Tư duy và lối tư duy: Tư duy hệ thống sinh ra động lực thúc đẩy trí tuệ con người

GS.TS Phạm Tất Dong
09:04 - 11/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tư duy hệ thống vừa là động lực, vừa là nền tảng giúp nhà quản lý đưa ra những quyết định thông minh và khôn khéo. Kỹ năng tư duy hệ thống sẽ giúp chúng ta thích ứng nhanh với cuộc sống nhiều biến động bất ngờ hiện nay.

tư duy hệ thống

Tư duy hệ thống nhìn mọi điều trong tổng thể - kỹ năng cần có cho xu thế của cuộc sống hiện đại. Minh hoạ: unsplash

Tư duy hệ thống là gì?

Cách đây hơn nửa thế kỷ, lý thuyết Hệ thống được hình thành do một nhà khoa học người Áo – ông L.V. Bertalanffy, giảng dạy tại trường Đại học Chicago đề xuất. Bertalanffy tiếp cận vấn đề hệ thống từ góc độ sinh học, bởi ông nhận thấy rằng, mọi tổ chức hữu cơ đều là những tổ chức được tạo nên từ các tiểu hệ thống và ngược lại, cũng là thành phần của một hệ thống lớn hơn.

Lý thuyết Hệ thống cho ta một quan niệm đúng đắn trong suy nghĩ; nhìn nhận sự vật bằng việc phân tích nó thành các mảnh tách rời thì không bao giờ đi tới kết quả tư duy chính xác.

Ở Việt Nam cũng đã có câu chuyện ngụ ngôn về các ông thầy bói mù xem voi. Có anh quản tượng cưỡi voi qua làng. Mấy ông thầy bói mù muốn biết con voi ra sao, đã đến sờ vào nó. Ông sờ vào chân voi thì bảo con voi giống cái cột nhà, ông sờ vào tai voi thì nói con voi y như cái quạt đang phe phẩy. Ông túm được đuôi voi, thì phán rằng, con voi giống như cái chổi quét nhà… Mỗi ông hiểu con voi một phách, cãi nhau về con voi bất phân thắng bại.

Từ lý thuyết hệ thống, người ta xây dựng nên khái niệm tư duy hệ thống.

Tư duy hệ thống là quá trình trí óc phản ánh các sự vật, hiện tượng theo cách nhìn nhận thế giới khách quan là một thể thống nhất, không thể tách rời. Sự vật nào cũng có các đơn vị, các yếu tố cấu thành. Các hiện tượng cơ bản tạo ra sự vật đó đều có mối liên hệ, tác động qua lại với nhau trong cái tổng thể.

Tư duy hệ thống mang lại cho ta những hình ảnh mới, một quan niệm mới thông qua nhận thức vấn đề một cách tổng hợp – một quan niệm mang tính tổng thể. Tuy nhiên, để hiểu sâu và toàn diện về tư duy hệ thống, ta cần đứng từ nhiều góc độ về khái niệm "systems thinking" như sau:

1. Tư duy hệ thống là tư duy môi trường - ngữ cảnh (environmental - contextual thinking): Xem xét sự vật phải đặt nó vào môi trường và bối cảnh mà nó tồn tại, sự tương tác của nó với các sự vật trong cùng môi trường.

2. Tư duy hệ thống là tư duy toàn thể (holistic thinking): nhìn nhận, xem xét sự vật không chỉ chú tâm đến cái riêng lẻ, mà phải tính đến cái toàn cục, cái toàn vẹn.

3. Tư duy hệ thống là tư duy mạng (network thinking): Xem xét sự vật trong các mối liên hệ đan xen nhau với các sự vật khác.

4. Tư duy hệ thống là tư duy tiến trình (process thinking): nhìn nhận, đánh giá sự vật trong tiến trình vận động của nó và xu hướng phát triển nó đang thể hiện. Đánh giá sự vật trong trạng thái tĩnh sẽ không thấy được viễn cảnh sẽ diễn ra.

5. Tư duy hệ thống là tư duy hồi quy (backward thinking): Xem xét sự vật phải đặt ra giả thuyết, kiểm tra giả thuyết, đặt câu hỏi hồi tiếp để đi đến tận cùng vấn đề. Từ đó mới có những dự đoán (foresight), tức là nhìn xa, thấy trước, có tầm nhìn rộng hơn.

Vai trò của tư duy hệ thống

1. Đứng trước một công việc sắp làm (đề án, chương trình, kế hoạch…) chúng ta cần phải tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến công việc, những điều kiện đã có, những cơ hội để triển khai, nguồn lực có thể huy động…

Tất cả những dữ liệu đó cần phải có sự phân tích và đặt chúng vào trong một mối liên hệ song phương và đa phương. Trên cơ sở đó, ta mới có thể xác định được mục tiêu chung và mục tiêu của từng giai đoạn triển khai.

Tuy nhiên, khi triển khai, những biến động luôn thay đổi bên ngoài như những tổ chức có trong kế hoạch tương tác và liên kết, những thay đổi nhân sự bên trong nội bộ và bên ngoài, những sự cố về nguồn lực, sự thay đổi về hoàn cảnh… sẽ buộc phải có sự điều chỉnh công việc ban đầu cũng như mục tiêu trước đó.

Thiếu kỹ năng tư duy hệ thống, công việc sẽ bị phá vỡ.

2. Lập kế hoạch, chương trình có hiệu quả là điều kiện đầu tiên phải đạt. Song, cần phải có những kỹ năng tổng hợp sự vận động trong hệ thống chung và quan hệ qua lại của hệ thống chung với những hệ thống độc lập bên ngoài để điều chỉnh kịp thời những hậu quả tiềm ẩn. Việc xác định các phương án khác nhau để khắc phục những rủi ro có thể xảy ra cũng cần có cách nhìn nhận tổng hợp để ứng phó linh hoạt trước những tình huống khác nhau.

3. Tư duy hệ thống là điều kiện cần thiết để ta có thể sáng tạo hơn trong hoạt động nhờ khám phá các kết nối và các giải pháp đa dạng trong hệ thống. Nhờ đó, trong tính phức hợp của các mối liên hệ đa chiều, ta có thể cải thiện các hoạt động của toàn bộ hệ thống việc làm của mình.

4. Tư duy hệ thống có tác động thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết trong giao tiếp nội bộ, giữa các bộ phận cùng hoạt động, nhờ đó, tăng cường hơn sức mạnh tinh thần của những người tham gia hoạt động. Mặt khác, khi tính đến những tương tác của việc làm ta đang tiến hành với những việc làm bên ngoài, sự gắn kết và hợp tác cũng sẽ được cải thiện.

5. Tư duy hệ thống giúp con người thích ứng nhanh với hoàn cảnh có vấn đề. Đứng trước một bài toán cần giải quyết, người có kỹ năng tư duy hệ thống không chỉ nhìn ra nhanh chóng cấu trúc phức tạp trong các mối liên hệ giữa các hệ thống con của hệ thống lớn, mà còn nhận ra những đặc điểm của môi trường mà trong đó hệ thống vận hành, từ đó sớm xác định được giải pháp thích ứng.

6. Tư duy hệ thống giúp con người có cách tiếp cận vấn đề, hiểu được nguyên nhân sâu xa tại sao lại có các tình huống xảy ra và những khó khăn tiềm ẩn. Do đó, con người sẽ tập trung cho các giải pháp thực hiện mục tiêu cơ bản. Họ cũng tránh được việc đối phó bị động với hoàn cảnh, bỏ bớt những chi phí thời gian, công sức và các nguồn lực vào những việc không cần làm.

Các loại hình tư duy hệ thống

Tổng hợp một số công trình nghiên cứu về tư duy hệ thống, người ta rút ra một số loại hình của tư duy hệ thống như sau:

1. Tư duy theo mô hình: Tư duy hệ thống sẽ cấu trúc các quan hệ tương tác, kết nối các sự việc, các yếu tố trong vấn đề cần giải quyết thành những mô hình khác nhau trong thực tại. Não bộ sẽ từ đó xây dựng một mô hình phù hợp với bối cảnh và đưa ra cách tiếp cận vấn đề một cách mạch lạc.

2. Tư duy theo tương quan: Đây là phương pháp tư duy dựa theo sự tương quan của nguyên nhân và kết quả. Để đi đến đáp số của bài toán thực tế, ta luôn phải xác định được điểm bắt đầu để từ đó tìm dần ra cách giải đáp cho điều nghi vấn.

Khi ứng dụng phương pháp tư duy này, người ta sẽ nhận được kết quả trực tiếp hay gián tiếp. Nếu nhận được kết quả gián tiếp thì công việc cần được vận hành và phản hồi lại theo thời gian.

3. Tư duy hệ thống động: Trên thực tế, bất cứ sự vận động của hệ thống trong điều kiện cụ thể của sự phát triển xã hội đều có thể mang những dấu hiệu bất thường. Trước tình hình ấy, chủ thể tư duy có thể nhận biết và phán đoán về những xu hướng đi lên của công việc và thấy được những xu hướng tạo nên sự trì trệ để gạt bỏ.

4. Tư duy hệ thống lãnh đạo: Loại hình tư duy này là phương pháp mang tính cốt lõi đối với người quản lý, điều hành công việc: Nhà lãnh đạo thường coi tư duy hệ thống lãnh đạo như một "tài nguyên quý giá", nhờ nó mà họ đạt được các giá trị đặc biệt trong công tác lãnh đạo. Người ta thường nói, tư duy hệ thống lãnh đạo vừa là động lực, vừa là nền tảng giúp nhà quản lý đưa ra những quyết định thông minh và khôn khéo.

tư duy hệ thống

Người có tư duy hệ thống là người giải quyết vấn đề tận gốc, nghĩ rộng ra, sâu hơn, đặt câu hỏi về nguyên nhân gây ra vấn đề, lùi ra để nhìn vấn đề từ bức tranh tổng thể, và tìm ra cách giải quyết khiến cho vấn đề không tái diễn hay lặp lại. Đồ hoạ: vietnambusines

Áp dụng tư duy hệ thống để nâng cao hiệu quả công việc

1. Khắc phục lỗi sai: Với kỹ năng tư duy hệ thống, trong công việc con người sẽ có cái nhìn bao quát, hiểu sâu vấn đề để tìm ra những lỗi mắc phải khi vận hành công việc. Những lỗi đó khiến cho công việc không được hoàn thành.

Sau khi tìm được nguyên nhân gây ra lỗi, người quản lý sẽ tìm những giải pháp khắc phục. Phát hiện các lỗi sai càng sớm càng tốt để công việc nhanh chóng đạt mục tiêu đã định.

2. Nắm bắt cơ hội: Người có kỹ năng tư duy hệ thống là người có tư duy logic, phán đoán nhanh, xác định chính xác hướng đi của mình. Với kỹ năng đó, họ có khả năng tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những phương án nắm bắt các cơ hội.

Cải tiến công việc đang làm là cần thiết, nhưng chớp lấy cơ hội còn cần hơn, bởi cơ hội là do xu thế phát triển mà ra. Bỏ qua cơ hội là tụt lại trong xu thế phát triển của việc đang làm. Cơ hội là tương lai sáng sủa trong phát triển.

3. Đổi mới và sáng tạo: Mọi công việc được tiến hành lặp đi lặp lại sẽ không thể tạo ra những đột phá để thay đổi tình trạng vốn có. Nhờ phương pháp tư duy một cách hệ thống, người ta nắm trong tay chìa khóa mở ra lối đi, tránh đường mòn đã từng đi qua. Đổi mới là lẽ sống trong một hoàn cảnh cạnh tranh để vươn lên.

Hiện nay, vấn đề đổi mới có tính cốt lõi trong mọi công việc là phải chuyển đổi số nhanh chóng, càng sớm càng tốt, đồng thời tìm ra những giải pháp nâng cao năng lực làm chủ những công nghệ hiện đại. Không nhìn ra xu thế này, chắc chắn sẽ tụt hậu và công việc sẽ rơi vào trạng thái bế tắc.