Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng, làm gì để phiên đấu thứ 2 không "ế" như phiên đầu tiên?

Trang Linh
14:19 - 24/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào ngày 25/4, bằng khối lượng đấu thầu phiên hôm 23/4.

Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng, làm gì để phiên đấu thứ 2 không "ế" như phiên đầu tiên?- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng vào ngày 25/4. Ảnh: Ngọc Thắng

Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên khối lượng tối thiểu trong phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25/4

Theo đó, phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25/4, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỉ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa thông báo mức giá tham chiếu cho phiên đấu thầu ngày mai.

Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng hôm 23/4 đã bán được 3.400 lượng trên tổng số 16.800 lượng vàng. Giá trúng thầu là hơn 81,3 triệu đồng/lượng. Phiên đấu thầu đầu tiên chỉ có 11 doanh nghiệp tham gia và 2 doanh nghiệp trúng thầu. 

Đấu thầu vàng khó giải quyết tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới

Các chuyên gia nhận định, 3.400 lượng vàng được đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn thị trường vàng trong nước. Bên cạnh giá tham chiếu, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh, hạ thấp khối lượng giao dịch tối thiểu để thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. 

Vì nếu một doanh nghiệp muốn trúng thầu cần phải có hơn 100 tỉ đồng để mua 1.400 lượng vàng. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng trong nước đang chững lại, tỉ giá lên cao, các doanh nghiệp không sẵn lòng "ôm" vàng.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia đánh giá, việc tổ chức đấu thầu vàng miếng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đây chỉ là giải pháp tình thế, muốn thu hẹp khoảng cách giá vàng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24.