Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại

Việt Hoàng
11:26 - 18/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Lê Thanh Bình, “Ký ức xuyên không” là tên gọi cũng là chủ đề xuyên suốt của triển lãm. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện gửi gắm những thông điệp khác nhau mang đậm tính cá nhân của tác giả.

Chuyến du hành trở về chính mình

Họa sĩ muốn gửi tới công chúng tấm vé cho một chuyến du hành xuyên thời gian trở về chính mình, trở về những khoảnh khắc mà đã vô tình bị đóng băng do cuộc sống hiện đại quá gấp gáp.

Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại   - Ảnh 1.

Ký ức là những hình ảnh có khi mơ hồ, có khi lại hiên lên rõ nét trong cảm nhận của mỗi người. Ảnh: T.B

"Giai điệu ký ức" là một tác phẩm khá tiêu biểu cho phong cách của tác giả. Lê Thanh Bình lấy cảm hứng từ hình ảnh con gái mình đang ngồi chơi đàn piano, anh suy tưởng tới những hình ảnh trong ký ức của chính mình. Bức tranh là sự hòa trộn của nhiều cảm xúc, có gì đó như rụt rè, tò mò lại vừa như muốn kết nối, chia sẻ. Tất cả đan xen với nhau trong mối liên kết vật lý mà ta khó có thể thấy được trong thực tế cuộc sống.

Họa sĩ cho biết: "Với quan điểm riêng của mình thì mọi vật trên đời đều có cảm xúc và liên hệ mật thiết với nhau. Chỉ là chúng ta có đủ nhẫn nại, đủ tĩnh lặng để cảm nhận hay không. Đó là sự kết hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi tư duy của con người đủ lắng đọng trong hiện tại, ta sẽ thấy hiện tại bao trùm cả quá khứ và tương lai. Lúc đó những kết nối tưởng như phi logic lại trở nên hiện hữu, hợp lý".

Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại   - Ảnh 2.

Những hình ảnh gợi lại ký ức tuổi thơ của nhiều người trong tranh của Lê Thanh Bình.

Tác phẩm "Níu giữ" gợi cho người xem một bầu trời thơ ấu, với những chú cá đuôi cờ, chuồn chuồn, dế mèn hay cánh diều… khán giả, nhất là những người thuộc thế hệ 8x trở về trước, sẽ thấy cảm xúc quen thuộc khi một phần tuổi thơ của mình như ùa về. Họa sĩ chia sẻ "hình ảnh anh tâm đắc nhất ở tác phẩm này là con chuồn chuồn kim gợi lên chiếc quang gánh đang gồng mình để níu giữ những ký ức tuổi thơ, níu giữ quá khứ…".

Nếu có thể tóm gọn tinh thần của các tác phẩm bằng một câu thì đó là "một chuyến du ngoạn, đi để trở về".

Hãy bước vào tác phẩm bằng cảm xúc

Tác giả dùng cách vẽ mang màu sắc của hội họa siêu thực, đa số những sáng tác thuộc thể loại trừu tượng về ý. Ngôn ngữ của siêu thực phù hợp để diễn tả chiều sâu nội tâm, thế giới bên trong của mỗi họa sĩ... Nó giải quyết được những chiều không gian khác, về suy tưởng, về giấc mơ, hay quá khứ, hiện tại.

Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại   - Ảnh 3.

Ký ức vẫn luôn hiện diện và nó là sợi dây gắn kết ta lại với phiên bản khác của chính mình.

Chính yếu tố trừu tượng của tác phẩm, dù là về hình hay về ý, sẽ tạo cho người xem những câu hỏi tựa như, họa sĩ vẽ gì? Bức tranh diễn đạt điều gì… Thực ra các loại hình hội họa đều có đặc điểm chung, đó là khi xem tranh chính là lúc khán giả đang bước vào một thế giới của những tư tưởng, cảm xúc… mang dấu ấn riêng của tác giả.

Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại   - Ảnh 4.

"Có kí ức đẹp đẽ đầy tiếng cười, lại có kí ức chứa nhiều buồn đau. Chừng đó thôi đủ để ta vừa muốn kiếm tìm kí ức vừa muốn quên đi chúng".

Người xem nên gạt bớt những câu hỏi trong đầu và hãy cảm nhận, đó là cách phù hợp nhất để thưởng ngoạn tranh. Nếu vẫn muốn tìm một sự giải thích, hay cắt nghĩa cụ thể thì tên các tác phẩm là những gợi ý sát nhất.

Có thể cảm xúc của bạn khi thưởng ngoạn trùng hoặc không trùng với ý tưởng của họa sĩ. Điều đó không quan trọng, thậm chí mỗi người đứng trước tác phẩm lại cảm nhận một cách riêng. Hãy để tiếng nói của cảm xúc dẫn dắt bạn đi…

Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại   - Ảnh 5.

Thường ngoạn tác phẩm là người xem đang bước vào thế giới riêng của họa sĩ.

Khi được hỏi, họa sĩ có sợ tác phẩm của mình "gây khó" cho người thưởng ngoạn không? Tác giả cho biết, tác phẩm là sự tương tác hai chiều, giữa họa sĩ và người xem. Anh muốn chia sẻ cách nhìn thế giới của mình với công chúng một cách cởi mở nhất. Nhưng cần tôn trọng những cảm nhận riêng của người xem, theo anh đó là yếu tố quyết định tác phẩm thành công hay không.

Triển lãm “Ký ức xuyên không”: Đồng hiện quá khứ, tương lai và hiện tại   - Ảnh 6.

"Một hình ảnh, một thanh âm, một vệt màu cũng đủ để mang kí ức quay trở lại".

Sinh năm 1979, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật Trường Đại học sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm qua, Lê Thanh Bình lặng lẽ, duy trì tình yêu hội họa, thời gian gần đây anh mới dành toàn bộ thời gian cho sáng tác chuyên nghiệp. Trong 4 năm (từ 2018-2022) anh đã tham gia 9 triển lãm chuyên đề hội họa trong và ngoài nước, đều là các triển lãm nhóm.

Triển lãm mỹ thuật "Ký ức xuyên không" của họa sĩ Lê Thanh Bình trưng bày 20 tác phẩm lớn nhỏ bằng chất liệu sơn dầu vẽ trên vải, sự kiện diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 18/10 đến 24/10/2022.