Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: Tháng 7/2023 có thể sẽ "phá vỡ mọi kỷ lục" về khí hậu

Minh Châu
16:13 - 28/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà khoa học khí hậu hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết tháng 7/2023 sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Trái đất đã chuyển từ "giai đoạn ấm lên" sang "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu".

Nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trên toàn thế giới vào năm 2023

Theo UN News, ngày 27/7, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: Khi các đám cháy rừng hoành hành khắp Nam Âu và Bắc Phi, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu của Liên Hợp Quốc ngày 27/7 cho biết "hầu như chắc chắn" rằng tháng 7/2023 sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.

Nhắc lại lời cảnh báo đó ở New York, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói rằng tháng 7/2023 có thể sẽ "phá vỡ mọi kỷ lục".

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc bày tỏ: "Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu". Đồng thời cảnh báo rằng hậu quả bi thảm và rõ ràng của biến đổi khí hậu: "trẻ em bị cuốn đi bởi mưa lũ, các gia đình bị mất nhà cửa trong các đám cháy và công nhân gục ngã trong cái nóng thiêu đốt".

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Tháng 7/2023 có thể sẽ "phá vỡ mọi kỷ lục" về khí hậu - Ảnh 1.

Tháng 7/2023 - tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Ảnh: news.un.org

Điều đáng chú ý và chưa từng có

Tại Geneva, các nhà khoa học từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Ủy ban Châu Âu đã mô tả các điều kiện trong tháng 7 là "khá đáng chú ý và chưa từng có".

Theo các nhà khoa học, dữ liệu mới cập nhật cho thấy tính đến nay, tháng 7 đã chứng kiến khoảng thời gian 3 tuần nóng nhất từng được ghi nhận và 3 ngày nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.

"Chúng tôi có thể nói rằng 3 tuần đầu tiên của tháng 7 là khoảng thời gian 3 tuần ấm nhất từng được ghi nhận trong hồ sơ dữ liệu của chúng tôi", Carlo Buentempo - Giám đốc Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus, cho biết.

"Sự bất thường này quá lớn so với các tháng phá kỷ lục khác trong hồ sơ của chúng tôi. Do đó, chúng tôi gần như chắc chắn rằng tháng 7 sẽ trở thành tháng nóng nhất được ghi nhận".

Nhiệt độ đại dương đạt kỷ lục

Điều đáng lo ngại là thực tế nhiệt độ đại dương đang ở mức cao nhất từng được ghi nhận vào thời điểm này trong năm. Xu hướng này đã rõ ràng kể từ cuối tháng 4/2023.

Giám đốc Dịch vụ Khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới - ông Chris Hewitt lưu ý rằng từ năm 2015 đến 2022, nhân loại đã chứng kiến 8 năm nóng nhất được ghi nhận, dựa trên bộ dữ liệu 173 năm.

Ông Chris Hewitt giải thích, điều này bất chấp thực tế là hiện tượng La Nina làm mát nước biển phổ biến vào cuối thời kỳ đó ở khu vực Thái Bình Dương, khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm nhẹ. "Nhưng hiện tại hiện tượng La Nina đã kết thúc" và được thay thế bằng hiện tượng El Nino làm nước biển ấm lên - nước biển đã bắt đầu nóng lên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, mang lại "khả năng gần như chắc chắn rằng một trong 5 năm tới sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận".

Nhà khoa học của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết thêm "có nhiều khả năng" là nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tạm thời vượt ngưỡng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp "trong ít nhất một trong 5 năm tới".

"El Nino" là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

"La Nina" là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.

Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.

Hiện tượng El Nino và La Nina thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển - đại dương với quy mô thời gian giữa các năm, có tính chu kỳ hoặc chuẩn chu kỳ.

bien doi khi hau 28.7 2.jpg

4 năm hạn hán liên tiếp đã khiến các gia đình ở miền nam Madagascar tuyệt vọng và không thể tự nuôi sống bản thân. Ảnh: news.un.org

"Kỷ nguyên sôi sục toàn cầu"

Phát biểu tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của hành động toàn cầu về khí thải, thích ứng khí hậu và tài chính khí hậu.

Ông António Guterres cho biết: Mặc dù biến đổi khí hậu là hiển nhiên, nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất. "Nhưng để làm được như vậy, chúng ta phải biến một năm nóng bỏng thành một năm cháy bỏng tham vọng".

Hành động khí hậu ngay bây giờ

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết các nhà lãnh đạo "phải đẩy mạnh hành động vì khí hậu và công bằng khí hậu", đặc biệt là các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia công nghiệp hàng đầu G20 chịu trách nhiệm cho 80% lượng khí thải toàn cầu.

Ông António Guterres chỉ ra các hội nghị thượng đỉnh sắp tới, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 9 và hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai vào tháng 11 là những cơ hội quan trọng.

Ông António Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của các thành viên G20 đối với các mục tiêu phát thải quốc gia mới và kêu gọi tất cả các quốc gia nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Tháng 7/2023 có thể sẽ "phá vỡ mọi kỷ lục" về khí hậu - Ảnh 5.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ảnh: minurso.unmissions.org

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết tất cả các bên phải đoàn kết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và hợp lý từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đồng thời ngăn chặn việc mở rộng khai thác dầu khí và loại bỏ dần than đá vào năm 2040.

Hành động từ các công ty, thành phố, khu vực, tổ chức tài chính và các công ty nhiên liệu hóa thạch cũng rất quan trọng.

Đầu tư thích ứng

Với thời tiết khắc nghiệt "đang trở thành bình thường mới", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi "đầu tư thích ứng tăng mạnh trên toàn cầu" để cứu hàng triệu người khỏi tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Ông António Guterres cho biết các nước phát triển phải đưa ra một lộ trình rõ ràng và đáng tin cậy để tăng gấp đôi nguồn tài chính thích ứng vào năm 2025. Ngoài ra, tất cả các chính phủ nên thực hiện kế hoạch hành động của Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo mọi người trên hành tinh được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm.

bien doi khi hau 28.7 3.jpg

Nhiệt độ đã đạt mức cao kỷ lục trên toàn thế giới vào năm 2023. Ảnh: news.un.org

Tôn trọng cam kết

Về tài chính, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước giàu thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD hàng năm để hỗ trợ khí hậu ở các nước đang phát triển và bổ sung đầy đủ cho Quỹ Khí hậu Xanh.

Ông António Guterres nói: "Tôi lo ngại rằng chỉ có hai quốc gia G7 – Canada và Đức thực hiện các cam kết bổ sung cho đến nay. Các quốc gia cũng phải vận hành quỹ tổn thất và thiệt hại tại COP28 năm nay. Không còn sự chậm trễ hay bào chữa nào nữa."

Ông António Guterres cũng nhắc lại sự cần thiết phải "điều chỉnh hướng đi trong hệ thống tài chính toàn cầu" để hỗ trợ hành động khí hậu nhanh chóng.

Các biện pháp sẽ bao gồm định giá carbon và yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương tăng quy mô tài trợ cho năng lượng tái tạo, thích ứng cũng như tổn thất và thiệt hại.