Xung đột Nga - Ukraine và tình trạng thiếu lương thực trên thế giới

Trần Bách
20:20 - 01/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 24 tháng Hai vừa qua là đúng một năm xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Cuộc xung đột và các cuộc tấn công vào ngành nông nghiệp ở Ukraine có tác động chưa từng có với thị trường nông sản, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhiều người dân trên thế giới.

Xung đột Nga - Ukraine và tình trạng thiếu lương thực trên thế giới - Ảnh 1.

Trong năm 2022, kinh tế Ukraine đã sụt giảm 30%, chủ yếu là do mất mát trong nông nghiệp.

Tàn phá ngành nông nghiệp: Cuộc xung đột đã tàn phá lực lượng lao động nông trại và cơ cấu hạ tầng nông nghiệp. Theo đánh giá của Bộ chính sách nông nghiệp và lương thực của Ukraine, cuộc xung đột đã phá huỷ hoàn toàn hay một phần 84.200 máy nông nghiệp, 4 triệu tấn lương thực đã bị mất, và kho chứa 9,4 triệu tấn nông phẩm bị thiệt hại hay bị phá hoại. Tổng giá trị thiệt hại cho ngành nông nghiệp Ukraine là 34,25 tỷ đô la. Đây mới là con số thống kê cho đến 15 tháng Chín năm 2022, chắc chắn thiệt hại cho đến nay còn lớn hơn nhiều.

Nhiều nông dân đã bỏ trang trại di tản trong nước và ngoài nước hay tham gia quân đội. Báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin mìn nổ làm chết nhiều dân thường, đặc biệt là nông dân.

Tác động đến kinh tế Ukraine: Ngành nông nghiệp bị tấn công, an ninh lương thực của Ukraine ngày càng xấu đi, tác động tiêu cực đến kinh tế. Trước xung đột, nông nghiệp chiếm khoảng 20% GDP và có giá trị xuất khẩu bằng 41% tổng giá trị xuất khẩu tương đương với 28 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Trong năm 2022, kinh tế Ukraine đã sụt giảm 30%, chủ yếu là do mất mát trong nông nghiệp.

Từ tháng tám đến nay, với đường biển được mở lại theo Sáng kiến Biển Đen. Ukraine đã xuất khẩu được 22 triệu tấn ngũ cốc. Tuy nhiên, khối lượng ngũ cốc xuất khẩu này chưa bằng mức xuất khẩu trước xung đột. Ukraine đã cố gắng mở thêm đường bộ và đường sắt. Do năng suất giảm và khả năng xuất kém đi, xuất khẩu lúa mì của Ukraine trong năm 2022 chỉ bằng  63% năm 2021.

Tác động đến an ninh lương thực toàn cầu: Tính chung, Nga và Ukraine chiếm 33% khối lượng lúa mì, 17% khối lượng ngô và 75% khối lượng dầu hướng dương được mua bán toàn cầu. Chính vì thế khi cuộc xung đột nổ ra, giá lương thực đã tăng liên tục trong tháng Hai và tháng Ba năm 2022. Cho đến nay, giá lương thực thế giới tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2021.

Thiếu hụt lương thực và giá lương thực cao đã tác động đến 349 triệu người ở 79 nước. Số người bị thiếu an ninh lương thực này cao hơn số trước Covid là 200 triệu. Những nước bị tác động nhất là nước có thu nhập thấp và trung bình, nước nhập khẩu lương thực, đặc biệt là nhiều nước ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Tình trạng thiếu hụt lương thực do xung đột Nga-Ukraine gây ra tác động đến bữa ăn của nhiều gia đình và việc cung cấp lương thực của các tổ chức quốc tế. Giá cả tăng, nhiều gia đình phải chuyển ăn ít đi. Ở châu Phi, lương thực giầu chất dinh dưỡng đắt hơn nhiều so với năm 2021. Ở châu Á-Thái Bình Dương, trong năm vừa qua, giá lương thực giầu chất dinh dưỡng tăng từ 20-36%. Một nghiên cứu ở Ai Cập cho thấy giá lương thực đã tăng 30%. Do vậy, 85% số hộ nghèo tiêu thụ ít thịt hơn và 75% trong số này ăn ít thịt gia cầm và trứng hơn trong khi đó tiêu thụ khoai tây và mì sợi tăng 21 và 14%.

Giá cả tăng làm giá phải trả để cung cấp viện trợ nhân đạo tăng theo. Chương trình Lương thực thế giới tính rằng chi phí hoạt động của chương trình cao hơn chi phí năm 2019 là 74 triệu đô la, tăng 44%. Một điều nữa chúng ta ít chú ý đến là cuộc xung đột đã thu hút sự chú ý của nhiều nước, làm các nước này không còn chú ý đến tình trạng thiếu lương thực.

Chiến sự có lẽ còn kéo dài, tình trạng thiếu lương thực sẽ vẫn tiếp tục. Thế giới cần chung tay ổn định thị trường nông phẩm, cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cho hàng trăm triệu người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hoà bình phải quay trở lại Ukraine và thế giới ủng hộ Ukraine xây dựng lại đất nước, đặc biệt là khôi phục lại ngành nông nghiệp.