Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục

11:17 - 11/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tạo nền móng chuyển đổi số.

Dạy và học ở Hải Phòng thời COVID-19

Ngay cả trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, nhiều trường học trên địa bàn Hải Phòng, việc dạy và học vẫn được đảm bảo thông qua các phần mềm dạy học trực tuyến.

Ở một số trường, giáo viên xây dựng các video bài giảng, ôn luyện cho học sinh, đăng tải trên các group của trường, lớp rồi chữa bài trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã phối hợp với Cục Công nghệ - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho giáo viên các trường học về triển khai ứng dụng dạy học online.

Cùng với đó, kho dữ liệu bài giảng điện tử E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo với hàng nghìn bài giảng được tuyển chọn trong các cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning cũng được các giáo viên tham khảo, lựa chọn và hướng dẫn học sinh…

Nối tiếp những mạch kiến thức từ trước kỳ nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh vẫn được kết nối với nhà trường, được tiếp cận kiến thức mới, được giao bài, kiểm tra bài hàng ngày.

Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số

Việc dạy và học trong giai đoạn COVID-19 bùng phát chính là "phép thử" cho công cuộc chuyển đổi số giáo dục ở Hải Phòng.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023 đã nêu rõ về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục: "Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học".

Hải Phòng là một trong những thành phố đầu tiên của cả nước ban hành "Kế hoạch chuyển đổi số" và là thành phố thứ 3 trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết về "Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Từ đó, ngành giáo dục thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030"; Nghị quyết số 03 ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.

Theo ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tạo nền móng chuyển đổi số. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến…

Tiên phong chuyển đổi số trong quản lí hồ sơ chuyên môn

Nhằm góp phần giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho đội ngũ, giúp thầy cô có nhiều thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã triển khai thí điểm Hệ thống quản lý hồ sơ, bước đầu số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu của giáo viên. Hệ thống quản lý bao gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ bộ môn và của từng giáo viên, Kế hoạch bài dạy.

Để trở thành đơn vị tiên phong và đạt được những hiệu quả cần thiết trong quản lý hồ sơ chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã phối hợp cùng đối tác công nghệ tổ chức hàng chục buổi hội thảo để hướng dẫn tất cả thầy cô trên địa bàn thành phố soạn hồ sơ thống nhất theo quy cách chung, đúng với quy định, sau đó ký số và gửi cấp trên phê duyệt trên phần mềm. Từ đó, lãnh đạo tổ chuyên môn, nhà trường, lãnh đạo Phòng, Sở có thể kiểm tra được hồ sơ của tất cả thầy cô mọi nơi, mọi lúc.

Việc quản lý hồ sơ của giáo viên trực tuyến sẽ từng bước số hóa thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Nhờ đó giáo viên không còn phải in giáo án để nộp như trước, thay vào đó chỉ nộp và chờ phê duyệt trên ứng dụng.

Việc số hóa hồ sơ, sổ sách không chỉ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, mà còn tiết kiệm kinh phí, giảm bớt công sức lao động cho thầy cô và giảm thủ tục không cần thiết, giúp đội ngũ tập trung làm tốt công việc chuyên môn.

Nguồn: Báo Chính phủ
Bình luận của bạn

Bình luận