Phân luồng học sinh để tuyển sinh vào lớp 10 nhẹ nhàng

Thành Phúc
06:10 - 02/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đầu học kì 2, việc chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10 luôn "nóng" ở các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương. Các trường ở khu vực đô thị luôn có tỉ lệ chọi rất cao nên dẫn đến việc cạnh tranh vào lớp 10 công lập khá căng thẳng.

Các nhà trường, địa phương phân luồng học sinh theo hướng dẫn đã được cụ thể hóa trong các văn bản hiện hành sẽ thuận lợi trong tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10.  

Nhưng việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở vẫn gặp khó khăn bởi rất ít học sinh tự nguyện đi học nghề hoặc chuyển sang học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Sự việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất là học bạ của học sinh thường rất đẹp. Vì thế, việc phân luồng gặp khó, phụ huynh cũng không muốn cho con đi học nghề và ngay cả học sinh cũng vậy.

Chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học: Có nhưng khó 

Ngày 14/5/20218, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg về đề án "giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Theo Quyết định này, mục tiêu phân luồng học sinh Trung học cơ sở được đề cập cụ thể như sau:

Mục tiêu đến năm 2020: Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.
Mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng đã đề cập: Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, tương ứng với từng vùng miền, khu vực; kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

Phân luồng học sinh để tuyển sinh vào lớp 10 nhẹ nhàng - Ảnh 3.

Học sinh Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học.

Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.

Quyết định số 522/QĐ-TTg hướng dẫn công tác phân luồng học sinh phổ thông, trong đó có học sinh Trung học cơ sở là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện phát triển đất nước nhằm cân bằng trình độ lao động ở các ngành nghề khác nhau. Tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".

Việc các trường Trung học cơ sở là một nhiệm vụ thường niên nhằm phân luồng các đối tượng học trò theo đúng tinh thần chỉ đạo của địa phương, của ngành giáo dục và định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác phân luồng hiện nay đang gặp khó, nhất là đối với học sinh chuẩn bị kết thúc chương trình học của lớp 9.

Mặc dù các trường học đều có tiết hướng nghiệp dạy chính khóa và tổ chức cho học sinh bằng cách cho học sinh tham quan các trường nghề, hoặc cán bộ, giáo viên các trường nghề về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức họp phụ huynh và tư vấn về học lực của học sinh nhằm giúp cho một số phụ huynh nắm được năng lực học tập của con em mình, điều kiện kinh tế gia đình để có những định hướng nghề nghiệp cho con em mình.

Tuy nhiên, những học sinh có học lực không tốt vẫn không thiết tha với việc học nghề mà vẫn muốn thi tuyển sinh 10… cho biết theo kiểu may rủi rồi không đậu mới chuyển sang hình thức học tập khác. Chính vì thế, nhìn chung đa phần các trường Trung học phổ thông hiện nay có số thí sinh dự tuyển khá đông.

Giải pháp nào cho việc phân luồng học sinh Trung học cơ sở hiệu quả?

Kỳ thi nào cũng sẽ có thí sinh đậu và thí sinh rớt, thi vào lớp 10 cũng vậy. Những em giỏi thực sự thì việc đậu vào lớp 10 không có gì là khó vì không vào được nguyện vọng 1, các em có thể đăng ký xét nguyện vọng 2, 3.

Thế nhưng, những em có học lực thực không tốt thì việc đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 rất ít có khả năng đậu nhưng nhiều em vẫn đăng ký, ôn tập và dự thi bình thường. Vậy nên, nếu như giáo viên, nhà trường không tư vấn tốt, chắc chắn tỉ lệ học sinh đăng ký thi vào lớp 10 sẽ rất cao và tất nhiên tỉ lệ thi cao thì số lượng thí sinh rớt sẽ nhiều vì chỉ tiêu đã được giao cụ thể. Những học sinh rớt sẽ lãng phí mấy tháng ôn tập và tốn kém rất nhiều tiền bạc cho ôn luyện ở nhà trường, ở nhà thầy cô giáo.

Nhưng, việc phân luồng học sinh Trung học cơ sở những năm qua vẫn khá nhạy cảm, nếu nhà trường, giáo viên làm không tốt sẽ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc và thực tế thời gian qua một số nhà trường đã gặp phải.

Vì vậy, muốn làm tốt công tác phân luồng học sinh Trung học cơ sở thì điều cốt lõi nhất, mấu chốt nhất của việc phân luồng học sinh hiện nay là giáo viên bộ môn, nhà trường là phải đánh giá, xếp loại học lực của học sinh chính xác thì mới phân loại được học lực. Những học sinh có học lực trung bình hoặc yếu thì nhà trường có thể tư vấn cho phụ huynh lựa chọn mô hình đào tạo ngoài công lập hoặc trường nghề sẽ thuận lợi hơn, giúp cho phụ huynh đỡ tốn kém tiền bạc và học sinh không mất nhiều công sức ôn luyện tuyển sinh.

Ngoài ra, các trường trung học cơ sở cần phối hợp với các trường dạy nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập có những buổi tư vấn về nghề nghiệp nhằm giúp cho học sinh định hướng về tương lai của mình một cách tự nguyện.

Một khi các công tác được triển khai đồng bộ thì việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ trở nên dễ dàng, phụ huynh cũng không phản đối. Nếu các trường vẫn tổng kết điểm học cho học sinh cao, chạy theo thành tích thì việc phân luồng học sinh sẽ mãi khó khăn và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều khu vực vẫn cạnh tranh gay gắt, áp lực rất lớn cho xã hội và tất nhiên tỉ lệ thi rớt sẽ rất nhiều.

Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1-2 đứa con nên gần như phụ huynh nào cũng luôn mong muốn con em mình học hết Trung học phổ thông để bước vào đại học, có một tương lai nhàn hạ và ai cũng muốn con mình được "làm thầy", chứ không muốn con "làm thợ". Vì vậy, việc phân luồng chỉ thực sự hiệu quả khi giáo viên, nhà trường đánh giá đúng học lực của học trò để các em nhìn thấy đúng năng lực của mình mà tìm hướng đi phù hợp cho riêng mình.