Triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" và trao tặng kỷ vật thời chiến

PV
11:49 - 22/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 22/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" và trao tặng kỷ vật thời chiến. Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu và hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

"Chiến tranh" - hai từ khi nhắc đến gợi cho chúng ta bao hình dung về sự tàn khốc, ác liệt và chia ly. Nhưng trong cái đau thương nhất thì những điều bình dị vẫn hiện lên đầy cao quý, đó chính là tình yêu: Tình yêu Tổ quốc, tình yêu đôi lứa.

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng ngày 22/7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ "Trái tim người lính", Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề "Tình yêu qua chiến tranh".

Triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" nằm trong chuỗi các hoạt động nghệ thuật ý nghĩa tri ân các Anh hùng liệt sĩ, người có công với Cách mạng – những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Mở đầu sự kiện là triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh", giới thiệu 12 câu chuyện tình yêu thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký thời chiến.

Triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" và trao tặng kỷ vật thời chiến - Ảnh 1.

Ảnh nữ chiến sĩ Vũ Thị Lui, năm 1968. Ảnh bà Lui tặng người yêu trước khi lên đường đi chiến trường. Phía sau ảnh có ghi chú - Mùa hoa bưởi. Ảnh Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" và trao tặng kỷ vật thời chiến - Ảnh 2.

Tình yêu trọn nghĩa tình giữa bom đạn, xa cách của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn.

Ảnh Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; Đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh.

Tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn; Câu chuyện nghĩa vợ tình chồng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam, hay câu chuyện tình yêu của nữ chiến sĩ Vũ Thị Lui và liệt sĩ Trần Minh Tiến; Mối tình đẹp của cô y tá Trần Thị Kính và chiến sĩ Nguyễn Văn Đạo với lá thư đến muộn sau 31 năm vẫn còn nhiều day dứt…

Đặc biệt, tình yêu trọn nghĩa tình giữa bom đạn, xa cách đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều động lực trong công tác và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó là bài hát "Lời người ra đi".

Tại sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng tiếp nhận 4 bộ sưu tập thư thời chiến, sổ thơ, kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa. Đây là tình cảm, sự trân trọng của công chúng dành cho những tâm huyết và nỗ lực thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy các giá trị tư liệu lịch sử tới thế hệ mai sau của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong thời quan qua.

Trong khuôn khổ sự kiện là hoạt động giao lưu trực tiếp với nhân vật trong triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh" và đại diện đến từ Đội nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là Thương binh, thân nhân Liệt sĩ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, là thành viên của Câu lạc bộ "Trái tim Người lính".

Nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ khoảng hơn 500m, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tọa lạc trên phố Lý Thường Kiệt – con phố đẹp, cổ kính bậc nhất Hà Nội. Đến với Bảo tàng, khách tham quan được tìm hiểu về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử và văn hóa của đất nước qua những nội dung trưng bày khoa học, đẹp mắt và ấn tượng.

Những câu chuyện về phụ nữ ở khắp mọi miền rất đỗi bình dị, nhưng lại sâu sắc, ẩn chứa tình yêu, sự hi sinh và những đóng góp thầm lặng, tạo nên khí chất, vẻ đẹp và tầm quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nơi đây sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu những giá trị, di sản và vẻ đẹp ấy đến với công chúng trong và ngoài nước, để mỗi chúng ta thêm tự hào, yêu thương và trân trọng họ.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị