Tư duy phản biện và cách ứng dụng tư duy phản biện vào cuộc sống

GS.TS Phạm Tất Dong
06:05 - 27/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ở một số quốc gia, với giáo dục hiện đại, người ta coi việc giảng dạy hoặc huấn luyện về tư duy phản biện như một môn học trong trường trung học phổ thông.

Tư duy phản biện và cách ứng dụng tư duy phản biện vào cuộc sống- Ảnh 1.

Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ, khách quan và công tâm là đặc điểm của tư duy phản biện. Minh hoạ: pexels

Tư duy phản biện (Critical Thingking)

Tư duy phản biện (Critical Thinking) hay tư duy phân tích là quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ, khách quan và công tâm.

Tư duy phản biện không tiếp thu một cách thụ động các thông tin, các ý tưởng, các đề xuất mang tính giải pháp hoặc triết lý, mà tìm đến cách lập luận mang tính phản bác đối với kết quả của một quá trình tư duy khác nhằm xác định độ chính xác và độ tin cậy của thông tin.

Ở một số quốc gia, người ta coi việc giảng dạy hoặc huấn luyện về tư duy phản biện như một môn học trong trường trung học phổ thông. Giáo viên đưa ra những thông tin, và học sinh cuối tuổi thiếu niên và đầu tuổi thanh niên phải thực hiện 2 bài tập chính để kiểm tra. Bài thứ nhất xem xét sự đáng tin cậy của dẫn chứng (Credibility of Evidence); bài thứ hai có tính chất phát triển tranh luận (Assessing/ Developing Argument). Họ muốn rằng, học sinh không nên sớm bằng lòng với bất cứ một lập luận nào đó khi tiếp thu lần đầu, mà phải có sự suy nghĩ, phân tích khi tiếp nhận.

Karl Marx thời trẻ đã tự rèn luyện cho mình những kỹ năng tư duy phản biện mà ông gọi là tư duy phê phán. Năm 1842, lúc 24 tuổi, Karl Marx đã có những bài viết nổi tiếng về tư duy phê phán như "Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ", "Những cuộc tranh luận về tự do báo chí"… Những bài viết này đã chống lại chế độ kiểm duyệt của chính phủ đương thời, bảo vệ quyền tự do báo chí của công dân.

Năm 1843, Marx viết tác phẩm "Phê phán nhà nước Pháp quyền của Hégel", phê phán B. Bauer trong "Bàn về Do Thái", cùng Friedrich Engels phê phán triết học Đức hiện đại mà đại biểu là Feuerbach, Bauer, Stirner, phê phán chủ nghĩa xã hội Đức qua tác phẩm "Gia đình thần thánh". Qua sự phê phán này, Karl Marx và Engels đã khẳng định vai trò của xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền, quyền còn người bất khả xâm phạm, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Song, cũng thông qua tư duy phê phán, Engels đã công nhận những sai sót trong các tác phẩm bàn về giai cấp và chuyên chính vô sản của chính ông và của Karl Marx. Ông viết: "Lịch sử chứng minh chúng tôi cũng đã có sai lầm, lịch sử đã vạch ra quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ là một ảo tưởng… Phương pháp đấu tranh trong thời kỳ 1848 đã bị lỗi thời về mọi phương diện, và đó là điểm đáng được nghiên cứu tỉ mỉ hơn nữa trong dịp này".

Xin dẫn ra một ví dụ về mẫu mực của tư duy phản biện của Karl Marx và Engels để chúng ta thấy được sự lớn lên của tư tưởng khi biết sử dụng loại hình tư duy này.

Những kỹ năng tư duy phản biện

Trước hết, cần xác định nghĩa của thuật ngữ "phản biện" để sau đó bàn đến xây dựng các kỹ năng tư duy phản biện.

Ví dụ 1:

A và B trao đổi một đánh giá về nhân vật C

A: C là người thật thà

B: C không thật thà như anh nghĩ

Trong trao đổi giữa A và B, trường hợp này cho thấy B không đồng ý nhận xét của A, nhưng ý kiến của B không thể coi là sự phản biện.

Ví dụ 2: Sau một trận đấu bóng đá, một số người hâm mộ cho rằng, đội nhà thua là do trình độ kỹ thuật của đội nhà thấp hơn đội bạn, hơn nữa, thể lực của đội nhà cũng như tầm vóc của các cầu thủ cũng thua kém cầu thủ đội bạn, do vậy, thua là không thể tránh được. Trong khi đó, một số người lại đổ lỗi cho huấn luyện viên vì ông ta sai lầm về chiến thuật hoặc về bố trí đội hình và sử dụng nhân sự không thích hợp. Việc tranh cãi tay đôi, tay ba và có khi lôi cuốn nhiều người vào cuộc, không ai chịu ai, bất phân thắng bại. Đây là sự tranh cãi chứ không phải là phản biện.

Phản biện khác tranh cãi ở chỗ, khi bác bỏ một ý kiến, một dự định nào đó, người ta phải có chứng cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để tạo nên lập luận của mình, làm cho mình đủ lý lẽ đúng đắn để đưa ra phản bác.

Song, cần lưu ý, người phản biện phải có kỹ năng suy nghĩ độc lập và suy nghĩ phản chiếu với tinh thần xây dựng, thái độ khách quan và tôn trọng người có ý kiến đối lập. Trong một tập thể, trước nhiệm vụ được giao thường có những ý kiến khác nhau khi lên kế hoạch triển khai, tìm kiếm giải pháp hợp lý để đi tới mục tiêu cần đạt. Ý kiến trái chiều là chuyện bình thường. Sự phản biện nếu là lập luận chí lý sẽ làm cho tập thể đồng tình và hợp sức thực hiện ý kiến đúng đắn đó.

Muốn phản biện có hiệu quả, cần có những kỹ năng sau:

1. Thu thập được những dữ liệu có liên quan đến việc cần được phản biện, tiếp cận với những kiến thức mới về vấn đề đang đặt ra, tìm hiểu những kinh nghiệm của những người đi trước. Tất nhiên, những thông tin này phải được xử lý trên cơ sở tư duy hệ thống và tư duy phức hợp mà mình đã rèn luyện. Vấn đề cốt lõi ở đây là phải học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc để bảo đảm độ chính xác và tin cậy của những ý kiến phản biện sẽ trình bày.

2. Cần phải có cái nhìn khách quan về vấn đề đặt ra, tránh thiên kiến với người đối lập làm mất đi sự công tâm của mình. Cũng cần phải lắng nghe những ý kiến khác. Biết đâu ở những quan điểm, ý tưởng của người có lập luận khác mình cũng có những điểm hợp lý. Cùng nhau tranh luận với tinh thần khách quan và với ý thức chia sẻ ý tưởng sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

3. Đứng trước ý kiến phản biện của mình, cần đặt ra những câu hỏi và tự trả lời. Cách làm này sẽ giúp ta tránh đi những lỗi về sự phiến diện trong lập luận. Mặt khác, cũng cần đặt những câu hỏi cho người đối diện để hiểu thấu đáo vì lẽ gì họ lại có ý kiến như vậy.

4. Phải biết sơ đồ hóa những ý kiến mình sẽ đưa vào lập luận: những nhóm ý kiến được tổng hợp lại theo một logic, cách trình bày theo thứ tự từng nhóm ý kiến, rút ra những nhận định và kết luận. Sự không rành mạch, thiếu logic, dàn trải và dài dòng, không làm nổi bật mấu chốt của vấn đề sẽ làm cho sự phản biện thiếu thuyết phục.

5. Người phản biện cần có khả năng suy nghĩ nhanh, nắm vấn đề nhanh và hiểu nhanh những ý kiến đối lập. Đây là yếu tố cũng không kém phần quan trọng. Không hiểu nhanh vấn đề đặt ra và chậm chạp trong việc hình thành ý tưởng mới thường dẫn đến tình trạng mất cơ hội cho việc trình bày ý kiến phản biện của mình.

Các mô hình tư duy linh hoạt để giúp cho tư duy phản biện có chất lượng

Tư duy phản biện và cách ứng dụng tư duy phản biện vào cuộc sống- Ảnh 5.

1. Sử dụng mô hình SWOT

Mô hình SWOT (Strengths, Weakness, Opportunities, Threats) có ý nghĩa trong quản lý và kế hoạch hoạt động, giúp cải thiện quyết định chiến lược và quản lý, tận dụng cơ hội, đối phó rủi ro, tối ưu hóa sức mạnh của mình.

Cá nhân hoặc tổ chức biết sử dụng mô hình SWOT luôn có nguyên tắc sau:

  • Tập trung vào mục tiêu: Xác định mục tiêu hoặc vấn đề cụ thể trong phân tích, từ đó tập trung vào khía cạnh quan trọng nhất.
  • Tích hợp dữ liệu: Sử dụng thông tin và dữ liệu có liên quan để xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro. Để có sự tích hợp tốt, cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn.
  • Khách quan: Cố gắng tránh sự thiên vị hoặc đánh giá thiên về cảm tính.
  • Phân loại rõ ràng: Phân loại các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro, từ đó hiểu rõ và sâu từng khía cạnh của vấn đề đặt ra.
  • Tương tác: Xem xét cách mà các khía cạnh của SWOT tương tác với nhau. Giúp xác định các chiến lược kết hợp điểm mạnh và cơ hội, xử lý điểm yếu và rủi ro.
  • Sự linh hoạt: SWOT là công cụ động, có thể điều chỉnh theo thời gian khi tình thế thay đổi, từ đó điều chỉnh kịp thời chiến lược.
  • Tạo kế hoạch hành động: Dựa trên kết quả phân tích SWOT, phát triển kế hoạch hành động cụ thể để tận dụng điểm mạnh, đối phó với những rủi ro.

Khi tiến hành phản biện, những kỹ năng sử dụng SWOT sẽ giúp người ta xây dựng nên những lập luận chắc chắn, kín cạnh, có tính thuyết phục việc thay đổi một ý tượng, một kế hoạch, một chương trình nào đó được đưa ra còn có những khiếm khuyết và bất cập.

2. Sử dụng mô hình 6 mũ tư duy

"6 chiếc mũ tư duy" (6 Thinking Hats) là phương pháp sử dụng 6 chiếc mũ ẩn dụ, tượng trưng cho các kiểu suy nghĩ khác nhau. Đây là phương pháp được sử dụng trong các buổi tư vấn tư duy phản biện nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể như giải quyết một vấn đề, thảo luận về một lập luận, xây dựng kế hoạch, phân tích các quá trình tư duy sáng tạo. Phương pháp này do Edward de Bono đưa ra năm 1980, sau đó in thành sách vào năm 1985.

Mũ trắng: Dữ liệu, khách quan

Màu trắng đại diện cho phương diện dữ liệu trong tư duy, gồm những thông tin khách quan. Đứng trước một vấn đề được đưa ra, người phản biện sẽ làm những việc sau:

  • Đã có sẵn những thông tin nào về vấn đề này?
  • Cần thêm những thông tin nào liên quan đến vấn đề này?
  • Còn thiếu những dữ liệu, những thông tin nào?

Mũ đỏ: Trực giác, cảm tính

Mũ đỏ đại diện cho tư duy về phương diện cảm tính, trực giác. Người đội mũ đỏ sẽ phát biểu dựa vào những cảm xúc mà không đưa ra những luận chứng, lí lẽ hay giải thích về vấn đề đang giải quyết:

  • Cảm xúc hiện tại đối với vấn đề là gì?
  • Trực giác mách bảo điều gì đối với vấn đề cần giải quyết?
  • Có thích vấn đề này không?

Mũ xanh lá cây: Sáng tạo

Mũ xanh lá cây đại diện cho tư duy sáng tạo. Màu này thể hiện sức sống mạnh mẽ, không ngừng sinh sôi, nảy nở. Người tư duy mũ xanh thường dễ tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.

  • Liệu vấn đề này có thêm những cách thức nào khác để giải quyết không?
  • Vấn đề này có điểm tích cực nào?
  • Tiến hành vấn đề này sẽ mang lại những lợi ích gì?

Mũ vàng: Tích cực

Mũ màu vàng đại diện cho tư duy theo chiều hướng tích cực. Người đội mũ vàng thường có những ý kiến logic chặt chẽ và lạc quan về vấn đề được đặt ra, thường mang lại lợi ích khi ứng dụng ý kiến này. Cách tư duy này sẽ tạo nên động lực để tiếp tục giải quyết vấn đề đến chiều sâu cần thiết.

Mũ đen: Điểm tối

Màu đen đại diện cho lối tư duy sâu sắc, nhận ra những điểm tối, những điểm tiêu cực trong vấn đề đưa ra như trong một dự án, một chương trình, một đề tài. Những người đội chiếc mũ này, trong tư duy thường tỏ ra thận trọng, giải quyết vấn đề luôn tìm cách tránh sự cố, rủi ro và tìm những phương án dự phòng, những giải pháp kịp thời điều chỉnh mỗi khi có phát sinh trong triển khai công việc.

Những câu hỏi mà người mũ đen hay đặt ra:

  • Tình huống rủi ro nào có thể xảy ra?
  • Tình huống xấu nhất của vấn đề này là gì?
  • Có nguy cơ tiềm ẩn nào không khi triển khai công việc?
  • Khó khăn khi triển khai công việc là gì?

Mũ xanh dương: Tổng kết kết quả

Màu xanh dương đại diện cho lối tư duy tổ chức, giúp cho người ta hệ thống hóa các vấn đề, dễ nhìn ra những mảng sáng, mảng tối để điều chỉnh, kiểm soát tiến trình tư duy của các mũ xanh, đỏ, vàng, đen và xanh lá cây.

Câu hỏi của người đội mũ xanh dương:

  • Trọng tâm của vấn đề này là gì?
  • Lối tư duy nào phù hợp với việc giải quyết vấn đề này?
  • Mục tiêu cuối cùng của vấn đề này?
  • Cần thêm thời gian, thêm thông tin nào cho triển khai vấn đề?

Thực ra, 6 mũ tư duy là 6 lối tư duy (hay còn gọi là mô thức tư duy) dùng trong tư duy phản biện. Khi một người đứng ra phản biện một vấn đề nào đó, họ có thể vận dụng một hay đồng thời các lối tư duy, và hình dung họ đội cái mũ màu gì khi phản bác một dự án, một chương trình, một kết quả nghiên cứu v.v… Tất nhiên, họ có thể sử dụng một hay nhiều lối tư duy để đưa ra tính thuyết phục của lý lẽ được trình bày.

3. Sử dụng mô hình tư duy ngược

Tư duy ngược (Reverse Thinking) là một kỹ thuật dùng trong việc phản biện một vấn đề nào đó. Người ta còn gọi lối tư duy này là tư duy đảo nghịch.

Tư duy ngược là cách tiếp cận vấn đề theo hướng ngược với cách suy nghĩ thông thường. Người tư duy ngược không bao giờ tư duy theo lối mòn và xuôi chiều để đi đến những giải pháp mới mẻ và sáng tạo tiến tới mục tiêu đã định.

Những người tư duy xuôi chiều thường muốn làm việc theo khuôn mẫu mà người khác thực hiện. Người khác làm thế nào để đạt được kết quả mà tổ chức giao thì họ cứ thế mà bắt chước. Như vậy là công việc được giao sẽ không có gì phải lo, cứ tuần tự như tiến, rất an toàn. Làm ăn theo lối bắt chước không cần động não. Những người luôn ghép mình vào vùng an toàn sẽ mờ nhạt trong hoạt động sản xuất.

Tư duy ngược là cách làm việc của những người luôn muốn khẳng định mình, muốn tôi là chính tôi trong cuộc sống. Họ không bằng lòng với lối sống và làm việc kiểu bắt chước, vì thế họ phải sáng tạo. Lối tư duy ngược là một biểu hiện của lối tư duy tăng trưởng (Growth Mindset).

Các lối tư duy ngược mang lại giá trị

Lối tư duy ngược của Jiddu Krishnamurti

Jiddu Krishnamurti (Triết gia Ấn Độ) đưa ra 5 lối tư duy ngược nhưng rất hợp lý. Đó là:

  • Quên mọi thứ người ta nói. Lối tư duy này hàm ý đừng bao giờ để ảnh hưởng của người khác tác động vào tâm trí mình. Ta làm theo ta nghĩ. Viết bài thơ đừng để thơ người khác lởn vởn ở ngòi bút của mình, viết ca khúc đừng để những dư âm các bài hát của những nhạc sĩ có tên tuổi vang lên trong tai mình.
  • Rũ bỏ cái biết của quá khứ. Khi suy nghĩ về một vấn đề mới, nên gạt bỏ những thói quen cũ, những kinh nghiệm đã có ra khỏi đầu óc, tập trung vào việc tìm ra giải pháp mới, bởi cái biết của quá khứ là cái lỗi thời rồi.
  • Quên đi mọi khao khát thay đổi. Trong mọi khao khát chuyển hóa đều chứa đựng những mâu thuẫn và xung đột. Ta muốn chuyển đổi chính là trong ta đang xung đột giữa "ta đang là" với cái "ta nên là". Cần không hài lòng với ta hiện tại. Một hành động xuất phát từ xung đột, từ mâu thuẫn thường không dẫn đến sự tốt đẹp hay thành công thực sự, đó là điều Krishnamurti rút ra cho mình.
  • Chỉ nên nhìn vào cái – đang – là. Mọi thay đổi và cách mạng đều nảy sinh từ việc quan sát hiện tại: cái – đang - là. Khi hiểu được mình đang là gì thì đã hàm chứa sự chuyển hóa.
  • Sống mà không cần cố gắng, kỷ luật. Điều này xem ra quá ngược đời, nhưng thực ra lại là đỉnh cao nghệ thuật sống mà Krishnamurti chủ trương. Một cá nhân hay một tổ chức cứ gò mình vào sự cố gắng, vào cái kỷ luật đang áp đặt thì năng lượng của nó không bung ra được. Khi nào cá nhân hay tổ chức hoạt động và sống hài hòa với chính mình thì năng lượng sẽ tự động di chuyển thật trật tự và hợp lý. Mọi ép buộc, cưỡng bức hiện diện dưới dạng kỷ luật – cố gắng sẽ áp chế năng lượng của ta, tạo nên xung đột nội tâm, khiến ta sống mất tự nhiên.

Lối tư duy ngược của người Do Thái

Người Do Thái nổi tiếng là người kinh doanh giỏi nhất thế giới, giàu nhất thế giới và là dân tộc đầy sáng tạo nhờ những bộ óc thông minh. Họ có lối tư duy ngược trong kinh doanh.

Người Do Thái có 5 lối tư duy ngược đời được tổng kết dưới đây:

  • Đừng dễ dàng từ bỏ mục tiêu, dù người khác nghĩ gì
  • Kiếm tiền từ người giàu, nhưng không phung phí tiền cho đồ xa xỉ
  • Trong kinh doanh, lợi nhuận là số 1
  • Không bao giờ giảm giá
  • Đồ đã mua, miễn trả lại

Những tích lũy nhỏ nhất vẫn có thể tạo ra cơ hội. Cơ hội kiếm được 1 đô la cũng chớp lấy. Khi kiếm được 10 đô la thì phân ra thành 10 cơ hội. Có gan lớn bao nhiêu thì dễ giàu bấy nhiêu. Bản lĩnh đến đâu thì thành công đến đó. Với người Do Thái, mục tiêu là động lực để sống.

Người Do Thái từ chối chi tiền để mua những đồ vật không mang lại giá trị nào ngoài sự phù phiếm. Họ không cần danh tiếng hão.

Người Do Thái kinh doanh với "tinh thần thép", không cả nể, xem lợi ích là hơn hết.

Trong kinh doanh, người Do Thái không thích giảm giá hay khuyến mãi mặt hàng. Nếu khách hàng mặc cả, họ sẵn sàng để khách hàng bỏ đi. Người mua thấy hàng phù hợp thì trả tiền, bởi đừng hi vọng người Do Thái bán với giá thấp hơn mức ấn định.

Họ không cố chấp, mà họ tin giá cả đã niêm yết là hợp lý. Vì thế, họ coi giảm giá là tự hạ thấp giá trị của hàng hóa đang bày bán.

Khi khách hàng đã trả tiền sau khi quyết định lựa chọn hàng thì người bán không chịu trách nhiệm với món hàng ấy nữa. Thứ đã bán ra, nằm trong tay bạn rồi thì bạn phải chịu trách nhiệm với món hàng đó.

Những lối tư duy ngược nêu trên chỉ là một minh họa sự tồn tại của phương pháp tư duy để phát triển. Trong những bối cảnh khác nhau, những lối tư duy ngược là khác nhau, nó không thể là tri thức nhất thành bất biến.