Thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Lam Linh
18:36 - 22/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%.

Nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đại học theo tinh thần Đề án đã được phê duyệt trong Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức "Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đại học" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Ảnh 1.

Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đại học diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng lớp học trực tuyến ở đại học đạt trung bình 20%

Theo Đề án "tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", nhằm tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thì mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục đại học đặt ra là:

Phấn đấu đến năm 2025 có hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt được tỉ trọng các lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học trung bình là 20%. Trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, có ít nhất 50% theo học hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).

Phấn đấu đến năm 2025 đạt được 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay

Phát biểu tại "Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đại học", Tiến sĩ Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hạ tầng công nghệ thông tin của các trường đại học trên toàn quốc hiện cơ bản khá tốt.

Trong đó, 100% các trường đại học đã có phòng máy, có mạng LAN, Wifi, cổng thông tin điện tử; 90% các trường đã lập ban biên tập cổng, ban hành quy chế về an toàn thông tin; trên 90% các trường đã dùng phần mềm quản lý đào tạo và phần mềm quản lý văn bản; trên 60% các trường dùng phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài sản, thiết bị.

Trong dạy học và nghiên cứu khoa học, có khoảng 110 trường (chiếm khoảng 50% tổng số các trường) triển khai đào tạo chính quy trực tuyến ở các mức độ khác nhau; khoảng 60% các trường triển khai học liệu số và hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến; trên 70% cơ sở giáo dục đại học đã triển khai hệ thống thư viện điện tử và áp dụng phương thức học tập kết hợp (blended learning) trong đào tạo.

Theo đánh giá chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện các trường đã có chuyển biến tốt hơn về nhận thức, số trường quan tâm và triển khai, đẩy mạnh chuyển đổi số ngày càng tăng, cách thức thực hiện ngày càng bài bản, có hệ thống nên đã đạt kết quả tốt hơn.

Căn cứ vào các số liệu ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học thì ước tính hiện nay có khoảng 45% cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện chuyển đổi số giữa giai đoạn 3 và 4 (thiết kế chuyển đổi số và triển khai chuyển đổi số); còn lại 5% đang ở giữa giai đoạn 1 và 2 (chưa có ý tưởng chuyển đổi số và có mong muốn thực hiện chuyển đổi số) hoặc ở giai đoạn 3 (thiết kế chuyển đổi số).

Tiến sĩ Tô Hồng Nam cũng nhìn nhận, việc chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn tồn đọng một số khó khăn, hạn chế như là một số trường chưa thực sự quan tâm, thiếu truyền thông nội bộ và chưa gắn liền với chiến lược phát triển của nhà trường.

Một số trường thiếu kế hoạch 5 năm, lộ trình hàng năm, thiếu mô hình và kiến trúc tổng thể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số.

Có một số trường thì gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chưa chú trọng vào việc đảm bảo an toàn thông tin, chưa có quy chế quản lý và vận hành hạ tầng thông tin.

Song song đó còn có một số khó khăn liên quan đến nguồn lực như: Nguồn kinh phí đầu tư chuyển đổi số và xây dựng, triển khai mô hình giáo dục đại học chuyển đối số lớn; Đội ngũ nhân lực chuyên trách triển khai mô hình giáo dục đại học số cần được xây dựng, kiện toàn đồng bộ về cả số lượng lẫn chất lượng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh công nghệ số thay đổi rất nhanh, vòng đời ngắn, ngày càng hiện đại hơn; Năng lực số của cán bộ, giảng viên và sinh viên còn hạn chế, chưa đồng đều.

Học tập kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số từ Đại học Missouri của Hoa Kỳ

Chia sẻ tại buổi hội thảo, đại diện hệ thống Đại học Missouri của Hoa Kỳ cho biết nhà trường đang đầu tư vào một chiến lược phát triển nền tảng số, nhằm cung cấp cho người dân tại bang này và người học ở khắp mọi nơi có quyền truy cập và giáo dục trực tuyến từ 4 trường đại học thành viên trong hệ thống.

Từ những năm 2000, Đại học Missouri đã ứng dụng hệ thống máy tính và kết nối Internet bắt buộc trong các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

Năm 2018, hơn 100 chuyên gia từ trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, MU Course and Design Technology, Trung tâm Thiết kế và giảng dạy UMSL và Dịch vụ Công nghệ thông tin UMSL đã kết hợp xây dựng sáng kiến Missouri Online - một nền tảng số có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tập trung vào hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và quản lý hành chính đồng thời trên nền tảng số.

Trong đó có hơn 10.000 sinh viên có thể học hoàn toàn trực tuyến trong hơn 260 chứng chỉ, bằng cấp được phê duyệt tại trường. Trong 5 năm qua, số môn học được chuyển sang hình thức trực tuyến tăng hơn 49%.

Để đạt được những thành tựu đó, vào thời điểm năm 2018, Đại học Missouri đã chi 20 triệu USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống máy tính chủ, đường truyền và các hỗ trợ kỹ thuật khác.

Đội ngũ giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp các tài liệu để thực hiện giảng dạy Online. Khi đại dịch xảy ra, hệ thống đã sẵn sàng để chuyển đổi gần như toàn bộ các môn học sang hình thức dạy trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải (Đại học Missouri), một trong những khó khăn nhất khi thực hiện chuyển đổi số đối với công tác giảng dạy đó là cách xây dựng các hoạt động học tập để làm sao cho người học cảm thấy họ được đối xử công bằng. 

Đó không phải là việc tập hợp các tài liệu, đưa các file lên website, hay gửi cho sinh viên các đường dẫn để truy cập, mà đó là sự tổ chức, sắp xếp, xây dựng các hoạt động có tương tác xã hội cao, tạo ra sự công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022. Mục tiêu chung của Đề án là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.