Khủng hoảng lương thực chưa từng có: Vai trò của Nga và Ukraine

Trần Bách
14:01 - 04/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra ngày 24 tháng Hai, ít người biết rằng hai nước Nga và Ukraine có vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực gồm lúa mì, ngô và dầu hướng dương cho toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Ai Cập, Liban, Bangladesh, Iran.

Khủng hoảng lương thực chưa từng có: Vai trò của Nga và Ukraine - Ảnh 1.

Nga và Ukraine là hai nước có vai trò quan trọng trong cung cấp lương thực cho nhiều nước đang phát triển. Ảnh: Thu hoạch trên một cánh đồng lúa mì. Nguồn: Sputnik

Cả hai nước đều xuất ròng nông sản (lúa mì, đại mạch, hạt hướng dương và dầu hướng dương) cũng như phân bón (phân đạm, lân và kali). Hai nước tập trung xuất khẩu nông phẩm đến một số ít các nước chậm phát triển và đang phát triển, làm cho thị trường dễ bị biến động trước cú sốc như xung đột.

1.

Sản lượng đại mạch, lúa mỳ và ngô của cả hai nước chiếm 19%, 14% và 4% sản lượng toàn thế giới trong những năm 2016-2021. Dầu hướng dương của hai nước còn có vai trò quan trọng hơn, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu. Cũng trong thời gian này, sản lượng hạt cải và đỗ tương cũng chiếm 6% và 2%.

Tính về khối lượng nông sản xuất khẩu, Nga đứng đầu thế giới về xuất lúa mì, năm 2021 xuất khoảng 32,9 triệu tấn lúa mì, chiếm 16% tổng số lúa mì xuất khẩu toàn thế giới; trong khi đó Ukraine đứng thứ sáu, xuất 20 triệu tấn, chiếm 10%.

Với mặt hàng dầu hướng dương, hai nước còn có tỷ lệ xuất cao hơn, chiếm gần 63%.

Nga và Ukraine là nhà cung cấp lương thực chính cho nhiều nước, trong đó có nhiều nước chậm phát triển hay những nước thu nhập thấp thiếu hụt lương thực. Eritrea là một thí dụ điển hình. Nước này nhập lúa mì hoàn toàn từ Nga (53%) và Ukraine (47%).

Thông thường các nước nhập khẩu lúa mì từ hai nước này là ở Bắc Phi, Tây và Trung Á. Tính chung hơn 30 nước phải nhập hơn 30% lúa mì từ Nga và Ukraine. Trong những nước này có Madagascar, Ai Cập, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Somalia, Gruzia, Azerbaijan, Mông-Cổ, Armenia phải nhập hơn 70% lúa mì từ Nga và Ukraine.

2.

Do vậy, gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột là nguyên nhân trực tiếp gây ra khủng hoảng lương thực hiện tại. 

Tuy nhiên, chúng ta còn phải đề cập đến giá cả lương thực tăng cao từ giữa năm 2020 cho đến nay. Trong năm 2021, giá lúa mì và đại mạch tăng 32% so với năm 2020 do cầu tăng và sản lượng giảm do biến đổi khí hậu. Giá lúa mì vào đầu tháng Ba cao nhất từ năm 2008. 

Tương tự như vậy, giá hạt cải và hạt hướng dương cũng tăng 65%và 63%. Giá ngô tháng Ba cao hơn tháng Hai 20%, ở mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này làm cuộc khủng hoảng lương thực càng tồi tệ hơn, đặc biệt đối với những nước thu nhập thấp phải dành phần lớn thu nhập vào việc mua lương thực.

3.

Nga và Ukraine lại là hai nước xuất khẩu phân bón, rất cần thiết cho sản xuất lúa mì, ngô, hạt cải và hướng dương. Giá phân bón trên thị trường quốc tế cũng tăng trong năm 2021. Giá urea tăng 2,5 lần trong năm 2021, trong khi giá lân cũng tăng. 

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vụ mùa hiện tại mà còn có thể có tác động đến những mùa sau.

Phát biểu gần đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi đưa Ukraine quay trở lại hội nhập với cộng đồng quốc tế, như một giải pháp cho thảm hoạ thiếu lương thực. 

Ông nói: "Không thể có giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu không đưa sản xuất lương thực của Ukraine và lương thực cũng như phân bón của Nga hội nhập với thị trường thế giới". 

Ông cũng đã tích cực làm việc với Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều đối tác khác về vấn đề này. 

Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế phải chung tay để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có ở nhiều nơi trên thế giới.