Chỉ 11/15 đơn vị tham gia đấu thầu, vì sao doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng miếng?

Trang Linh
12:41 - 23/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tại buổi đấu thầu vàng miếng ngày 23/4, có 11 đơn vị tham gia dự thầu, bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp.

Chỉ 11/15 đơn vị tham gia đấu thầu, vì sao doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng miếng?- Ảnh 1.

Chỉ 11/15 đơn vị đủ điều kiện tham gia phiên đấu thầu ngày 23/4/2024 của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Thanh Hương

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên chỉ có 11 đơn vị tham gia

Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đấu thầu bán vàng miếng theo đúng kế hoạch trước đó. Tại buổi đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau 11 năm, có 11 đơn vị tham gia dự thầu, bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp.

Theo thông báo, tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu sáng nay là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô. Loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.

Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. Đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng.

Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà tham gia đấu thầu vàng miếng?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá tham chiếu và khối lượng đấu thầu tối thiểu là điều khiến các doanh nghiệp "rụt rè" khi đăng ký tham gia đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, giá tham chiếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 80,7 triệu đồng/lượng, gần ngang bằng mức niêm yết mua vào của các cơ sở kinh doanh vàng. Việc chọn giá khởi điểm đấu thầu bằng giá mua vào của các doanh nghiệp có thể do Nhà nước đóng vai trò trung gian, phải nhập vàng từ nước ngoài. Cùng với đó, việc nhập khẩu khối lượng vàng lớn cũng mất nhiều loại phí, trong đó có phí bảo hiểm. Điều này tiềm ẩn rủi ro do giá vàng thế giới liên tục biến động. 

Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn nhất có thể do quy định về khối lượng đấu thầu tối thiểu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng). Với khối lượng tối thiểu lớn như vậy, một số đơn vị không đủ tiềm lực tài chính để tham gia phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước. 

Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp không phải là đầu cơ mà chỉ cần cân đối trạng thái đã bán trước đó. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh khối lượng tối thiểu, bởi đa số doanh nghiệp chỉ có nhu cầu mua vài trăm lượng vàng.

Đấu thầu là mua khối lượng nhiều, cần nguồn vốn để nắm giữ đến khi tiêu thụ hết. Điều này không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực tài chính để thực hiện. Việc trữ khối lượng vàng giá cao trong bối cảnh giá vàng thế giới, tỉ giá nhiều biến động khó lường tạo nên rủi ro không nhỏ.

Tỉ giá đồng USD cũng tác động đến giá vàng trong nước và ngược lại. Liên tục các phiên trong tuần 15-19/4, tỉ giá USD/VND dồn dập lên đỉnh cao mới trên cả thị trường ngân hàng, thị trường tự do và cả tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Hôm 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm ở mức kỷ lục - 24.260 đồng/USD. So với đầu năm, tỉ giá này tăng 394 đồng, tương đương tăng 1,65%. Tỉ giá tăng cao khiến người dân có tâm lý tích trữ ngoại tệ, chưa kể đến việc nhập vàng về đấu giá sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá, trong khi giá USD đang cao nhất từ trước đến nay.

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế bổ sung nguồn cung vàng ra thị trường một cách nhanh nhất, không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Số lượng đấu giá 16.800 lượng vàng sẽ khó thành công.