Tranh cãi trái chiều vụ việc học sinh đọc sách có cảnh "giường chiếu"

Ly Hương
10:53 - 04/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Việc cho học sinh đọc truyện có yếu tố đồi truỵ hoàn toàn khác với việc giáo dục giới tính. Nhiều ý kiến cho rằng không thể nhân danh văn chương để đề cao một lối sống tự do của học sinh trong thời hiện đại.

Không nên đánh đồng việc đọc sách "ngoài luồng" với công tác giáo dục giới tính trong trường học

Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 3/5/2024 đưa tin, giáo viên Trường quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC) phát sách tả cảnh "giường chiếu" cho học sinh nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Theo đó, một vị phụ huynh của trường này cho biết, trước ngày lễ, cô giáo đã phát cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" cho học sinh để về nhà đọc. Đồng hành cùng con trong việc đọc sách, vị phụ huynh bàng hoàng khi thấy nhiều trang sách miêu tả chuyện "giường chiếu" với ngôn từ tục tĩu, đồi truỵ.

Ngày 3/5, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cơ quan này đã yêu cầu ISHCMC nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên (tùy theo mức độ vụ việc) vì đã không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của trường dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm.

Đồng thời, sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố rà soát, thận trọng trong các hoạt động giáo dục có sử dụng tài liệu, sách không phải sách giáo khoa trong nhà trường.

Tranh cãi trái chiều vụ việc học sinh đọc sách có cảnh "giường chiếu"- Ảnh 2.

Cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vương từng được giới thiệu rộng rãi tới bạn đọc.

Cẩn trọng trong lựa chọn sách tham khảo cho học sinh

Việc lựa chọn tài liệu tham khảo phải tuân theo hướng dẫn của thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Liên quan đến vụ việc giáo viên ISHCMC phát sách tả cảnh "giường chiếu" cho học sinh, trên một số diễn đàn đã xảy ra tranh cãi gay gắt trái chiều.

Một luồng ý kiến cho rằng, những nội dung được viết trong sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vương là bình thường và học sinh phổ thông ngày nay đã tiếp cận được nhiều hơn thế.

Họ viện dẫn một số tác phẩm nổi tiếng như: "Trăm năm cô đơn" (Gabriel Garcia Marquez), "Báu vật của đời", "Đàn hương hình" (Mạc Ngôn), "Ăn mày dĩ vãng", "Phố" (Chu Lai),… đều có cảnh "nóng" như thế.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác nêu quan điểm, một số trang sách trong "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" có ngôn từ tục tĩu, đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm,… không phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học phổ thông.

Đọc lại một số trang sách trong "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" được vị phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải trên mạng xã hội Facebook (và đã được xác minh là đúng), một giáo viên bậc trung học phổ thông có đôi điều bàn thêm xung quanh câu chuyện này.

Cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vuong. Bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2021, đạt giải Sách hay 2022 ở hạng mục sách Văn học.

Tuy vậy, cách hành văn của bản dịch này ở mức trung bình, đại chúng, tác giả chủ yếu dịch sát nghĩa theo ngữ pháp, ngữ nghĩa của tiếng Anh. Một số chỗ đọc còn trúc trắc, việc chuyển ngữ từ tiếng Anh (Mỹ) sang tiếng Việt thiếu mượt mà, thiếu tinh tế, kể cả sử dụng ngôn ngữ tục tĩu – mà lẽ ra nên sử dụng uyển ngữ.

Ví dụ: Câu văn "Cậu thở dốc trên đầu" là một cách chuyển ngữ thiếu tinh tế, bởi vì người Việt thường nói mệt "bở hơi tai". Hay câu văn: "Bởi Trevol là Trevol, một cậu con trai lớn lên dưới ảnh hưởng và cơ bắp của nam tính Mỹ, nên con lo sợ điều gì sắp đến" thiếu uyển chuyển.

Thậm chí từ "đ…" (phương ngữ, thông tục), động từ chỉ sự quan hệ tình dục, trong một trang sách được viết một cách trần trụi không kiêng dè. (Và cảm giác trơ ì của da cậu, dính nhớp trên da con, khiến việc này dường như không còn chỉ là đ..., mà là bấu víu)

Cùng với đó, nội dung trong một số trang sách của cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" hoàn toàn không phải là câu chuyện giáo dục giới tính. Việc giáo dục giới tính ở các nhà trường phổ thông cần phải được thầy cô giáo, chuyên gia thực hiện một cách bài bản, khoa học theo giáo pháp cụ thể.

Nếu cho rằng, "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" cũng có chuyện tình dục giống như "Trăm năm cô đơn" (Gabriel Garcia Marquez), "Báu vật của đời", (Mạc Ngôn),… là phiến diện, nguỵ biện, là cổ xuý cho việc giáo dục giới tính lệch lạc ở các nhà trường phổ thông.

Cần biết thêm, tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mạc Ngôn có tên "Phong nhũ phì đồn" tức là "mông to ngực nở" nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt thì người dịch đã phải đổi tựa thành "Báu vật của đời" cho nhã hơn.

Thời hiện đại, khi miêu tả về tình dục, nhiều nhà văn sử dụng những câu văn ý nhị để nói chuyện phòng the như "mây mưa", "gió bão", "tra gươm vào vỏ",… chứ không phải viết tục tĩu theo kiểu con người bản năng.

Như thế, việc cho học sinh đọc truyện có yếu tố đồi truỵ hoàn toàn khác với việc giáo dục giới tính. Lại càng không thể nhân danh văn chương để đề cao một lối sống tự do của học sinh trong thời hiện đại.