Tư vấn và "ép" học sinh không thi vào lớp 10 - ranh giới mỏng manh

Thành Phúc
19:20 - 28/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vì sao khi thực hiện một chủ trương đúng, công tác tư vấn phân luồng học sinh lại khiến các bậc phụ huynh học sinh không hài lòng?

Sự việc, một số phụ huynh có con học tại Trường Trung học cơ sở Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc phản ánh việc con em họ đã bị giáo viên chủ nhiệm "ép" không nên thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập đã dẫn đến nhiều lời chê trách đối với giáo viên chủ nhiệm.

Chính vì vậy, ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. 

Sở yêu cầu rà soát, kiểm tra hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi vào lớp 10.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có tình trạng nêu trên. Đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo.

Văn bản khẳng định, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp trung học cơ sở, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc. 

Trên thực tế, việc tư vấn để phân luồng học sinh hiện nay đang gặp khó khăn và một số địa phương vẫn đang lúng túng trong vấn đề này.

Phân luồng học sinh khi kết thúc chương trình trung học cơ sở là chủ trương đúng

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cũng đã chỉ rõ: "Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng".

Bên cạnh đó là Nghị quyết số 44/NQ-CP cũng đã đề cập đến việc "Triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông"; Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025"; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo; Tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục; Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số"…

Đặc biệt, theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai được 3 năm nay thì chương trình chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Điều này cho thấy mục tiêu của giáo dục phổ thông đã rất rõ ràng.

Như vậy, chúng ta thấy Đảng, Chính phủ, định hướng của ngành giáo dục đã xác định rất rõ ràng việc phân luồng học sinh sinh phổ thông. Tất cả cũng đều hướng tới mục tiêu đảm bảo cân bằng các nguồn lực xã hội và phát triển đúng phẩm chất, năng lực, sở trường của học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm cân bằng thị trường lao động.

Vì sao phụ huynh ở Hà Nội không đồng tình với cách phân luồng học sinh thi vào lớp 10 của một số giáo viên chủ nhiệm?

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố thì toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố như sau: tuyển sinh vào trường trung học phổ thông khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023). Trong đó, tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%.

Tuyển học sinh vào các trường trung học phổ thông công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 23,2%. Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm giáo dục nghề nghiêp - giáo dục thường xuyên liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%.

Như vậy, kỳ thi tuyển sinh 10 trung học phổ thông công lập cho năm học 2023-2024 trên địa bàn Hà Nội tới đây sẽ cạnh tranh gay gắt vì chỉ lấy 55,7% số lượng học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Trong khi, theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cũng cho thấy việc định hướng rất rõ ràng, cụ thể đối với khối trường, loại hình đào tạo cho học sinh sau khi các em hoàn thành chương trình lớp 9.

Vì thế, vấn đề còn lại là việc định hướng, tư vấn, phân luồng của các trường trung học cơ sở trên địa bàn. Về cơ bản, công việc này được phân công cho giáo viên chủ nhiệm lớp 9 thực hiện. Tất nhiên, có những giáo viên khéo léo trong việc tư vấn cho học sinh, phụ huynh nhưng cũng có một số giáo viên chưa khéo léo trong việc này dẫn đến sự phản ứng của phụ huynh và xã hội.

Tuy nhiên, thực tế giảng dạy trên lớp và kết quả học tập của học sinh lớp 9 không ai nắm rõ hơn giáo viên chủ nhiệm. Với tỉ lệ tuyển đầu vào của khối trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội chỉ tuyển 55,7% thì tỉ lệ chọi sẽ rất cao. Những học sinh có học lực trung bình khá ở một số khu vực có tỉ lệ chọi cao gần như không thể vào công lập, chứ chưa nói là học sinh trung bình.

Vì thế, việc tư vấn, định hướng cho học sinh không dự tuyển đầu vào và thông báo cho phụ huynh cũng là một việc làm cần thiết để phụ huynh có những định hướng cho tương lai của con em mình. Nếu thi mà không đậu càng khổ học sinh và gây ra nhiều tốn kém cho phụ huynh vì phải đầu tư thêm một quãng thời gian ôn tập. Lúc đó, biết đâu phụ huynh lại trách thầy cô không tư vấn, không định hướng cho học trò.

Phụ huynh học sinh bây giờ chỉ có 1-2 đứa con, ai cũng mong con mình trưởng thành, có tương lai tươi sáng. Ai cũng muốn con mình sau này sẽ làm thầy cho đỡ vất vả chứ ai lại muốn con mình làm thợ. Là thầy cô chủ nhiệm - những người gần gũi với học sinh nhất nên có lẽ trong thâm tâm thầy cô cũng đều muốn trò của mình học giỏi, đủ khả năng, kiến thức để tham gia kỳ thi tuyển nhưng sức học của học trò không phải em nào cũng tốt. 

Vậy nên, thầy cô chủ nhiệm phải tư vấn cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc tư vấn chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bản thân các thầy cô chưa khéo léo và có kỹ năng tư vấn, gây phẫn nộ cho phụ huynh và loang ra tạo những luồng dư luận không tích cực. Hơn thế nữa, việc thầy cô khuyên nhủ hay "ép" học sinh không thi lớp 10 nghe qua rất nhẫn tâm và làm công tác tư vấn thế nào để đúng chủ trương mới là việc đáng bàn. 

Mặt khác, khi tiếp cận thông tin dạng này, dư luận dễ cho rằng các trường và thầy cô vì bệnh thành tích. Không ai bào chữa được bệnh thành tích vẫn tồn tại trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, đó không phải là mấu chốt vấn đề tư vấn phân luồng học sinh. Bởi lẽ, tư vấn, định hướng, phân luồng học sinh là một chủ trương xuyên suốt của giáo dục phổ thông hiện nay. 

Rất nhiều cử nhân, thậm chí thạc sĩ sau khi tốt nghiệp không có việc làm lại quay lại học nghề - điều mà báo chí đã phản ánh nhiều trong thời gian qua cũng là điều đáng suy ngẫm. Bản thân công chúng vẫn cho rằng công tác tư vấn, định hướng trong giáo dục chưa tốt. 

Nếu cứ mãi nhìn nhận việc phân luồng học sinh một cách tiêu cực thì cán cân nguồn nhân lực sẽ mãi mất cân bằng, thợ lành nghề vẫn thiếu và sinh viên ra trường thì vẫn không có việc làm.