Từ vụ cô gái mất tích mùng 7 Tết ở Hà Nội, mất tích bao lâu thì được trình báo công an?

Lam Linh
14:05 - 20/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến vụ việc cô gái mất tích tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với H.M.H. (20 tuổi, quê Bắc Giang) về tội Giết người và Cướp tài sản. Về vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi: Người thân mất tích bao lâu thì nên báo công an?

Từ vụ cô gái mất tích mùng 7 Tết ở Hà Nội, mất tích bao lâu thì được trình báo công an?- Ảnh 1.

Hình ảnh nạn nhân L. trước khi mất tích. Ảnh: Công an cung cấp

Ngày 19/2, Công an Thành phố Hà Nội phát thông báo tìm kiếm một cô gái đang mất tích tại quận Nam Từ Liêm. Theo đó, cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo của gia đình chị L.T.T.L. (21 tuổi, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) về việc không thể liên lạc được với cô gái này.
Chị L. rời nhà từ chiều 16/2. Khi đi, cô gái 21 tuổi mặc áo sơ mi trắng, chân váy màu xám, đi xe máy vision màu đỏ. Đến chiều 19/2, thi thể của nạn nhân được tìm thấy tại một nhà trọ ở quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Từ vụ việc trên, ngoài những nghi vấn xoay quanh nghi phạm gây án và tình tiết của vụ việc, dư luận còn đặt câu hỏi: Người thân mất tích bao lâu thì nên báo công an? Có phải qua 24 giờ mất tin tức thì mới được báo công an hay không?

Thế nào là mất tích và khi nào thì một người bị tuyên bố là mất tích?

Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa về mất tích mà chỉ đưa ra quy định về việc khi nào được tuyên bố một người là mất tích. Theo cách hiểu thông thường, mất tích tức là mất liên lạc với một người, không có bất kỳ thông tin gì về người đó như không biết họ đang ở đâu, làm gì, đi cùng những ai, còn sống hay không…

Hay có thể hiểu mất tích là tình trạng của một cá nhân vắng mặt liên tục trong một thời gian dài mà không rõ họ còn sống hay đã chết do không còn tung tích gì liên quan đến cá nhân đó

Tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tuyên bố mất tích như sau:

1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Như vậy, điều kiện để được tuyên bố mất tích là: thời gian đủ 2 năm liền trở lên và đã thực hiện đầy đủ các biện pháp tìm kiếm mà vẫn không biết người đó còn sống hay đã chết.

Người thân mất tích bao lâu thì được báo công an?

Căn cứ quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cá nhân, tổ chức khi phát hiện có thể tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu có thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể thông báo với cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, Điều 145 Luật này nêu rõ, mọi tố giác, tin báo về tội phạm đều phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Trong đó, ngay khi nhận được tin báo tội phạm thì:

- Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

- Công an xã: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Như vậy, pháp luật hiện nay không có quy định về khoảng thời gian một người mất liên lạc, mất tin tức bao lâu thì được trình báo công an. Vì vậy, khi người thân mất tích, người nhà có thể chủ động trình báo lên công an vào bất cứ thời điểm nào cảm thấy thích hợp, càng sớm càng tốt để việc điều tra, xác minh, tìm kiếm dễ dàng và kịp thời. Cơ quan công an sẽ có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, pháp luật quy định chế tài xử lý với trường hợp tố giác bừa bãi, không đúng sự thật hay những hành động mang tính trêu đùa cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: "Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật".