Thuốc chữa ngộ độc Botulinum- nước đến chân mới nhảy!

Vũ Hùng
00:10 - 26/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

19h ngày 24/5, chuyến bay chở đại diện WHO mang theo 6 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố botulinum đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng, đau đớn thay, bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc Botulinum đã qua đời.

Nhân viên y tế tích cực chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế tích cực chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Ảnh: TTXVN

Bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc Botulinum đã không thể qua khỏi vì thiếu thuốc hiếm!

Nước đến chân mới nhảy! Câu ngạn ngữ từ xa xưa ấy của cha ông ta, đáng tiếc thay lại vẫn đúng, vẫn diễn ra ở thời hiện tại. Và đáng tiếc hơn nữa là lại diễn ra tại ngành y, diễn ra trong khi xử lý những việc cấp bách số một là giành lại mạng sống cho các bệnh nhân thập tử nhất sinh vì bị ngộ độc Botulinum.

19h ngày hôm qua 24/5, chuyến bay chở đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mang theo 6 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố Botulinum đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó một ngày, vào chiều 23/5, trong một động thái mà tôi cảm nhận là rất cấp bách, đầy nỗ lực nhưng có phần bị động, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng WHO tại Hà Nội và ngay sau đó WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng, đau đớn thay, cũng tối qua 24/5, khi thuốc giải độc BAT dành cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum về tới bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) thì bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc Botulinum đã không thể qua khỏi vì tình trạng bệnh đã quá nặng.

Trải qua hơn 1 tuần điều trị, người đàn ông 45 tuổi, ngụ tại Thành phố Thủ Đức, (một trong 6 bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã tử vong mà không kịp dùng thuốc giải do WHO viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Dù các bác sĩ đã cố hết sức điều trị, bệnh nhân lâm dần vào suy đa cơ quan, ngưng tim và không qua khỏi.

TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết bệnh viện đã thông báo với Sở Y tế thành phố về tình trạng ngộ độc của bệnh nhân nhưng thời điểm đó nguồn thuốc BAT đã hết. Dù đã cố gắng kéo dài sự sống cho bệnh nhân, nhưng thuốc về tới bệnh viện thì bệnh nhân cũng không kịp để sử dụng.

Cũng trong sáng 25/5, TS. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông báo rằng bệnh viện đã được phân phối các lọ thuốc giải độc Botulinum do WHO viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại đây sẽ không được chỉ định dùng thuốc, vì tình trạng sức khỏe thực tế không còn cho phép. Hiện, các bệnh nhân ở đây đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực. Thật là đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho các bác sĩ điều trị.

Thời gian gần đây tình trạng ngộ độc Botulinum từ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc được chế biến sẵn ngày càng phố biến. Đặc biệt, với thói quen ăn uống sử dụng thức ăn đường phố của người dân còn phổ biến nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Từ ngày 13/5, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 người (đều ngụ tại Thành phố Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc Botulinum. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.

Không thể loại trừ việc tới đây sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc Botulinum mới.

Các bác sĩ và chuyên gia phòng chống ngộ độc đều cho rằng, không thể loại trừ việc tới đây sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc Botulinum mới. Thuốc giải dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả, giúp trung hòa Botulinum còn lại trong máu, ngăn độc tố không tấn công vào hệ thần kinh và giảm triệu chứng nặng. Trường hợp ngộ độc Botulinum mà có thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và không phải thở máy.

Trong ngành y, việc dự phòng tốt hơn điều trị, để khi phát sinh ca mới sẽ có ngay thuốc giải sẽ cứu được mạng người. Do đó, việc mua sắm, nhập khẩu thuốc giải BAT điều trị cho những bệnh nhân hiện tại, cũng như dự phòng tình huống mới là một việc hết sức cấp thiết đối với Bộ Y tế và các sở y tế trong toàn quốc hiện nay

Thậm chí, nhiều bác sĩ đã lên tiếng đề nghị, do thuốc giải độc BAT rất quý hiếm, đắt tiền, nên cần phải được mua dự trữ như một chương trình dự phòng quốc gia, có điều phối của nhà nước.

Quốc hội đang họp, đang bàn về nhiều chương trình quốc kế dân sinh, trong đó có một số chương trình dự phòng quốc gia. Cái chết của bệnh nhân bị ngộ độc ở Bệnh viện Gia Định tối qua 24/5, cũng như 2 bệnh nhân khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã lâm vào tình trạng không còn có tác dụng khi dùng thuốc, 3 em bé ở Bệnh viện Nhi Đồng đang phải săn sóc hồi sức cấp cứu, và những trường hợp ngộ độc Botulinum khác sẽ không thể tránh khỏi khi mà vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất yếu kém, thì sự lên tiếng của các vị đại biểu quốc hội về một chương trình dự phòng quốc gia đối với thuốc BAT và các loại thuốc đặc trị quý hiếm khác, theo ý kiến của người viết bài này, là hết sức cần thiết và cấp bách.

Chỉ khi có một chương trình dự phòng quốc gia như các thầy thuốc và bệnh nhân trông đợi và mong mỏi, chỉ khi không còn một bệnh nhân nào tử vong vì thiếu thuốc đặc trị, thì khi ấy câu ngạn ngữ “nước đến chân mới nhảy” mới thôi đeo bám một cách dai dẳng, tệ hại và đau xót trong tâm trí, trong lương tâm của tất cả các thầy thuốc và cả xã hội khi nghĩ về bộ chủ quản và toàn thể ngành y nước nhà.

Thuốc chữa ngộ độc Botulinum- nước đến chân mới nhảy! - Ảnh 1.