Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn": Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội

Việt Hoàng
11:27 - 08/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ ngày 7/10 - 16/10/2022 tại Nhà hát múa rối Thăng Long, 57B, Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn ra triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn” của các họa sĩ trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội.

Với ý nghĩa đặc biệt chào mừng ngày lễ lớn 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đại hội Hiệp Hội UNESCO Thành phố Hà Nội... "Hà Nội - Những góc nhìn" trưng bày 68 tác phẩm nghệ thuật của 24 họa sĩ. Các tác phẩm được thể hiện và sáng tác bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy gió, acrylic, gỗ, gốm, đất nung...

Hầu hết các họa sĩ có tác phẩm trưng bày đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, và Hội viên các Hội Mỹ thuật thuộc nhiều tỉnh thành, nên các tác phẩm nhìn chung đều có tính chuyên nghiệp.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 1.

Một góc trưng bày trong triển lãm. Ảnh:VH

Theo tiến sĩ, họa sĩ Phan Thị Thanh Mai giám đốc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội, "Hà Nội - Những góc nhìn" là từ Hà Nội các nghệ sĩ hướng góc nhìn ra mọi miền tổ quốc, lấy thiên nhiên, cuộc sống con người làm cảm hứng sáng tác. Từ gợi mở đó, các họa sĩ đã có những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế nhiều nơi trên đất nước. Kết quả là 68 tác phẩm trong triển lãm lần này như 68 bông hoa nghệ thuật mang màu sắc nhiều vùng miền tụ hội tại Thủ đô để chào mừng ngày lễ lớn.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 2.

Tiến sĩ, họa sĩ Phan Thị Thanh Mai - giám đốc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội phát biểu trước giờ khai mạc. Ảnh:VH

Việc đi và vẽ thực tế là cách giúp các họa sĩ có thêm vốn sống, trải nghiệm văn hóa nhiều nơi trên đất nước để lấy đó làm cơ sở sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hồn dân tộc Việt Nam. Đây cũng là tiêu chí được Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội hướng đến.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 3.

Các họa sĩ cùng đại diện Hiệp Hội UNESCO thành phố Hà Nội cắt băng khai mạng sự kiện. Ảnh:VH

Sự đa dạng và phong phú về đề tài, bút pháp, màu sắc và hiệu quả về thị giác của các tác phẩm thể hiện quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc của các họa sĩ. Cuộc sống, con người, thiên nhiên, đất nước được phản ánh sinh động đầy màu sắc.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 4.

Sự đa dạng và phong phú về đề tài, bút pháp, màu sắc là điều dễ nhận thấy ở hầu hết các tác phẩm trong triển lãm. Ảnh: VH

Phần lớn các tác phẩm trong triển lãm vẽ phong cảnh và tĩnh vật, người xem có thể bắt gặp một góc phố Hà Nội quen thuộc hay một khung cảnh miền núi với hoa mơ, hoa mận bừng nở… Cùng là góc nhìn cảnh sắc thiên nhiên nhưng có tác giả thể hiện bằng ngôn ngữ trừu tượng, để diễn tả lại không khí, không gian và cảm xúc của mình khi đứng trước thiên nhiên. Có tác giả lại thể hiện bằng cách vẽ hiện thực, với cảnh sắc và không gian đầy ánh sáng.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 5.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của khá đông các họa sĩ trong giới và công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh: VH

Họa sĩ Trần Ngọc Ánh tham gia triển lãm với bộ 3 tranh sơn mài tĩnh vật hoa. Các sáng tác được chị lấy cảm hứng từ tình yêu thiên nhiên. Họa sĩ cho biết, với nhiều người mùa hè của Hà Nội là sự oi ả, nhưng chị lại rất yêu nắng của mùa hè. Chị trồng nhiều cây xung quanh nhà, và nhận thấy cây và hoa rạng rỡ hơn dưới ánh nắng.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 6.

Tác phẩm "Tĩnh vật hoa" của họa sĩ Trần Ngọc Ánh.

 Từ góc nhìn ấy, họa sĩ đã thể hiện trong tranh của mình rất ấn tượng với những vệt sáng hắt lên đọng lại trên cánh hoa. Chất liệu sơn mài truyền thống được họa sĩ thể nghiệm khá mới mẻ, đôi chỗ tác giả diễn tả khối bằng vệt màu nhỏ, đan xen vào nhau tạo hiệu ứng tầng lớp phá đi những mảng bẹt thường thấy trong sơn mài truyền thống. Điểm nhấn ánh sáng, cũng đạt hiệu quả dẫn dắt mắt người xem tạo nên sự thú vị khi thưởng lãm.     

Họa sĩ Nguyễn Bích Hồng tham gia triển lãm với những tác phẩm vẽ về Hà Nội. Dù không sinh ra ở đây nhưng chị sống và gắn bó với mảnh đất này, Hà Nội là nơi nuôi dưỡng những ý tưởng, tạo cảm hứng trong rất nhiều sáng tác của họa sĩ. Hơn 20 năm cầm cọ vẽ, tham gia rất nhiều triển lãm, tuy vậy Hà Nội vẫn luôn gợi cho chị những góc nhìn tươi mới.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 7.

Tác phẩm "Phố Châu Long một ngày thu" của họa sĩ Nguyễn Bích Hồng.

Tác giả cho biết khi vẽ yếu tố cảm xúc được chị chú trọng hàng đầu. Họa sĩ không "đóng khung" bút pháp và màu sắc của mình khi sáng tác. Đứng trước thiên nhiên, cảnh vật tạo cho chị cảm hứng, họa sĩ sẽ sử dụng màu sắc, dịu dàng hay rực rỡ là do những cảm xúc tại thời điểm đó mang lại. Yếu tố tạo hình cũng được chị khai thác theo cảm xúc, nên có tác phẩm tác giả vẽ theo lối hiện thực, có tác phẩm chị lại dùng ngôn ngữ trừu tượng.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 8.

Tác phẩm "Mùa Hoàng Yến" của họa sĩ Nguyễn Bích Hồng.

Tác phẩm "Phố Châu Long một ngày thu" họa sĩ diễn tả mảng miếng, hình khối và ánh sáng theo cách vẽ gần với hiện thực. Chị thể hiện một góc phố quen thuộc, với tông màu vàng dịu tình cảm. Ở tác phẩm "Mùa Hoàng Yến" họa sĩ chọn ngôn ngữ trừu tượng và màu sắc rực rỡ để diễn tả một không gian của hoa bao gồm sắc vàng và cả hương thơm lan tỏa khi từng cơn gió thoảng qua.   

Họa sĩ Hoàng Trung Dũng chia sẻ, triển lãm là sự kiện chào mừng ngày giải phóng Thủ Đô. Trung tâm có gợi mở đến các thành viên, các hoạ sỹ trưng bày những tác phẩm của mình như những bông hoa đẹp chào mừng ngày lễ đặc biệt. Tác giả tham gia bộ 3 tác phẩm, mong muốn của họa sĩ là góp thêm những bông hoa đẹp gửi đến người yêu mến hội họa.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 9.

Tác phẩm "Hoa chuối" của họa sĩ Hoàng Trung Dũng.

Hoa chuối của núi rừng Tây Bắc là đề tài họa sĩ đã theo đuổi từ những năm 1993, khi anh còn là sinh viên mỹ thuật. Anh bị thu hút bởi vẻ đẹp độc đáo của loài hoa này, nên hình ảnh hoa chuối xuất hiện trong rất nhiều tranh tĩnh vật của anh. Họa sĩ cho biết, với anh hoa chuối là câu chuyện trải dài trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Họa sĩ Phạm Hoài, một trong những thành viên trẻ tuổi nhất tham gia triển lãm. Chị chia sẻ khi treo tranh cạnh những họa sĩ đã thành danh chị cũng có một chút áp lực. Tuy vậy sự kiện cũng là cơ hội để chị học hỏi thêm từ những nghệ sĩ đi trước.

Triển lãm "Hà Nội - Những góc nhìn" - Cảnh sắc thiên nhiên mọi miền đất nước từ góc nhìn Hà Nội  - Ảnh 10.

Tác phẩm "Sen Hồ Tây" của họa sĩ Phạm Hoài.

Họa sĩ tham gia triển lãm với 2 tác phẩm, cảm hứng sáng tác của tác giả là những góc nhìn gợi lên suy tư về quá khứ và hiện tại. Chị ấn tượng với mùa sen Hồ Tây, trong quá trình vẽ hoa chị có những liên tưởng về Hà Nội xưa. Họa sĩ chia sẻ chị nhận thấy cái đẹp đôi khi không đạt được bằng cách ta theo đuổi, tìm kiếm mà chính là khi ta biết dừng đúng chỗ.

Đến với triển lãm, người xem được thưởng ngoạn nhiều cung bậc cảm xúc qua nhiều góc nhìn khác nhau của các họa sĩ. Sự đa dạng về phong cách sáng tác, thể hiện quan điểm, tình cảm riêng của từng tác giả. Nhưng tất cả các tác phẩm đều toát lên sự đam mê sáng tạo và tình cảm với cảnh sắc thiên nhiên đất nước. 

Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội là đơn vị trực thuộc Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội. Các triển lãm nằm trong kế hoạch thường niên, "Hà Nội - Những góc nhìn" là triển lãm lần thứ 8 được Trung tâm tổ chức. Trung tâm UNESCO Mỹ thuật hoạt động với tiêu chí: Đưa nghệ thuật tranh, tượng đẹp, có chất lượng nghệ thuật... giới thiệu và phổ cập đến với công chúng và những người yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Một số hình ảnh trong triển lãm. Ảnh: VH