và là phò mã, Thần Tản Viên Nguyễn Tuấn đã khuyên Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán rồi về núi Tản sống với vợ là Công chúa Ngọc Hoa sau bao chiến công lẫy lừng. Ngày nay ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây vẫn còn nhiều đền miếu thờ các tướng từng có công lớn trong cuộc chiến giữa nhà Hùng và nhà Thục, tiêu biểu là thờ các thần Cao Sơn, Quý Minh em Tản Viên cùng Đinh Công Tích và nhiều vị thần khác. Băng lời khuyên này, Thần Tản Viên đã tỏ rõ là người anh minh, sáng suốt, vô tư không màng danh vọng, chỉ lo cho muôn dân được sống thái bình. Tản Viên vì thế mà được dân ta tôn Thánh, ở ngôi trên Vua.

Vào Thế kỷ thứ IX, nhà Đường phong Cao Biền làm Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ đầu tiên, cai quản đất ta từ năm 866 đến năm 868. Cao Biền cũng là một phù thủy cao tay, thấy Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương nên thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy bay đi xem xét, dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sông núi đẹp, trấn yểm đất long mạch. Cao Biền thấy núi Tản Viên cao lớn, hùng vĩ, thế núi hiểm trở, lại có Thần Sơn Tinh linh ứng, liền tìm cách trấn yểm. Nhưng đến núi Tản thì hắn thấy Đức Tản Viên Sơn Thánh cưỡi ngựa trắng trên mây, Ngài nhổ một bãi nước bọt ngay trước mặt hắn rồi thản nhiên bỏ đi. Cao Biền bạt vía than rằng: "Linh khí phương Nam không thể lường. Vượng khí đời nào hết được".

Tuổi trẻ ham học thành tài của Tản Viên Sơn Thánh qua truyền thuyết - Ảnh 4.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại Đền Thượng, Ba Vì

Đằng sau màn sương khói huyền ảo của thần tích, thần phả và truyền thuyết xa xưa, có thể thấy Sơn Tinh Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn có một tuổi thơ không êm đềm. Chàng lớn lên trong gian khó, trong tình yêu thương và hy vọng của hai bà mẹ giữa miền sơn cước. Nhờ thông minh, sáng dạ, lại được thày giỏi dạy dỗ, chàng chăm chỉ học hỏi, trở thành danh y cứu nhân độ thế, cứu được nhiều người bệnh (qua hình tượng đầu sinh của cây gậy thần). Giữa thời loạn lạc, chiến tranh liên miên giữa các bộ tộc, Nguyễn Tuấn Tản Viên Sơn Thánh ý chí kiên cường, rèn luyện được bản lĩnh võ nghệ xuât chúng, trở thành thủ lĩnh một vùng, có công giúp dân trị thuỷ, khai hoá đất hoang, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm (đầu tử của gậy thần), vươn lên trở thành bộ tướng, phò mã của Vua Hùng. 

Tuổi trẻ ham học thành tài của Tản Viên Sơn Thánh qua truyền thuyết - Ảnh 5.

Đền Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ

Ngài có công lớn trong việc chấm dứt chiến tranh giữa hai bộ tộc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ là Âu Việt và Lạc Việt, hình thành Nhà nước Âu Lạc kế tục Nhà nước Văn Lang, đặt nền móng cho truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.


Nguồn: Tổng hợp