Chu Văn An - người thầy của muôn đời

Hoàng Khôi
17:47 - 19/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cuối những năm 70 của thế kỷ XX ở vùng đồi núi Phượng Hoàng huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương xảy ra một chuyện lạ. Một người vợ liệt sĩ tên thường gọi là bà Dậu (tên người chồng sau) đi hái thuốc tình cờ phát hiện được những tấm bia cổ.

Bà không biết văn bia nói gì vì không biết chữ Hán nhưng bà nghĩ chắc đây là một nơi thờ cúng linh thiêng bị quên lãng. Bà báo với chính quyền nhưng sự việc không được chú ý nên âm thầm tự đắp lên một mô đất để cứ thế thờ cúng mấy năm liền. 

Mãi mấy năm sau Phòng văn hóa huyện Chí Linh mới xác nhận những tấm bia bà Dậu phát hiện ghi về việc trùng tu nơi ẩn cư của Nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), người thầy giáo đạo cao đức trọng nhất Việt Nam được nhân dân tôn vinh là Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời).

Năm 1993, Bộ trưởng giáo dục Trần Hồng Quân đã gặp bà Dậu cảm ơn việc làm của bà và tỏ ý tài trợ để địa phương trùng tu đền. Ở đây có ba tấm bia nói về quá trình trùng tu di tích vào các năm 1837, 1841, 1857 và một tấm bia nói đến việc Chu Văn An ẩn cư. Khu di tích ở núi Phượng Hoàng thờ Chu Văn An chính thức được tu tạo từ 1997 và hoàn thiện năm 2005, trở thành nơi tôn vinh xứng đáng một bậc danh nho, một người thầy nổi tiếng nhất Việt Nam.

Thầy giáo Chu Văn An hay Chu An, Chu Văn Trinh tự là Linh Triệt hiệu là Tiểu Ẩn, người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì Hà Nội). Quá trình học tập thuở thanh niên của ông chưa thật rõ bởi có sách nói ông từng đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), nhưng có chỗ lại nói không đỗ đạt gì? Đời vua Trần Minh Tông ông được mời ra giữ chức Tu nghiệp trường Quốc Tử Giám, đến đời Trần Dụ Tông ông từ quan, về ẩn tại núi Phượng Hoàng thuộc xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 

Vua Nghệ Tông lên ngôi có mời, nhưng ông chỉ về kinh đô chúc mừng rồi trở về núi, không nhận chức tước. Ông được ban tên thụy là Khanh Tiết và thờ ở Văn miếu. 

Năm 2020 nhân 650 năm mất của ông UNESCO đã chính thức tôn vinh ông. Chu Văn An là danh nhân văn hóa Việt Nam thứ tư (sau Nguyễn Du – năm 2015, Hồ Chí Minh năm 1990 và Nguyễn Trãi 1980) được vinh dự nhận vinh dự này.

Con người và sự nghiệp Chu Văn An có thể khái quát qua một vài nét lớn.

Người thầy của muôn đời - Ảnh 1.

Một bức họa thầy Chu Văn An. Nguồn: Lê Minh Hải/NXB Kim Đồng

Một vị đại thần cương trực

Thực ra Chu Văn An chỉ là một học quan, ông không có nhiệm vụ điều hành đất nước mà là người quản lý trường Quốc Tử giám (như một vị Hiệu trưởng của Đại học sau này). Nhưng Chu Văn An luôn quan tâm đến triều chính và rất bất bình với những lũ gian thần lũng đoạn nước nhà. Ông đã dâng sớ lên vua Dụ Tông xin chém bảy tên gian thần. Sử gọi sớ ấy là Thất trảm sớ. 

Thất trảm sớ ngày ấy đã có tiếng vang rất lớn "Thất trảm sớ nghĩa động càn khôn". Chỉ có điều bản sớ trình ấy không được nhà vua trả lời, cũng không có động tĩnh gì sau đó khiến Chu Văn An mất hết niềm tin. Ông đã phản ứng bằng cách lẳng lặng từ quan về, không liên hệ gì với nhà cầm quyền nữa. Vua nhiều lần mời ông trở lại, ban tặng quà cáp, ông phải nhận quà nhưng lại cho người khác, còn dứt khoát không nhận làm quan. 

Chu Văn An luôn giữ vững tiết tháo của mình. Ông là một vị đại thần cương trực.

Một học giả chân nho

Nhiều tác phẩm liên quan tới học thuyết, tới đạo đức của Chu Văn An đã thất truyền. Nhưng sử sách có nhắc đến bộ Tứ thư thuyết ước của ông gồm 10 quyển. Những học giả sau này đều cho rằng, dù đây là những bài giảng các sách Tàu như Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung "nhưng tư tưởng Chu Văn An vẫn giữ được các tinh thần nguyên thủy của nho giáo Khổng Mạnh vốn có nhiều nội dung phù hợp với truyền thống đạo đức Việt Nam" (Huỳnh Thúc Kháng). 

Đặc biệt, trong hoàn cảnh xã hội thời Trần Dụ Tông rất thối nát, vì thế mà gương sáng Chu Văn An càng thêm rực rỡ.

Một nhà thơ trong sáng

Đến nay mới tìm được 11 bài thơ của Chu Văn An, nhưng qua những tác phẩm này người ta vẫn thấy ở Chu Văn An một tâm hồn thi sĩ. Ông gắn bó thiên nhiên một cách đậm đà, tâm hồn ông luôn khát khao vươn tới sự thanh tĩnh nên thơ ông "vừa trong sáng vừa u nhàn" (Phan Huy Chú). 

Ông luôn tỏ ra là một nhân cách cao thượng mà câu thơ dưới đây đã cho thấy phong cách Chu Văn An.

Thân dữ cô vân trường luyến tụ

Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan

(Đời như đám mây lẻ ngừng mãi trong không gian/ Lòng như nước giếng xưa không bao giờ gợn sóng).

Một người thầy

Trước thời Trần đã có rất nhiều người thầy có nhiều thành tựu xuất sắc. Tuy nhiên Chu Văn An mới thật là một người thầy tổng hợp được nhiều giá trị của người thầy.

Chu Văn An đã dạy hầu hết các loại học sinh từ bậc Đại học cho đến những trẻ nhỏ bình thường trong các chòm xóm. Trường Huỳnh Cung của ông (làng Cung Huỳnh, huyện Thanh Đàm, tức Thanh Trì) chỉ là một khu tranh lá, không nhiều bàn ghế chỉ đắp đất thay bục, trải chiếu nan cho trò ngồi, thế mà thu nạp học trò đến "chật cửa".

Nội dung giảng dạy của ông, đến nay ta chưa thể biết đầy đủ nhưng chắc chắn ông đã nỗ lực giảng giải những học thuyết kinh điển của nhà Nho, kết hợp một cách uyên bác với lý thuyết nhà Phật, bởi đời Trần dân chúng mộ Phật, đạo Phật được xem là quốc giáo. Để học trò và cha mẹ họ tin theo, chắc chắn Chu Văn An đã phải kết hợp một cách thuyết phục các giáo lý nhà Phật, học thuyết Nho gia và những giá trị văn hóa Việt.

Về phương pháp giảng dạy, chắc chắn thầy Chu phải là một người mẫu mực, cẩn trọng. Có chuyện kể các học trò của ông đang làm quan rất to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát về thăm thầy cũng vẫn phải khép nép giữ gìn. Sự nghiêm cẩn này khiến cho học trò luôn trân trọng và kính nể. Câu chuyện quan lớn Phạm Sư Mạnh cho quân dẹp đường khi về thăm thầy khiến Chu Văn An giận, không tiếp đã dạy cho các thế hệ một bài học về sự ứng xử.

Chu Văn An còn là một nhà nghiên cứu đông y từng biên soạn cuốn Y học yếu giải tạp chú di biên. Gần đây người ta còn phát hiện thêm một số tài liệu về địa lý phong thủy cũng được xem là di cảo của thầy.

Người dân vùng quê Chu Văn An đã thờ thầy là thành hoàng và gọi là Đức Thánh Chu. Việt Nam có thánh võ như Thánh Gióng, Thánh Trần, còn Thánh Văn thì chính là chỉ vào nhà giáo Chu Văn An.

Vị trí của Chu Văn An trong lịch sử giáo dục Việt Nam là hoàn toàn được khẳng định. 

Thầy của thủy thần

Theo sự tích lưu tại Xá Càn từ, nơi thờ người học trò thủy thần của Chu Văn An, tương truyền vào thời Chu Văn An dạy học ở làng Huỳnh Cung, có một chàng trai trẻ, vẻ ngoài tuấn tú lên xin học. Người học trò ấy khiêm tốn nói về thân phận của mình, thầy Chu Văn An nghe xong bảo rằng đã hiếu học thì bất kỳ ai cũng học được, miễn là chịu khó.

Tuy nhiên, bạn đồng môn lại thấy người học trò này từ đầm Lân Đàm đi đến trường và đã thưa với thầy Chu, nhưng thầy không nói gì. Một hôm nhìn thấy trên chỏm đầu của người học trò có cánh bèo tấm, thầy Chu Văn An biết đó là con vua Thủy Tề lên học.

Biết vậy nhưng thầy Chu Văn An vẫn dạy dỗ hết mực ân cần, lại được người học trò chăm chỉ, nên ngày qua ngày chữ của thầy, lời thầy giảng cứ thấm sâu vào tâm trí người học trò ấy.

Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa mùa nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm ấy, sau buổi học, thầy Chu Văn An hỏi học sinh ai có cách gì giúp dân vượt qua thiên tai khắc nghiệt. Trước lời khẩn thiết của thầy, người học trò thủy thần thưa với thầy: "Con biết là trái lệnh thiên đình thì sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm để giúp dân chống hạn, cứu lúa".

Sau đó thủy thần lấy hai nghiên mực đen, một nghiên mực đỏ và bút lông, đem ra giữa sân, mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút mực, vẩy lên trời. Ngay lập tức, mực đỏ vung lên trời thành sấm chớp ầm ầm, mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến, mưa rơi tầm tã, nước đen như mực. Những cánh đồng khô cằn đều được uống no nước, lúa khắp vùng được cứu sống.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi làm mưa, mực rơi xuống Ðầm Vĩnh Quỳnh biến thành Ðầm Mực, còn bút rơi xuống làng Tó (Tả Thanh Oai), nơi sau này phát tích dòng họ Ngô Gia Văn Phái lừng danh khoa cử, có nhiều người đỗ tiến sĩ như Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Điền…

Nhưng vì trái lệnh thiên đình, học trò thủy thần đã bị sấm sét nhà Trời đánh chết. Xác con vua Thủy hiện nguyên hình là một con thuồng luồng nổi lên trôi về phía Cầu Bươu. Nơi hóa của người học trò thủy thần được dân lập miếu thờ, gọi là miếu Gàn, tên chữ là Xá Càn từ nghĩa là trừ nạn hạn hán.

Cũng để tỏ lòng nhớ công ơn của thủy thần, nhân dân bảy làng quanh vùng đã tôn thủy thần làm thành hoàng, lập đền thờ. Đó là các làng Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Linh Đường, Đại Từ, Tựu Liệt và Lê Xá. Trải qua thời gian, các triều đại phong kiến đều vô cùng tôn kính và sắc phong học trò thủy thần là Bảo Ninh Vương.