Tư duy phức hợp tạo nên văn hoá học tập suốt đời
Đã đến lúc, giáo dục không chỉ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các trường học, mà còn phải chăm lo đến hạ tầng tư duy trong công tác đào tạo. Đó là việc chuẩn bị những gì cho việc khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát triển khả năng tư duy của cá nhân. Một trong số đó là tư duy phức hợp.
Tính phức hợp của thực tại
Thế giới mà chúng ta đang sống là một hệ phức hợp (complexity system). Về bản chất, nó là một hệ thống gồm cơ man những phần tử tương tác với nhau. Tính chất chung của toàn hệ thống khó mà có thể suy ra từ việc nghiên cứu từng thành phần riêng lẻ hợp thành trạng thái cân bằng của thế giới thực tại đòi hỏi con người có một lối hành xử với sự vận động của thực tại mà ta thường nói là phải hành động phù hợp với quy luật vận động đó.
Song, ngoài trạng thái cân bằng lại có những hệ thống động có tính phi tuyến mà đáp ứng với chúng là cực kỳ quan trọng. Hệ thống động học đó cũng vô cùng phức hợp. Đó là kinh tế, sản xuất, khí hậu, thị trường, thời tiết, chứng khoán, giao thông, môi trường, các dòng chảy trên sông và trên biển, dịch bệnh và hệ miễn dịch.
Các sinh vật đều là những hệ thống phức hợp. Bản thân con người cũng được hiểu là một thực thể phức hợp. Chỉ riêng bộ não người – một tổ chức cao nhất của nhân loại, nặng khoảng 1,4kg, bao gồm 100 tỉ tế bào neuron thần kinh. Số lượng khổng lồ các neuron này tương tác với nhau ra sao, giao tiếp với nhau theo cơ chế nào để điều khiển các chức năng của các cơ quan trong cơ thể, các tín hiệu thần kinh được truyền đi ra sao, và sự hình thành hệ tư tưởng trong con người ra sao… đều là vấn đề quá lớn đối với nhận thức của chúng ta.
Để hiểu được thế giới phức tạp, con người hiện tại phải phát triển khoa học phức hợp (complexity theory, complexity science). Đó là môn khoa học nghiên cứu về các hệ thống phức hợp.
Hệ thống phức hợp ở đây được hiểu là hệ thống chứa nhiều thành phần con tương tác với nhau. Lối hành xử với hệ thống này không thể suy đoán một cách hiển nhiên từ tương tác của những thành phần cấu thành nó.
Stephen William Hawking cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học phức hợp
Ông nói: "Tôi cho rằng, thế kỷ tới (thế kỷ 21) sẽ là thời đại của hệ phức hợp. Chúng ta sẽ khám phá ra các định luật cơ bản chi phối vật chất và thông hiểu mọi hiện tượng thông thường, nhưng lại không hiểu các định luật đó tương thích với nhau như thế nào và điều gì sẽ xảy ra ở những thời điểm cực điểm? Tôi kỳ vọng là chúng ta sẽ tìm ra một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh trong thế kỷ tới. Với lý thuyết đó, chúng ta có thể xây dựng được những thứ có độ phức tạp vô hạn".
Trong cuốn sách "Mơ ước của Lý trí", Heinz R. Pagels viết: "Tôi tin chắc rằng, những quốc gia thiên dụng khoa học phức hợp sẽ trở thành những siêu cường về kinh tế, văn hóa và chính trị trong thế kỷ 21".
Máy tính và sự phát nguyên của khoa học phức hợp là lời kêu gọi các nhà khoa học, công nghệ và các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu sẽ triển khai khoa học phức hợp.
Bình minh của thế kỷ 21 rạng ngời những phát triển vĩ đại của cách mạng trí tuệ nhân tạo và khoa học phức hợp là một biểu hiện của sự tiến bộ vượt bậc của những tri thức mới. Tuy nhiên, nhân loại lại đứng trước một nghịch lý lớn. Trình độ tư tưởng của con người nói chung trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo này đã thể hiện sự bất cập lớn so với sự phát triển của khoa học và công nghệ bởi giữa triết học và khoa học có khoảng cách vì thiếu hẳn những tri thức khách quan. Những tri thức khách quan đó cần đến một trình độ tư duy đơn giản hóa, do đó không tạo ra những tri thức đa chiều (multi-dimensional knowledge).
Điều kiện cần và đủ, theo Edgar Morin là phải phát huy tư duy phức hợp trong một thế giới bất định, phức tạp, mơ hồ, rất khó nắm bắt những tương tác của các hệ thống nhiều khi ta thấy vô cùng hỗn độn.
Tư duy phức hợp là gì? Tính tất yếu của tư duy phức hợp
Tư duy phức hợp là quá trình vận động trí não để tích hợp các phương thức tư duy đơn giản hóa, xem xét các thành tố trong hệ thống với sự tương tác đa dạng giữa chúng, hệ thống hóa và trừu tượng hóa các mối quan hệ phức tạp để xây dựng tri thức mới về thực tại.
Tư duy phức hợp luôn thống nhất tính phức hợp với tính toàn vẹn (completude). Tuy nhiên, cách hiểu này luôn khẳng định rằng, những tri thức do tư duy phức hợp tạo nên không phải là tri thức hoàn hảo, bởi thực tế cho thấy không thể có được một thực thể toàn vẹn.
Mỗi thực thể tồn tại đều có những thuộc tính đơn trị, tức là những thuộc tính có giá trị duy nhất cho một thực thể cụ thể. Một cách tổng hợp như một tổng các thuộc tính của những thực thể riêng lẻ là kết quả của quá trình tư duy đơn giản hóa.
Tư duy phức hợp không tổng hợp các thuộc tính của những thực thể tồn tại độc lập, mà phân tích chúng trong sự tương tác hết sức phức tạp và đa chiều, và như vậy, mới có thể đi sâu hơn vào bản chất của thế giới thực tại vốn là một tổng thể các thành tố hợp thành đang tương tác với nhau.
Trong tác phẩm "Tư duy và Đổi mới", tác giả Phạm Khiêm Ích cho rằng, có 2 cách hiểu không đúng về tính phức hợp.
Một là, tính phức hợp sẽ dẫn đến loại bỏ tính đơn giản hóa. Thật ra, làm như vậy chỉ là dẫn tới sự đơn giản hóa khác mà thôi. Hơn nữa, tư duy đơn giản hóa đã từng nuôi dưỡng những bước tiến lớn lao của khoa học phương Tây từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Bởi vậy, việc đơn giản hóa là cần thiết, cố nhiên phải tương đối hóa nó. Tư duy phức hợp tìm cách tích hợp các phương thức tư duy đơn giản hóa, nhưng luôn khước từ những hệ quả mang tính cắt xén, quy giản, phiến diện, che khuất tính phức hợp của thực tại.
Hai là, đồng nhất tính phức hợp với tính toàn vẹn. Cần chấp nhận nguyên lý bất toàn và bất định của tri thức. Chấp nhận tính phức hợp tức là chấp nhận mâu thuẫn. Tư duy phức hợp mong muốn đạt đến một tri thức đa chiều, chú trọng liên kết tri thức kết nối cái một với cái nhiều, thống nhất trong đa dạng (Unitas Multiplex).
Trong khối tri thức "thống nhất đa dạng", các tri thức về các lĩnh vực khác nhau không tồn tại biệt lập giữa chúng, không đối lập, không loại trừ nhau, mà liên kết hữu cơ với nhau, phản ánh đúng sự vật trong bối cảnh, với toàn bộ tính phức hợp của nó.
Tư duy phức hợp đối lập với tư duy cơ giới (tư duy máy móc) của Descartes, khi vị triết gia lỗi lạc của thế kỷ 17 đề xướng chủ nghĩa cơ giới, tách rời vật chất ra khỏi tinh thần, xem tự nhiên như một bộ máy mà trí tuệ có thể hiểu được. Edgar Morin gọi tư duy cơ giới là "tư duy manh mún". Đó là thứ trí tuệ đã bị phân ra thành những mảnh rời rạc, phá vỡ tính phức hợp của thế giới thành các mảnh vụn, tách rời cái vốn đang gắn liền với nhau, biến cái đa chiều thành cái một chiều.
Vì thế, tư duy cơ giới sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu tầm nhìn và sai lệch về thế giới.
Vai trò của tư duy phức hợp trong đời sống và xã hội hiện đại
Trong đời sống hiện đại, mọi vấn đề như kinh tế, xã hội, giáo dục, thương mại, quân sự… đều có tính toàn cầu. Không thể xem xét một vấn đề bằng cách khoanh nó lại trong khuôn khổ của một vùng, một lãnh thổ hay một quốc gia. Mọi hoạt động của đất nước phải được giải quyết theo tính toàn hành tinh, tính đa chiều, tính siêu quốc gia.
Một công trình khoa học về tâm lý con người chỉ dựa vào những lý thuyết đơn ngành, quên đi hoặc gạt sang một bên những vấn đề kinh tế học, xã hội học, giáo dục học và khoa học công nghệ hiện đại…, thì cái tâm lý con người được rút ra sẽ không thể giúp cho cả một thế hệ (generation) thích ứng với cuộc sống. Đó là một thí dụ để nhắc chúng ta rằng, công trình khoa học phải cần tri thức liên ngành và xuyên ngành.
Đặc trưng quan trọng nhất trong hệ thống phức hợp là hiện tượng đột sinh (emergence). Đây là hiện tượng xuất hiện những quy luật, những hình thái, những trật tự mới từ hiệu ứng tập thể của các tương tác giữa các thành phần của hệ thống. Hiện tượng đột sinh không phải là một tính chất nội tại của các thành phần con, mà là những tính chất của hệ thống được xét một cách toàn diện.
Tư duy phức hợp là một vấn đề quan trọng trong giáo dục thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Cần vận dụng tư duy phức hợp tập trung vào việc thiết kế mục tiêu giáo dục để đào tạo những công dân của thế kỷ 21.
- Công dân của thế kỷ thứ 21 phải là con người học tập suốt đời (lifelong learner) với khối óc được rèn luyện tốt, đủ khả năng liên kết tri thức và tổ chức tri thức, luôn đặt vấn đề đào tạo con người trong mối quan hệ quốc gia - quốc tế, tránh cách nhìn và cách nghĩ biệt lập với thế giới bên ngoài.
- Cần có một cuộc cải cách giáo dục triệt để, đoạn tuyệt với hệ thống giáo dục khép kín, chạy theo thi cử, bằng cấp, hư danh, tư nhân hóa, sa lầy vào thương mại hóa giáo dục. Thực chất của cuộc cải cách giáo dục cần có ở Việt Nam là xây dựng một nền giáo dục mở, một hệ thống giáo dục mở, tạo ra mọi điều kiện và mọi cơ hội để mỗi công dân được giải phóng năng lực sáng tạo của họ.
- Chuẩn bị cho thế hệ trẻ có đầy đủ năng lực, ý chí và bản lĩnh sống với một thế giới đang biến chuyển nhanh chóng khó lường – một thế giới phức tạp, đầy bất trắc và rất khó dự báo.
- Giáo dục cho thế hệ trẻ thành những công dân số, thích ứng với xã hội số đang hình thành và phát triển. Mặt khác, xây dựng cho mỗi công dân số những năng lực và phẩm chất của một công dân toàn cầu, sống trong một thế giới đa dạng hơn bao giờ hết.
Để làm được việc này, ngành giáo dục không chỉ đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các trường học, mà còn phải chăm lo đến hạ tầng tư duy trong công tác đào tạo. Đó là việc chuẩn bị những gì cho việc khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát triển khả năng tư duy của cá nhân.
Hạ tầng đó gồm những học liệu về thành tựu tư tưởng của nhân loại; hệ tư tưởng, quan điểm cần thiết mà con người hiện đại phải tuân thủ; cơ sở pháp lý hỗ trợ cho việc giáo dục con người thời đại số; văn hóa học tập suốt đời; thói quen và kỹ năng tư duy; ý thức hợp tác, khoan dung, tôn trọng con người và văn hóa trong sự đa dạng của nó.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google