Thế giới VUCA thách thức thế hệ trẻ

GS.TS Phạm Tất Dong
21:24 - 23/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thế giới VUCA là thế giới phát triển trong tình trạng bất thường, khó lường, đầy thách thức. Tình trạng ấy có thể kéo dài, khiến cho nhiều người thường nói, ngày nay nhân loại đang sống trong thời đại VUCA.

Thế giới VUCA thách thức thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Thế giới khó lường VUCA dần được quan tâm hơn. Minh hoạ: ambri

Những hiện tượng bất thường của thế giới tính từ năm 2000

Gần nửa thế kỷ trở lại đây, ta thường nghe nói đến cụm từ "Thế giới VUCA", cũng có bài viết nói "Thời đại VUCA", nhưng trên các phương tiện truyền thông của chúng ta ít bàn đến chuyện này. 

Nhiều doanh nghiệp đã từng đối diện với VUCA, và không ít trong số họ đã bị xóa sổ vì nó.

Thế giới VUCA là một khái niệm được trường Đại học Chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ công bố để mô tả thế giới đa cực sau chiến tranh lạnh, trước hết là nói về cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, bắt đầu bùng nổ bong bóng thị trường bất động sản. Tiếp theo là sự đổ vỡ nhiều ngân hàng của quốc gia này. Sau đây là mấy hiện tượng cụ thể:

1. Năm 2008, Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tuyên bố phá sản sau 160 năm hoạt động. Tại phố Wall, Ngân hàng lớn nhất - Bear Stearns bị mua với giá 30 tỷ USD. 25 ngân hàng cho vay cũng bị sụp đổ bởi "cơn sóng thần thế kỷ".

Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng ra cả thế giới. 30 triệu công nhân mất việc, hàng triệu gia đình mất nhà ở, nạn thất nghiệp kéo dài, số người nghèo đói tăng lên cả triệu. Nước Mỹ bị thiệt hại 10.000 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng này làm thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải sụt giảm xuống 4,5-5,4%. Giá trị tài sản của một thị trường tiền tệ giảm dưới 1USD/ cổ phiếu. Hơn 140 tỷ USD rút khỏi quỹ bởi các nhà đầu tư Mỹ.

Ở Việt Nam, năm 2008, lạm phát tăng nhanh, thị trường bất động sản đóng băng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, chỉ số lạm phát khoảng 2,86%. Xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Nhật Bản và EU đình trệ bởi họ cắt giảm chi tiêu.

Có khoảng trên 20.000 nhân viên của các chi nhánh thuộc ngân hàng Lehman Brothers tại nhiều quốc gia bị mất việc. Chính phủ Mỹ từ chối việc bơm vốn cứu trợ.

2. Một trong những biến động trên thế giới mang tính bất thường và nguy hiểm khôn lường là biến đổi khí hậu mà biểu hiện chủ yếu là sự nóng lên trên toàn cầu, tạo nên những hiện tượng khí hậu cực đoan. Đây là thách thức lớn nhất trong thế kỷ XXI. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và đời sống con người. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ này tăng tiếp thì những tai họa kinh khủng sẽ giáng lên đầu nhân loại.

Sự nóng lên của trái đấy đã làm ra 11.000 thảm họa, làm chết 2 triệu người, làm thiệt hại cho nền kinh tế thế giới trên 3640 tỉ USD.

Việt Nam cũng đang hứng chịu những hệ lụy của biến đổi khí hậu, trước hết là nắng nóng tăng lên, hạn hán nhiều nơi liên tục xảy ra. Đồng thời, những trận bão lớn cũng hoành hành dữ dội. Đã có hơn 3600 người chết vì các thảm họa môi trường, thiệt hại của nhân dân lên tới trên 280 tỉ USD.

Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên, Nam Bộ của chúng ta sẽ bị ngập chìm nhiều vùng. Sản xuất sẽ bị tàn phá, đói rách sẽ xuất hiện.

3. Cùng với những biến động về tiền tệ và biến đổi khí hậu, trên 20 năm qua, thế giới không ngừng các cuộc chiến tranh cục bộ tàn bạo và họa khủng bố dữ dội.

Vào năm 1999, Mỹ chủ trương một cuộc thập tự chinh, phát động cuộc chiến xâm lược Nam Tư với danh nghĩa "bảo vệ nhân quyền", không cần sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Năm 2001, tập hợp lực lượng của 43 nước, do NATO làm nòng cốt, Mỹ phát động cuộc chiến tranh "Tự do bền vững" ở Afghanistan, chống lại phong trào Taliban vì cho rằng họ chứa chấp Trùm khủng bố Osma Bin Laden - Kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9/2001.

Năm 2003, Hoa Kỳ phát động chiến tranh với sứ mệnh "Tự do cho Iraq". Đến giờ, họ vẫn bị sa lầy ở đây.

Năm 2008, Mỹ huấn luyện quân đội Gruzva, tiến hành cuộc "chiến tranh ủy nhiệm", nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Osetia.

Tiếp theo là NATO kích động các biến động chính trị mang tên "Mùa xuân Arab", dẫn đến chiến tranh xâm lược Libya, mang tên "Bình minh Odyssey", rồi tiếp đến là ở Syria, như một chiến tranh thế giới thu nhỏ, có tới 90 quốc gia liên quan. Rồi đến chiến tranh ở Mali (2012), Yemen (2015)...

Hiện giờ xung đột Nga - Ucraina đang căng như dây đàn. Cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực ở Châu Âu đang diễn ra. Thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm của thế chiến thứ III với vũ khí hạt nhân. Nếu xảy ra thế chiến này, không chỉ nhiều nước nằm trong thảm họa tiêu diệt, mà nhân loại có nguy cơ tuyệt diệt.

4. Một bất thường rất lớn xảy ra từ cuối thập niên 2011 - 2020 là đại dịch COVID-19. Đại dịch này bắt đầu từ thành phố Vũ Hán - Trung Quốc vào tháng 12/2019 sau đó lan rộng khắp thế giới. Có gần 200 quốc gia vướng vào đại dịch COVID-19. Số người nhiễm bệnh là 768.982.311 người, trong đó chết 6.953.730 người.

Đại dịch COVID-19 làm nền kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại 1700 tỉ USD. Con số tương ứng ở Ấn Độ là 950 tỉ USD, Trung Quốc là 680 tỉ USD. Kinh tế thế giới bị thiệt hại tới 10.300 tỉ USD. Số tiền này đủ để mua 6 lần toàn bộ bất động sản của thành phố New York.

Ở Việt Nam, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nền kinh tế bị thiệt hại khoảng 847.000 tỉ đồng (tương đương 37 tỉ USD), 43.178 người chết trong đại dịch, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Khái niệm về thế giới VUCA

Trên đây, tôi có nêu mấy hiện tượng bất thường của thế giới hiện đại khiến người ta gọi thế giới ngày nay là "Thế giới VUCA".

VUCA là gì?

VUCA là một từ viết tắt trong tiếng Anh được đặt ra vào năm 1987, dựa trên lý thuyết lãnh đạo của Warren Bennis và Burt Nanus - để mô tả hoặc phản ánh về tình hình không ổn định, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ các điều kiện và tình huống chung.

Thế giới VUCA là thế giới phát triển trong tình trạng bất thường, khó lường, đầy thách thức. Tình trạng ấy có thể kéo dài, khiến cho nhiều người thường nói, ngày nay nhân loại đang sống trong thời đại VUCA.

Khái niệm VUCA chủ yếu được sử dụng trong phạm vi kinh tế vĩ mô. Khi sự phát triển kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn, bối cảnh kinh doanh biến động liên tục, đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải nâng cao năng lực thích ứng với hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng.

4 đặc điểm của thế giới VUCA

Biến động (Volatility). Thuật ngữ này đề cập tới những trao đổi với tốc độ quá nhanh chóng trong sản xuất, kinh doanh, và nhu cầu hàng hóa, những rủi ro ập đến trên thị trường, tốc độ thay đổi công nghệ trong sản xuất, sự gia tăng không hình dung nổi của dịch bệnh, những tai họa bất ngờ...

Bất ổn (Uncertainty). Thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái thất thường, những thay đổi không dự đoán được, những sự việc xảy ra khiến người ta không tin vào sự tính toán tương lai với độ chính xác cần thiết.

Tính chất bất định của môi trường, của thế giới làm cho mọi số liệu thống kê bị giảm độ tin cậy. Chính đây là yếu tố làm mất đi tính chính xác của những mục tiêu đặt ra trong một chiến lược, một chương trình hay một kế hoạch.

Phức tạp (Complexity). Thuật ngữ đề cập tới những hiện tượng, sự kiện, và nói rộng ra là xã hội hay thế giới đang được vận hành với sự đa dạng của các yếu tố bên trong, mối liên hệ đan xen đầy rắc rối giữa các yếu tố đó.

Trước sự đa dạng quá lớn về số lượng, nhiều khi người ta không phân tích đầy đủ các khía cạnh của sự vật và hiện tượng, dẫn đến sự nhận thức về chúng thiếu đi tính chính xác.

Mơ hồ (Ambiguity). Thuật ngữ dùng để đề cập sự không rõ ràng khi quan sát, tìm hiểu và nhận xét sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Điều này làm cho nhận thức con người không thấy được bản chất bên trong của sự vật và hiện tượng. Do vậy, khó mà hình dung được sự phát triển sẽ đi đến đâu.

Thế giới VUCA thách thức thế hệ trẻ - Ảnh 5.

Sự hợp tác mang tính toàn cầu được đề cao trong thế giới VUCA. Minh hoạ: Free/image

Thế hệ trẻ đứng trước những thách thức của thế giới VUCA

Thế hệ trẻ ở đây là thế hệ Z và Alpha ở nước ta đang thụ hưởng nền giáo dục hiện tại.

Thế hệ Alpha là thế hệ trẻ mà các cháu nhiều tuổi nhất mới học xong tiểu học vào năm 2023. Còn thế hệ Z thì cháu nhiều tuổi nhất hiện nay mới hết tuổi 25. Vào giữa thế kỷ XXI, Việt Nam có là một quốc gia sánh vai với các cường quốc hay không? Câu hỏi đặt ra trước nền giáo dục quốc dân và ngành giáo dục. Nói cách khác, nền giáo dục nước nhà có giải phóng mọi năng lực sáng tạo của 2 thế hệ này để họ làm tốt sứ mệnh đó không.

Ước mơ của dân tộc Do Thái là thành lập lại một quốc gia sau cả ngàn năm họ bị trục xuất khỏi vùng đất quê hương mà người Babylon chiếm giữ. Ngày 14/5/1948, quốc gia Israel được tái lập. Diện tích của quốc gia này là 22.145km2, với 70% là sa mạc, 5611 km2 là núi đồi. Israel là quốc gia được mệnh danh là "Quốc gia khởi nghiệp".

Hai nông sản trứ danh của Israel là cà chua anh đào (cà chua bi) và cá đại dương được nuôi trên sa mạc. Cá của Israel không chỉ cung cấp trong nội địa mà còn xuất khẩu.

Nhắc tới Israel là để thế hệ trẻ Việt Nam hiểu rằng, tinh thần khởi nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ là yếu tố sống còn trong thế giới VUCA. Mọi công việc làm theo khuôn mẫu với công nghệ cũ sẽ không tồn tại với sự thay đổi bất thường của xã hội hiện đại.

Nhà trường của chúng ta đừng chạy theo thi cử, coi thi cử là cứu cánh của giáo dục. Đó là cách làm “đậm nét Nho học” ngày xưa. Thay vào đó, hãy rèn luyện cho thế hệ trẻ tư duy phức hợp, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Chỉ có như vậy, những lớp trẻ mới đạt tới trình độ Growth mindset (lối tư duy tăng trưởng) để có tầm nhìn phát triển xa hơn.
GS.TS Phạm Tất Dong

Phức tạp là đặc điểm của thế giới hiện đại, vì thế, tư duy phức hợp là một tất yếu của thời đại. Lối suy nghĩ đơn giản sẽ làm cho con người không nhận ra thực tại, và kết quả là, con người sẽ mù lòa về trí tuệ (Edgur Morin).

Nếu tư duy đơn giản dựa vào nguyên tắc quy giản và nguyên tắc phân lập thì tư duy phức hợp lại được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc đối hợp logic, nguyên tắc hồi quy và nguyên tắc toàn hình.

Thế giới VUCA thách thức thế hệ trẻ - Ảnh 7.

Biến thế giới trở thành một cộng đồng rộng lớn, thân thiện là khao khát của thế hệ trẻ. Minh hoạ: free/image

Cùng với sự cần thiết như tư duy phức hợp, thế hệ trẻ rất cần đến tư duy phản biện. Tư duy phản biện (tư duy phân tích) là loại hình tư duy luôn đánh giá một thông tin theo một cách khác trước một vấn đề đặt ra, nhằm làm sáng tỏ và tính chính xác của vấn đề. Chủ thể tư duy thể hiện tính độc lập của mình trước ý kiến của người khác, tán thành hay không tán tzhành với họ đều phải có cơ sở lý lẽ và công tâm, tránh bảo thủ nhưng cũng tránh hiếu thắng.

Giáo điều là thái độ ngược lại với phản biện. Giáo điều luôn coi kinh nghiệm cũ như một điều bất di bất dịch, không quan tâm đến những biến đổi của hoàn cảnh và sự vật bên ngoài.

Tư duy phản biện đòi hỏi con người có tầm nhìn rộng, nhận thức sâu sắc, tinh thần cởi mở và tôn trọng sự thật với thái độ khách quan.

Dạy học theo khuôn mẫu cứng nhắc và bắt học thuộc lòng sẽ làm thui chột tính chủ động tích cực của học sinh.

Sống trong một thế giới biến động liên lục và xã hội cạnh tranh quyết liệt, con người còn cần đến tư duy sáng tạo như một năng lực không thể thiếu được. Sáng tạo là lẽ sống khi đi vào kinh tế tri thức dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Người ta gọi xã hội ngày nay là xã hội công nghệ, tức là xã hội hậu công nghiệp. Trong xã hội hiện đại, sáng tạo ra công nghệ mới là hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Đề cao giáo dục tư duy trong nhà trường là một xu hướng của nền giáo dục hiện đại. Người Singapore coi "Nhà trường tư duy, quốc gia học tập" (Thinking Schools, Learning Nation) như triết lý giáo dục thời nay. Trong nhà trường này, người ta đào tạo theo phương châm "Dạy ít, học nhiều". Trường học tư duy yêu cầu học sinh chăm chỉ học hỏi, học tập suốt đời, say mê học tập vì sự phát triển quốc gia. Còn quốc gia học tập đòi hỏi toàn dân coi học tập là văn hóa quốc gia, từ đó tập trung làm việc sáng tạo và luôn đổi mới.

Để sống bình thường trong thế giới VUCA, học tập suốt đời là con đường tạo ra tính thích ứng tốt nhất. Thông qua học tập suốt đời, con người cần đạt được mấy yêu cầu sau đây:

Có được năng lực tự học và thói quen học tập một cách khoa học. Trong điều kiện ngày nay, nếu không tự học, mà chỉ trong chờ vào nhà trường mang lại kiến thức mới cho mình thì sẽ trở thành con người lạc hậu. Nhà trường không thể cung cấp mọi loại kiến thức và kỹ năng mà chúng ta cần. Ngoài việc học ở trường, tất cả mọi người đều phải tự học, tích lũy thêm vốn tri thức, thực hiện nắm bắt kịp thời những kiến thức và kỹ năng ta đang cần và sẽ cần.

Có năng lực sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ. Mới nghe nói thế này, nhiều người thấy buồn cười: Ngày nào ta cũng nói, cũng giao tiếp, cũng mua bán, cũng ra đường vì việc này việc nọ, như thế không thành thạo tiếng mẹ đẻ sao?

Đó là ý nghĩ chủ quan khá thiển cận. Khối liên minh Châu Âu coi việc sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ là năng lực cốt lõi (Core Competence) của thế kỷ XXI. 

Lý do là tiếng mẹ đẻ là điều kiện hàng đầu để con người tiếp thu nền giáo dục một cách hiệu quả, mở rộng giao lưu, sử dụng tốt ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết để tạo nên mối quan hệ thân thiện, gắn bó với mọi người xung quanh.

Tiếng mẹ đẻ rất cần thiết để chúng ta bảo vệ nền văn hóa dân tộc, góp phần làm đa dạng ngôn ngữ trên toàn thế giới.

Tiếng mẹ đẻ thành thạo mới có thể học tốt và sử dụng tốt những ngoại ngữ cần học cả về phương tiện nói, đọc và viết. Người dịch sách mà không đủ vốn liếng tiếng mẹ đẻ không thể dịch sách sát nghĩa, không thể phiên dịch sát ý và cũng không thể làm cho đối tác hiểu đầy đủ những gì qua giao dịch.

Có khả năng sử dụng nhiều ngoại ngữ, ít nhất có một ngoại ngữ có thể sử dụng bình thường ở 3 phương diện: đọc, nói và viết.

Biết càng nhiều ngoại ngữ càng tốt. Hiện nay, những người có mối quan hệ giao lưu rộng rãi với bạn bè, với đối tác làm ăn thường là người chọn lọc tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc. Biết càng nhiều ngoại ngữ thì trong giao tiếp với người nước ngoài càng giảm bớt những rào cản của ngôn ngữ và văn hóa.

Có năng lực sử dụng tốt công nghệ thông tin. Năng lực số phải được coi trọng như một điều kiện để học tập, giao dịch, kết nối với mọi người, để buôn bán, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng...

Trong xã hội học tập, mỗi người sẽ phấn đấu trở thành công dân học tập, nhưng trước đó, họ đã phải xây dựng cho mình những năng lực số và những phẩm chất của con người sống trong môi trường số và làm việc, học tập trên các mạng xã hội.

Mọi người đều cần thiết phải có văn hóa ứng xử, văn hóa lao động, văn hóa kinh doanh, văn hóa học tập và văn hóa mạng. Những phẩm chất như tôn trọng con người, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, ý thức hợp tác tốt với mọi người để sống chung trong một cộng đồng thân thiện, hợp tác để cùng nhau phát triển, không phân biệt chủng tộc, không kỳ thị tôn giáo... là những phẩm chất nhân cách không thể thiếu được đối với mỗi thành viên trong ngôi nhà toàn cầu.