Tiền Giang: Tuổi trẻ học đường tiên phong tham gia chuyển đổi số

Trần Vũ
09:03 - 16/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Tiền Giang đưa ra 05 nhiệm vụ trọng tâm, 12 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu 100% các huyện, thành, thị Đoàn tổ chức ít nhất 01 hoạt động chuyển đổi số tại các xã nông thôn mới; 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng tài khoản thanh toán điện tử trong năm 2023.

Tiền Giang: Tuổi trẻ học đường tiên phong tham gia chuyển đổi số - Ảnh 1.

Đoàn viên, thanh niên tham gia phiên chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức tại huyện Tân Phước.

Theo Cổng TTĐT Tiền Giang, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh qua 92 năm hình thành và phát triển, tổ chức Đoàn Thanh niên trên cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng đã luôn thể hiện bản lĩnh và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động tình nguyện và an sinh xã hội, từng bước tạo được sự tin tưởng và đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền và quần chúng Nhân dân.

Đưa "Chuyển đổi số" đến gần hơn với đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là đoàn viên Khối trường học

Năm 2023, là năm được Trung ương Đoàn chọn là "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn" và Chủ đề "Năm dữ liệu số" của Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Tiền Giang đã đưa ra 05 nhiệm vụ trọng tâm, 12 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu 100% các huyện, thành, thị Đoàn tổ chức ít nhất 01 hoạt động chuyển đổi số tại các xã nông thôn mới; 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng tài khoản thanh toán điện tử trong năm 2023.

Để thực hiện được nhiệm vụ năm 2023, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn là "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn", đòi hỏi sự quyết tâm, chung tay, vào cuộc của các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh để công cuộc "Chuyển đổi số" đến gần hơn với đoàn viên, thanh niên; đặc biệt là đoàn viên Khối trường học. Tỉnh Đoàn xác định lực lượng đoàn viên khối trường học giữ một vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng tìm năng và quyết định công cuộc tham gia chuyển đổi số.

Em Phan Thị Tuyết Nhung, Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) cho biết, từ những ứng dụng như Thanh niên Việt Nam cho đến phần mềm quản lý đoàn viên, được Đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu ứng dụng tích cực vào trong việc tham gia các cuộc thi do Trung ương Đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, Đoàn trường còn tích cực khai thác phần mềm quản lý đoàn viên thông qua ứng dụng Thanh niên Việt Nam và trang web "Quản lý đoàn viên" giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Song song đó, Đoàn trường còn triển khai, hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên trong nhà trường tải và cập nhật thông tin cá nhân qua ứng dụng VNeID - ứng dụng do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân giúp công dân khai báo di chuyển nội địa. Với khoảng 1.500 lượt tải về và cài đặt trong thời gian ngắn phát động.

Ngoài ra, nhà trường còn đơn giản hóa thủ tục hành chính và điện tử hóa thu nhận học phí. Tích cực xây dựng mô hình "hỗ trợ đoàn viên, thanh niên đăng ký làm thẻ ngân hàng miễn phí". Bên cạnh đó, đoàn viên học sinh khối trường học trong tham gia công cuộc "Chuyển đổi số", từng bước phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo, tiên phong của tuổi trẻ học đường trong những vấn đề "mới" của đời sống kinh tế, xã hội. Góp phần mở ra cho các bạn trẻ nhiều cơ hội để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn cuộc sống cũng như trong học tập, nghiên cứu.

Đoàn Trường THPT Thiên Hộ Dương (huyện Cái Bè) chủ động xây dựng Fanpage Facebook của Đoàn trường góp phần tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên trước các vấn đề, sự kiện nổi bật của Đảng, Đoàn, địa phương, đất nước và các hoạt động cụ thể của trường. Việc duy trì Fanpage thu được những kết quả tích cực, đoàn viên thanh niên Chi đoàn yên tâm, tin tưởng những thông tin được chia sẻ. Ngoài ra, Đoàn trường còn tích cực phổ biến, tuyên truyền vận động để đoàn viên các chi đoàn tham gia đầy đủ các cuộc thi trực tuyến do tổ chức Đoàn các cấp phát động, điều này góp phần nâng cao hiệu trong quả trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, tuyên truyền về các hoạt động, công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đoàn viên, thanh niên.

Tại Huyện Đoàn Tân Phước cũng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng mô hình thúc đẩy đoàn viên, thanh niên tham gia chuyển đối số. Đó là mô hình "Gian hàng 0 đồng" thông qua trang web, với mục đích có thể trao tận tay những mặt hàng như quần áo, tập sách cũ đến với các bạn có nhu cầu. Cụ thể, Đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp đã thiết kế một trang web "Gian hàng 0 đồng" với các mặt hàng như quần áo, tập sách, mũ nón, giày dép. Những ai cần thì có thể chọn vào mặt hàng mình muốn, trên hệ thống sẽ yêu cầu cập nhật số điện thoại, địa chỉ người nhận. Những đơn hàng nào gần khu vực thì các bạn đoàn viên của trường sẽ tập hợp lại và đi gửi vào thứ Bảy hàng tuần. Những đơn hàng nào ở xa thì sẽ phối hợp với bưu điện xã gửi theo địa chỉ. Hiện tại trang web vừa mới được thiết kế và đang thử nghiệm trong phạm vi của đơn vị Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp. Đã có những quyển sách hay, đôi dép đẹp được "khách hàng" bấm chọn thông qua trang web. Nếu mô hình hiệu quả, thời gian tới, Đoàn trường sẽ tiếp tục tham mưu với các ban, ngành phối hợp với các đơn vị để mô hình phát triển phạm vi lớn hơn như áp dụng cho xã, huyện và tỉnh.

Mỗi đoàn viên cần ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đã đạt được khi đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào công tác chuyển đổi số vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể như tại Đoàn Trường THPT Thiên Hộ Dương thì do nhận thức của một số đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ. Trình độ công nghệ thông tin của một số đoàn viên, thanh niên còn hạn chế. Cán bộ Đoàn còn gặp nhiều khó khăn về thời gian trong việc tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực số nên việc tham gia chuyển đổi số còn gặp không ít bất cập.

Em Huỳnh Nguyễn Kim Phụng, đoàn viên Trường THPT Nguyễn Văn Thìn (huyện Gò Công Tây) chia sẻ, công cuộc chuyển đổi số cho thanh niên trong nhà trường còn gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin của huyện còn chưa đồng bộ, cơ hội tiếp cận với internet tốc độ cao của thanh thiếu niên ở một số địa phương còn hạn chế.

Xuất phát từ những kết quả đã đạt được và những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cho đoàn viên, thanh niên về chuyển đổi số và những lợi ích của chuyển đổi số mang lại. Trong quá trình giáo dục, giáo viên cần lựa chọn các hình thức phù hợp như: Trải nghiệm thực tế, tuyên truyền thông qua video, trao đổi, tọa đàm. Cần đầu tư nghiên cứu ứng dụng các phần mềm vào thực tiễn công tác như: Phần mềm quản lý văn bản Zalo, Facebook,…; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, thanh niên khi tham gia chuyển đổi số.

Các cơ quan, ban, ngành cần tin tưởng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tham gia đảm nhiệm các công trình, phần việc thanh niên tham gia chuyển đổi số. Mỗi đoàn viên cần ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chuyển đổi số xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng 4.0, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó ngại khổ của đoàn viên, thanh niên….