Xây dựng Luật Học tập suốt đời của Việt Nam

GS.TS Phạm Tất Dong
18:36 - 18/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chủ trương xây dựng xã hội học tập ở nước ta có từ năm 2001, khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết Đại hội: Thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng nước ta thành một xã hội học tập.

Xây dựng Luật Học tập suốt đời của Việt Nam- Ảnh 1.

Tạo ra tài nguyên giáo dục mở tạo điều kiện cho ai cũng được học tập là mục tiêu của giáo dục. Ảnh: Free/image

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, chủ trương này đã được ghi vào nghị quyết cụ thể hơn về nội dung và khái quát hơn về ý nghĩa:

"Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học, xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục".

Mô hình giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn là mô hình được định hình từ Nghị quyết 14-NQ/TW (11/1/1979) của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục. Mô hình ấy đã biến dạng đi nhiều qua bao lần đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, về thi cử và quản lý v.v... cho thích hợp với nền kinh tế chuyển đổi. Tuy vậy, mô hình ấy vẫn bộc lộ bất cập với thời cuộc, mà nguyên nhân chính là nó vẫn không có tính "mở" triệt để, từ đó nó không quan tâm đầy đủ với giáo dục người lớn.

Thay đổi mô hình giáo dục "khép kín" sang mô hình giáo dục mở đòi hỏi tháo dỡ cấu trúc cũ đã mất tính thích ứng để thay vào đó một cấu trúc mới với nhiều thiết chế trước đây không có, từ đó xây dựng lại những mối quan hệ giữa các thiết chế mới cùng với cơ chế vận hành phù hợp.

Để có một mô hình giáo dục mở trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức chuyển đổi số và tham gia tích cực vào cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước cần đến hệ thống chính sách giáo dục mới trên cơ sở tầm tư duy giáo dục có hệ thống và tính phản biện cùng với tư duy tăng trưởng. Do đó, mọi sự đổi mới nửa vời, mang tính chắp vá cục bộ hiện nay chỉ làm cho sự phát triển giáo dục gần như không thoát khỏi những bế tắc, do đó không còn đâu chăm lo đẩy mạnh hệ thống giáo dục mở còn quá mới mẻ.

Để thể chế hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập do Đảng đề ra, từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã có 3 quyết định cụ thể sau đây:

Quyết định 112/2005/QĐ-TTg (18/5/2005) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010.

Quyết định 89/QĐ-TTg (9/1/2013) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.

Quyết định 1373/QĐ-TTg (30/7/2021) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, những quyết định trên chỉ là những văn kiện dưới luật. Để khẳng định xã hội học tập là một sự nghiệp lớn của quốc gia thì vấn đề cần phải làm, và cũng đến lúc phải làm, là xây dựng một bộ Luật, chứ không chỉ là thêm thắt một số điều khoản vào Luật Giáo dục hiện hành.

Tham khảo việc xây dựng Luật Học tập suốt đời ở một số quốc gia

Nhật Bản

Năm 1949, Nhật Bản đưa ra "Luật giáo dục xã hội" với mục đích điều chỉnh mọi hoạt động giáo dục ngoài nhà trường nhằm tạo cơ hội học tập của người lớn.

Năm 1967, Nhật Bản chuyển hệ thống giáo dục truyền thống sang hệ thống học tập suốt đời với những lý do sau đây:

- Việc học tập phải được thực hiện ở mọi giai đoạn của đời người.

- Mọi người dân đều có cơ hội chọn một hình thức học tập ở bất kỳ thời gian nào. Kết quả học tập phải được công nhận một cách thích hợp.

- Xây dựng xã hội học tập là ý tưởng chỉ đạo cuộc Cải cách giáo dục trên đất Nhật.

Xây dựng Luật Học tập suốt đời của Việt Nam- Ảnh 3.

Giáo dục Nhật Bản thoát khỏi cách dạy và học chạy theo văn bằng. Ảnh: Japane-way

Xã hội học tập ở Nhật Bản hướng vào những mục tiêu: Cập nhật kiến thức, kỹ năng trong bối cảnh thế giới thay đổi liên tục và nhanh chóng về kinh tế - xã hội. Khắc phục cách dạy học chạy theo văn bằng. Xây dựng sự gắn kết 3 môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội.

Hàn Quốc

Năm 1980, trong Hiến pháp của Hàn Quốc có Điều 13, ghi rõ: Nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy việc học tập suốt đời.

Năm 1999, Hàn Quốc thông qua Luật Giáo dục suốt đời (Lifelong Education Act) trên cơ sở Luật Giáo dục xã hội năm 1982 (Social Education Act).

Luật Giáo dục suốt đời của Hàn Quốc hướng vào những mục tiêu sau:

- Mọi người dân đều được bảo đảm cơ hội bình đẳng trong giáo dục suốt đời.

- Giáo dục suốt đời dựa trên sự học tập tự nguyện của người học.

- Giáo dục suốt đời không chấp nhận mọi định kiến xã hội và chính trị trong học tập của người dân.

- Kết quả học tập của bất cứ công dân nào cũng được công nhận và cấp bằng tương ứng.

Thái Lan

Từ năm 1940, Thái Lan đã công nhận tầm quan trọng của việc học tập suốt đời. Họ thành lập Ban Giáo dục người lớn. Ban này có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của giáo dục không chính quy (Non-formal Education) và giáo dục phi chính quy (Informal Education).

Năm 1977, trong kế hoạch quốc gia của Thái Lan đã xuất hiện khái niệm về giáo dục suốt đời. Đến năm 1999, Thái Lan khẳng định giáo dục phải là quá trình học tập suốt đời, coi giáo dục suốt đời là một nguyên tắc trong việc cung ứng mọi loại hình giáo dục cho người dân.

Năm 2008, Thái Lan thông qua "Luật thúc đẩy giáo dục không chính quy và phi chính quy", hướng dẫn cách cung cấp hai hình thức giáo dục này cho người dân có hiệu quả để người dân thu được những lợi ích từ quá trình học tập suốt đời.

Năm 2009, Thái Lan xây dựng Dự thảo cải cách giáo dục giai đoạn 2009 - 2018, trong đó có sự khẳng định vai trò quan trọng và hướng đi của Giáo dục suốt đời trong định hướng phát triển giáo dục Thái Lan.

Giáo dục suốt đời ở Thái Lan tuân thủ các quy định sau đây:

- Tạo cơ hội bình đẳng về học tập suốt đời cho tất cả mọi người;

- Phục vụ cho nhu cầu cá nhân và cộng đồng;

- Không ngừng nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn của Giáo dục suốt đời.

- Khuyến khích và hỗ trợ mọi đối tượng trong các tầng lớp xã hội tham gia Học tập suốt đời, thiết lập mạng lưới liên kết để họ có thể cùng nhau tham gia tổ chức Giáo dục suốt đời.

Malaysia

Malaysia vốn là một quốc gia có nền giáo dục vào loại tốt trong khu vực ASEAN. Song, đứng trước xu thế cạnh tranh và hội nhập quốc tế đang ngày càng gia tăng, Malaysia đã phải xây dựng chiến lược Giáo dục suốt đời/Học tập suốt đời nhằm tạo ra những công dân phát triển tốt về thể chất và tinh thần, trí tuệ hơn, thông minh hơn.

Năm 1996, Malaysia xây dựng Bộ Luật giáo dục, trong đó có quy định rõ:

- Bộ Giáo dục (Ministry of Education - MOE) chịu trách nhiệm quản lý hệ thống Giáo dục bắt buộc, Giáo dục phổ thông, Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề.

- Bộ Giáo dục đại học (Ministry of Higher Education - MOHE) chịu trách nhiệm quản lý hệ thống Giáo dục đại học bách khoa, đại học cộng đồng, tín dụng sinh viên, học tập suốt đời.

Trong giai đoạn 2011-2020, Malaysia xây dựng chiến lược giáo dục tổng thể về hội nhập văn hóa thúc đẩy học tập suốt đời, bao gồm giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy.

Chiến lược giáo dục tổng thể có 4 mục tiêu:

- Nâng cấp cơ chế và cơ sở hạ tầng: tăng cường điều phối và giám sát các chính sách và chương trình học tập suốt đời.

- Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào học tập suốt đời.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự tham gia của cộng đồng: tăng cường đánh giá thường xuyên, tăng cường khả năng tự học của người dân.

- Cung cấp hỗ trợ tài chính: Cung cấp cơ chế tài trợ, tham gia tài trợ tư nhân, cho vay từ các tổ chức tài chính tư nhân, hỗ trợ miễn giảm học phí Học tập suốt đời.

Đan Mạch

Khái niệm Học tập suốt đời ở Đan Mạch được hiểu là "nguyên tắc mà mọi công dân phải có cơ hội quay lại học tập trong suốt cuộc đời", "Học tập suốt đời là một ưu tiên trong giáo dục người lớn".

Học tập suốt đời sẽ được thực hiện ở mọi nơi, miễn là ở nơi đó có người cần được tiếp thu kiến thức mới và học được các kỹ năng cần thiết. Học tập suốt đời có thể được diễn ra ở các cơ sở giáo dục, tại nơi làm việc, trong giáo dục người lớn tự do và trong hoạt động hợp tác và giải trí. Học tập suốt đời là nhiệm vụ chung của mọi người, qua đó, mỗi người đều thấy được triển vọng nâng cao kỹ năng và những năng lực cần có.

Đan Mạch là quốc gia có truyền thống giáo dục lâu năm, mà tổ chức ban đầu là "Trường Trung học dân gian" (Folk High School). Người Đan Mạch gọi trường này là "Pháo đài giải phóng người lớn". Trường Folk High school thể hiện sự phát triển tự thân của hệ thống giáo dục Đan Mạch.

Giáo dục người lớn ở Đan Mạch được tổ chức thành 3 lĩnh vực chính:

1. Đào tạo nghề cho người lớn (Adult vocational training) nhằm nâng cao kỹ năng nghề và trình độ học vấn của người lớn, trong đó các khóa học thường có sự hợp tác tiến hành của các tổ chức phụ trách thị trường lao động. Lĩnh vực này được điều hành bởi các Trung tâm đào tạo thị trường lao động và được tài trợ bởi người sử dụng lao động và người lao động thông qua một kế hoạch chung.

2. Giáo dục phổ thông cho người lớn (Goneral Adult Education) nhằm nâng cao kiến thức và năng lực của người lớn trong các môn học phổ thông, giúp họ nâng cao trình độ giáo dục nghề nghiệp. Việc giáo dục được tổ chức ở các Trung tâm giáo dục dành cho người lớn, người học phải đóng học phí.

3. Giáo dục không chính quy cho người lớn (Non-formal Adult Education), tổ chức thường tại hệ trường Folk High Education vào buổi tối, nhằm cung cấp cho người lớn cơ hội hoạt động, kỹ năng và kiến thức để phát triển cá nhân trong thời gian rảnh rỗi. Lĩnh vực giáo dục này được nhiều hiệp hội đứng ra tổ chức, người học phải trả học phí.

Những vấn đề đặt ra trong việc chuẩn bị Luật Học tập suốt đời ở Việt Nam

1. Trước khi bàn đến nội dung của Luật Học tập suốt đời mà chúng ta đang quan tâm, cần phải chuẩn xác các khái niệm trong Luật Giáo dục hiện hành của Việt Nam.

Ở chương nói về học tập của người lớn có thuật ngữ "Giáo dục thường xuyên" (Continuing Education) với nghĩa là một hệ thống những thiết chế giáo dục không chính quy dành cho người lớn. Khái niệm giáo dục người lớn bị đánh đồng khái niệm Giáo dục thường xuyên. Vì thế, cần hiểu chính xác về khái niệm này như UNESCO đưa ra.

- "Giáo dục thường xuyên qua mọi lứa tuổi, trong suốt cuộc đời, không chỉ bó hẹp trong những bức tường trường học. Nền giáo dục phải được cải cách toàn diện. Giáo dục phải trở thành phong trào quần chúng thực sự".

- "Giáo dục thường xuyên phải giữ vai trò chủ đạo trong mọi chính sách giáo dục tại các nước phát triển và đang phát triển".

Từ 2 ý trên, ta hiểu rằng UNESCO coi giáo dục thường xuyên là chính sách giáo dục chứ không phải là một tổ chức giáo dục. Chính sách ấy thúc đẩy mọi hoạt động giáo dục, đào tạo trong nhà trường và ngoài nhà trường.

2. Cần bổ sung ngay vào Luật Giáo dục hiện hành những khái niệm mà trong Luật không thấy ghi hoặc đưa vào nhưng mơ hồ. Đó là những khái niệm như:

- Giáo dục người lớn (Adult Education): Coi đây là một lĩnh vực giáo dục quan trọng, thay thuật ngữ này cho thuật ngữ "Giáo dục thường xuyên".

- Giáo dục ban đầu (Initial Education): Coi hệ thống giáo dục này là vòng đầu của giáo dục thường xuyên, bao gồm những thiết chế giáo dục chính quy chủ yếu dành cho thế hệ trẻ.

- Giáo dục tiếp tục (Continuing Education), gồm những thiết chế giáo dục không chính quy (Non-formal Education) và phi chính quy (Informal Education) tách rời và phân biệt giáo dục không chính quy với giáo dục phi chính quy bởi 2 hình thái giáo dục này không thay thế cho nhau được.

- Giáo dục chính quy cho người lớn (Formal Adult Education), khẳng định sự cần thiết của việc quay trở lại trường học của không ít người lớn, nhất là khi họ cần công nhận chính thức về kết quả học tập suốt đời trong từng giai đoạn.

- Giáo dục hưu trí (Retinement Education), Giáo dục để chuẩn bị cho con người sắp hoặc mới nghỉ hưu những hiểu biết và những kỹ năng sống trong điều kiện nghỉ làm việc ăn lương như trước đây. Họ sẽ phải thích ứng với mức lương giảm, sức khỏe giảm và v.v... rất nhiều thay đổi khác.

- Đào tạo nghề cho người lớn (Adult Vocational Education), một việc làm mà người lớn tuổi, người cao tuổi còn sức lao động, còn có những năng lực làm việc tiềm ẩn sẽ được phát huy, giúp họ thấy mình còn có ích, đồng thời có thêm thu nhập.

- Giáo dục khởi nghiệp (Entrepreneurship Education), một nội dung giáo dục rất cần cho người trẻ tuổi đã tốt nghiệp một ngành học, cũng như người lớn tuổi vẫn có nhu cầu việc làm. Ở đây, việc giúp đỡ họ lập ra được những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là một mục tiêu.

- Xóa mù chức năng (Functional Illiterate), về thực chất là thiếu những kỹ năng mới khi trong hệ thống sản xuất được trang bị những kỹ thuật mới, những công nghệ mới.

- Giáo dục mở (Open Education) Đó là thực chất về cấu trúc nội tại của Xã hội học tập. Hệ thống giáo dục khép kín không thể tạo ra việc học tập suốt đời cho nhân dân.

- Tài nguyên giáo dục mở (Open educational Resources), được hiểu là kho dữ liệu học tập có quy mô cực lớn đủ để đáp ứng mọi nhu cầu kiến thức và kỹ năng của người học. Mặt khác, tài nguyên giáo dục mở là nền tảng của việc phổ cập tri thức đại học, mở rộng năng lực dịch vụ thông tin và tri thức trong xã hội và góp phần vào cá nhân hóa việc học tập suốt đời.

Trên đây chỉ là sự gợi ý một số khái niệm mới mà Luật Học tập suốt đời không thể thiếu.

Những quan điểm cần thể hiện trong Luật Học tập suốt đời.

1. Các điều luật phải có sự thống nhất tuyệt đối và xuyên suốt rằng, học tập suốt đời cần một hệ thống giáo dục và đào tạo cho người lớn có chi phí không cao, hoặc miễn phí cho nhiều trường hợp để người có hoàn cảnh khó khăn vẫn theo học được.

2. Giáo dục người lớn hay việc học tập suốt đời của người lớn phải xóa bỏ những rào cản làm mất đi những cơ hội học tập của công dân. Với cán bộ, công chức, nhân viên kỹ thuật, cán bộ khoa học, các giáo viên..., việc mở mang kiến thức cần đến sự hỗ trợ của hệ thống giáo dục đại học. Với những học viên này, việc đăng ký học không đòi hỏi kiểm tra đầu vào.

Với những người lớn tự học vì công việc, những đòi hỏi về điều kiện đầu vào các khóa học đại học cũng không cần thiết.

3. Tài nguyên giáo dục mở, một mặt, cần có giấy phép mở để người học tự do truy cập, chia sẻ và tùy biến sử dụng, mặt khác, thư viện cũng như trường đại học cùng các doanh nghiệp và các viện khoa học đều có trách nhiệm cung ứng những tài nguyên đó với giá rẻ, miễn phí càng tốt.

4. Sự đầu tư cho việc học tập của trẻ em và việc học tập của người lớn phải công bằng, hợp lý và cân đối, bởi đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực tại chỗ đều có tầm quan trọng riêng trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia, không thể so sánh.

5. Học tập suốt đời phải bảo đảm những yêu cầu đặt ra cho từng giai đoạn xây dựng và phát triển xã hội học tập do Nhà nước quy định ở những văn bản dưới luật. Vì thế, trong Luật học tập suốt đời cần có những Điều khoản nói về yêu cầu đó.

Bình luận của bạn

Bình luận