Trung Quốc tăng cường hơn nữa các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực

N.Cường
11:21 - 12/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những biến động địa chính trị, bao gồm áp lực từ Washington và tác động của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang thử thách khả năng cung cấp lương thực cho người dân Trung Quốc ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Nông nghiệp - vấn đề an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng của Trung Quốc

Theo SCMP, Trung Quốc đang áp đặt các đánh giá nghiêm ngặt về hiệu suất làm việc và năng lực quản lý đối với các quan chức chính quyền địa phương để buộc họ phải chịu trách nhiệm về việc bảo vệ đất nông nghiệp và đảm bảo sản xuất đủ ngũ cốc, khi quốc gia này tăng cường các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực.

Theo tuyên bố tại một cuộc họp báo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc mới đây, cán bộ cấp tỉnh của nước này có nguy cơ không được đánh giá, thẩm định nếu không đáp ứng các chỉ tiêu về diện tích đất canh tác, sản lượng ngũ cốc và cơ cấu cây trồng tại địa phương. Cảnh báo này được đưa ra khi Trung Quốc - nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới ngày càng gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng tự cung tự cấp lương thực cho người dân trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Trung Quốc tăng cường hơn nữa các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực - Ảnh 1.

Cán bộ chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc có nguy cơ không được đánh giá nếu không đáp ứng được các hạn ngạch về quy mô đất nông nghiệp, sản lượng ngũ cốc và cơ cấu cây trồng tại địa phương. Ảnh: Tân Hoa Xã

Lu Jingbo, Phó giám đốc Cơ quan Quản lý lương thực và dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc cho biết: Chính sách này lần đầu tiên được áp dụng cho các Tỉnh trưởng và Bí thư Đảng ủy, nhằm đáp lại "những lời kêu gọi nhiều lần của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với chính quyền địa phương và các đảng ủy về việc gánh vác trách nhiệm chính trị đối với vấn đề an ninh lương thực".

Bắc Kinh đã bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh lương thực trong những năm gần đây. Nông nghiệp đã trở thành "vấn đề an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng" – trong bối cảnh quan hệ của nước này ngày càng xấu đi với Hoa Kỳ và các đồng minh, vốn là những nhà cung cấp nông sản lớn cho Trung Quốc. Cùng với đó là diện tích đất canh tác bị thu hẹp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.

Zheng Fengtian, giáo sư tại Trường Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Đại học Renmin, cho biết: "Hiện tại, thực phẩm có thể là mối quan tâm lớn thứ hai sau chip điện tử đối với Trung Quốc, xét về việc bị Mỹ kiểm soát".

Theo Giám đốc Cơ quan Quản lý lương thực và dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc Cong Liang, đại dịch COVID-19 cũng là "bài học cảnh báo" cho toàn xã hội Trung Quốc về tầm quan trọng của việc cung cấp thực phẩm khẩn cấp.

Ông tuyên bố sẽ cải thiện hệ thống ứng phó khẩn cấp trên toàn quốc - hệ thống mà theo ông đã được chứng minh là yếu kém. Tuy nhiên, về tổng thể, Trung Quốc tự cung cấp hơn 95% ngũ cốc và có mức phân bổ cung cấp lương thực hàng năm là 480kg/người, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế là 400kg mà các quan chức Trung Quốc thường trích dẫn.

Giáo sư Zheng Fengtian cho biết áp lực lớn đối với chính quyền địa phương cũng xuất phát từ giới hạn dưới của quy mô đất canh tác, mà Bắc Kinh đặt ra là 120 triệu ha (296,5 triệu mẫu Anh), ngày càng bị thách thức trong những năm gần đây khi nhiều nơi đổ xô xây dựng cảnh quan và trồng các cây sinh lợi nhiều hơn. Đã có một phong trào phủ xanh theo kiểu "Đại nhảy vọt" ở một số khu vực. Một lượng lớn tiền bạc và công sức đã được chi vào việc xây dựng các công viên và bãi cỏ lớn.

Bên cạnh đó, "diện tích trồng ngũ cốc cũng giảm ở các khu vực phía tây và một số khu vực phía nam do người dân thay thế bằng các loại cây trồng có lợi hơn để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong những năm qua" - Giáo sư Zheng Fengtian cho biết thêm.

Trung Quốc tăng cường hơn nữa các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực - Ảnh 2.

Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch toàn quốc để hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng trong bối cảnh gia tăng các vấn đề về an ninh lương thực. Minh họa: Lau Ka-kuen. Ảnh: SCMP

Trung Quốc tăng cường "ngoại giao ngũ cốc"

Các nhà chức trách cũng đang tìm cách để cải thiện tính ổn định và khả năng phục hồi nguồn cung đậu tương của Trung Quốc. Đất nước này từ lâu đã dựa vào nhập khẩu đậu nành của Hoa Kỳ để sản xuất đủ dầu ăn và thức ăn chăn nuôi trong nước.

Bên cạnh việc nâng cao năng suất và công nghệ chế biến, Cơ quan Quản lý lương thực và dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc cũng kêu gọi người dân hạn chế sử dụng dầu thực phẩm để tốt cho sức khỏe.

Trong thời gian chờ đợi, "chúng tôi sẽ cố gắng ổn định các thị trường cung cấp đậu nành truyền thống, đồng thời khám phá các thị trường mới để có các nguồn nhập khẩu đa dạng", Giám đốc Cơ quan Quản lý lương thực và dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc nói.

Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp ngô mới, vốn từng phụ thuộc tương tự vào Mỹ và Ukraine.

Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu ngô từ Myanmar, Nam Phi và Brazil. Brazil đã vượt qua Ukraine trong những tháng gần đây để trở thành nguồn cung cấp ngô lớn thứ hai của Trung Quốc, theo một bài bình luận trên tờ Nhật báo Kinh tế của nhà nước ra ngày 11/5.

Bài báo cho biết "ngoại giao ngũ cốc" sẽ mở rộng vòng kết nối bạn bè của Trung Quốc và cải thiện khả năng quản lý chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu của nước này.

Doug Christie, cựu giám đốc điều hành của công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp hàng đầu Cargill, cho biết Trung Quốc nên tăng sản lượng hạt có dầu trong nước thay cho các loại cây trồng khác để thực hiện cam kết lớn hơn về tự túc lương thực.

"Nhập khẩu hạt có dầu để làm thức ăn chăn nuôi trong nước là đặc điểm chính trong quá trình phát triển chế độ ăn uống của Trung Quốc, nhưng mô hình trồng trọt ở Trung Quốc đã không phản ánh điều này", Doug Christie cho biết trong một báo cáo do nhà xuất bản Hedder đưa ra vào cuối tháng 4 vừa qua.

Theo cựu giám đốc này, việc sắp xếp lại diện tích canh tác của Trung Quốc, tránh xa ngũ cốc và hướng tới hạt có dầu sẽ giúp điều chỉnh sự mất cân bằng. Sau đó, Trung Quốc có thể tìm cách tăng nhập khẩu ngũ cốc khi cần thiết để bù đắp bất kỳ sự sụt giảm diện tích trồng trọt nào trong nước. Điều này sẽ có thêm lợi ích là cho phép Trung Quốc tăng cường thương mại với các đối tác được ưu tiên về mặt chính trị (như lúa mì của Nga) trong khi giảm thiểu sự phụ thuộc vào đậu nành của Mỹ.