Biến đổi khí hậu – mối đe dọa lớn nhất trong thời đại ngày nay

12:44 - 25/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Biến đổi khí hậu thúc đẩy những đợt nắng nóng cực đoan. Đây là mối đe dọa cấp bách đối với đời sống của toàn thể nhân loại. Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người

Theo một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), trái đất đang nóng hơn so với 125.000 năm trước. Báo cáo này cho biết gần một nửa nhân loại đang sống trong vùng nguy hiểm bởi biến đổi khí hậu gây ra.

Biến đổi khí hậu – mối đe dọa lớn nhất trong thời đại ngày nay - Ảnh 1.

Nền nhiệt trái đất tăng cao đã và đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người. Ảnh: Alarmy

Biến đổi khí hậu phản ánh sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ. Một trong những nội dung chính mà báo cáo tổng hợp về biến đổi khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đặc biệt đề cập là mối đe dọa tiềm tàng của nền nhiệt tăng cao. Theo đó, mối nguy này đã và đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tới năm 2030, biến đổi khí hậu có thể đe dọa sức khỏe trên toàn cầu. Trong đó, dự đoán biến đổi khí hậu sẽ gây tử vong cho 38.000 người cao tuổi do nhiệt, khoảng 48.000 ca tử vong do tiêu chảy ở trẻ em và gần 336 triệu người có nguy cơ mắc sốt rét.

Các chuyên gia y tế cho rằng, những đợt nắng nóng "quái vật" là nguyên nhân gây ra các căn bệnh như: bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư da và các căn bệnh về mắt như đục thủy tinh thể...

Ủy ban Kiểm toán Môi trường Anh cũng dự báo nắng nóng ở Anh có thể khiến số người chết sớm sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050, nếu chính phủ nước này không nhanh chóng hành động.

Biến đổi khí hậu gây tổn thất lớn cho nền kinh tế

Biến đổi khí hậu – mối đe dọa lớn nhất trong thời đại ngày nay - Ảnh 3.

Những tổn thất kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu cùng với các chi phí khắc phục thiệt hại làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: The Lancet

Theo một kết quả nghiên cứu của Liên Hợp Quốc năm 2017, nhiệt độ trái đất ngày càng tăng có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh) công bố số liệu cho thấy, các nền kinh tế đang phát triển có thể bị thiệt hại tới 1.700 tỷ USD/năm vào năm 2050 do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong một nghiên cứu mới công bố, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cambridge cảnh báo các đợt nắng nóng cực đoan đang làm gia tăng gánh nặng đối với nhiều ngành kinh tế của Ấn Độ. Điều này tạo ra thách thức cho quốc gia này trong công cuộc nỗ lực duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hậu đại dịch COVID-19.

Cụ thể, nắng nóng khắc nghiệt có thể làm giảm 15% năng suất làm việc ngoài trời của nông dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của 480 triệu người và gây thiệt hại 2,8% tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ vào năm 2050.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% tổng sản phẩm nội địa). Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất do quá trình biến đổi khí hậu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu – chung tay hành động trước khi quá muộn

Biến đổi khí hậu – mối đe dọa lớn nhất trong thời đại ngày nay - Ảnh 4.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi sự chung tay vào cuộc của tất cả mọi người để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Ảnh: antonioguterres

Trước những thách thức mà biến đổi khí hậu gây ra, trong một bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi sự chung tay vào cuộc của tất cả mọi người. Ông khuyên tất cả mọi người cần phải hành động từ hôm nay để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Nhiệm vụ đầu tiên mà con người cần phải thực hiện là cắt giảm lượng khí thải để hạn chế sự nóng lên trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Để thực hiện được điều đó, các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế phải loại bỏ dần than đá vào năm 2030 và tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch khác vào năm 2040.

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển và đang phát triển cũng được nhắc nhở về việc đẩy mạnh kế hoạch tăng cường xây dựng công trình hiệu quả về năng lượng. Theo ông António Guterres: Bây giờ chính là lúc cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Đồng thời, với vai trò là một trong số những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông António Guterres cũng đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy để giành được 50% tổng nguồn tài chính trong lĩnh vực khí hậu cho công tác thích ứng.

Cụ thể, ông kêu gọi một số tổ chức lớn nên hợp tác với chính phủ để thiết kế các dự án hiệu quả về thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các tổ chức cần hợp tác giúp chính phủ tìm nguồn vốn.