Thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn là bài toán khó ở các địa phương

Ngọc Trân
13:07 - 14/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, tình trạng thừa - thiếu viên cục bộ ở các địa phương lại càng nhiều hơn trước. Nhiều môn học bị giảm số tiết. Ở cấp học có thêm môn học mới dẫn đến những khó khăn trong tuyển dụng, sắp xếp, phân công giáo viên giảng dạy ở các nhà trường.

Một số trường học vì yếu tố lịch sử để lại đang thừa nhiều giáo viên nhưng không thể điều động đi trường khác vì điều động ai đi cũng có đơn thư, khiếu nại kéo dài rất mệt mỏi cho các cấp quản lý. Nhưng, nếu để nguyên vậy thì giáo viên dạy thiếu định mức và đương nhiên là lãng phí tiền bạc cho ngân sách nhà nước, bất cập vẫn xảy ra. 

Bài toán thừa - thiếu giáo viên vì thế mà cứ mãi kéo dài từ năm này sang năm khác, chưa thể giải quyết dứt điểm được.

Thừa, thiếu giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ở cấp tiểu học được 3 năm; cấp trung học cơ sở được 2 năm; cấp trung học phổ thông được 1 năm. Theo lộ trình, đến năm học 2024-2025, ngành giáo dục sẽ thực hiện cuốn chiếu xong. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện chương trình mới thì bắt buộc nhiều môn học phải tuyển thêm, tuyển mới giáo viên.

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn là bài toán khó ở các địa phương - Ảnh 2.

Việc thừa, thiếu giáo viên xảy ra ở các cấp học hiện nay. Minh hoạ. edumail

Ở cấp tiểu học, môn tiếng Anh được dạy tự chọn từ lớp 1 và dạy bắt buộc từ lớp 3 nên dẫn đến thiếu giáo viên so với trước đây vì chương trình 2006 không dạy tự chọn môn học này. Môn Tin học ở chương trình 2006 không phải là môn bắt buộc ở tiểu học nhưng chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc từ lớp 3. Vì thế, các trường tiểu học hiện nay bắt buộc phải tuyển mới giáo viên Tin học.

Ngược lại, môn Tin học ở cấp trung học cơ sở lại thừa một nửa giáo viên nếu thực hiện xong chương trình mới ở cấp học này. Trước đây, môn Tin học mỗi tuần có 2 tiết/ lớp nhưng chương trình 2018 chỉ còn 1 tiết/ lớp. Vì vậy, nhiều trường loại I, loại II sẽ thừa từ 1-2 giáo viên Tin học so với khi dạy chương trình 2006.

Môn Công nghệ lớp 6 ở chương trình 2006 mỗi tuần có 2 tiết/ 1 lớp (70 tiết/ lớp/ năm) thì chương trình 2018 chỉ còn 1 tiết/ năm nhưng phần Công nghệ (sinh hoạt) chỉ còn 27 tiết/ lớp/ năm, 7 tiết còn lại chuyển sang Công nghệ (công nghiệp) cho giáo viên Vật lí dạy vào thời điểm cuối năm học.

Sang cấp trung học phổ thông, giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật thiếu hoàn toàn vì chương trình 2006 không có 2 môn học này nhưng chương trình 2018 thì 2 môn học này nằm trong các môn học lựa chọn của tổ hợp. Đặc biệt, đây là 2 phân môn nằm trong môn Nội dung giáo dục địa phương - môn học bắt buộc của cấp trung học phổ thông.

Thế nhưng, chuẩn bị bước vào năm thứ 2 thực hiện chương trình mới ở cấp học này, đa phần các trường trung học phổ thông trên cả nước không tuyển mới được giáo viên vì không có nguồn để tuyển.

Việc chương trình 2018 đều giảm số tiết/ năm so với chương trình 2006 nhưng lại có thêm một số môn học mới là Tin học ở tiểu học; môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông. Trong khi, cấp trung học cơ sở thì môn Tin học, Công nghệ 6 lại giảm đi một nửa số tiết so với trước đây khiến cho viên từng cấp học thừa thiếu cục bộ.

Điều chuyển giáo viên đi sẽ gặp khó khăn nên những môn thừa giáo viên thì nhà trường phân công làm những việc hình thức cho có như: trực giám thị, trực văn phòng để lấp số tiết thiếu. Có trường thì bỏ qua vì mấy công việc hành chính cũng đã có các bộ phận chuyên trách đảm nhận. Thế nhưng, môn thiếu thì phải tuyển mới, hoặc phải mời giáo viên thỉnh giảng hoặc chưa thể dạy cho học sinh. Đây là những bất cập lớn ở nhiều trường học hiện nay.

Thừa, thiếu giáo viên vì yếu tố lịch sử để lại

Bên cạnh thừa, thiếu giáo viên do chương trình mới có những môn học mới và số tiết học từng môn được điều chỉnh thì một thực trạng cũng đang xảy ra là tình trạng thừa giáo viên cục bộ ở một số nhà trường, nhất là trường ven đô thị, trường loại III.

Một giáo viên trung học cơ sở là tổ trưởng chuyên môn ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: trường của thầy là trường liền kề với thành phố. Vì thế, những năm trước đây nhiều giáo viên muốn chuyển về thành phố nhưng gặp khó khăn nên họ đều chuyển đến những trường giáp ranh để gần nhà và chờ cơ hội. Lúc bấy giờ, việc chuyển trường và phân công giáo viên dễ dàng hơn những năm gần đây rất nhiều.

Chính vì thế, mặc dù là trường loại III chỉ có 9 lớp nhưng trường hiện có 4 giáo viên môn Ngữ văn. Thế nhưng, bắt đầu từ năm học 2019-2020 thì Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra công văn yêu cầu các thủ trưởng đơn vị phân công đủ số tiết quy định đối với các tổ trưởng chuyên môn.

Công văn của Sở yêu cầu: "Hằng năm, căn cứ vào quy mô phát triển, số người làm việc hiện có tại các vị trí việc làm, việc đánh giá phẩm chất, năng lực viên chức của đơn vị để phân công nhiệm vụ và bổ nhiệm chức vụ Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn cho phù hợp đúng quy định của Điều lệ nhà trường.

Việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức quản lý tại đơn vị (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ phó chuyên môn) cần thực hiện nghiêm túc theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều I của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006".

Từ hướng dẫn của Sở, tất cả các tổ trưởng chuyên môn đều được nhà trường phân công dạy đủ số tiết theo quy định hiện hành. Đối với cấp tiểu học là 23 tiết, cấp trung học cơ sở 19 tiết và trung học phổ thông 17 tiết/ tuần. Vì thế, thầy được phân công dạy 4 lớp (16 tiết) và 3 tiết kiêm nhiệm tổ trưởng nữa là 19 tiết theo đúng định mức giáo viên trung học cơ sở. Đối với 5 lớp còn lại, trường phân công cho 3 giáo viên. Giáo viên nào chủ nhiệm lớp thì dạy 1 lớp Văn; giáo viên nào không chủ nhiệm lớp thì dạy 2 lớp Văn (cũng đều 8-9 tiết vì môn Ngữ văn lớp 9 có 5 tiết/ tuần, các lớp còn lại 4 tiết/ tuần).

Bất cập này tồn tại mấy năm nay nhưng nhà trường và địa phương không có hướng giải quyết cụ thể, tổ trường vẫn dạy đủ số tiết, cho dù giáo viên trong tổ thiếu một nửa định mức. Thế nhưng, có năm điều động 1 giáo viên đi trường thiếu thì họ làm đơn thưa gửi lên phòng, sở giáo dục nên chỉ thực hiện 1 năm rồi thôi.

Không chỉ môn Ngữ văn mà các môn học khác cũng đang xảy ra tình trạng thừa giáo viên vì quy môn trường loại III, số lớp quá ít. Giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cũng chỉ dạy có 9 tiết/ tuần, bằng nửa định mức quy định. Trong khi, các trường lớn đều đang dạy đủ định mức.

Giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên theo hướng nào cho hợp lý?

Trong khi Đảng và Nhà nước đang chủ trương tinh giản biên chế thì việc điều động, luân chuyển giáo viên từ trường thiếu sang các trường thừa cần phải được các cơ quan chức năng ở địa phương tính đến. Chẳng hạn, hiện nay cấp tiểu học có môn Tin học là môn học mới, phải tuyển mới giáo viên thì các cơ quan chức năng nên điều chuyển giáo viên Tin học từ cấp trung học cơ sở xuống dạy cũng là điều hợp lý vì cùng chung 1 địa bàn với nhau.

Giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở chưa có thì có thể điều động giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở các trường tiểu học, trung học cơ sở lên dạy liên trường, liên cấp. Trước khi dạy, Sở có thể bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, phương pháp cho họ. Về trình độ, theo Luật Giáo dục 2019 thì cấp học phổ thông nào cũng đều có chuẩn đại học nên điều động này cũng hợp lý mà giải quyết trước mắt được tình trạng các môn học chưa tuyển được giáo viên.

Việc điều động này, sở, phòng và nhà trường cần làm công tác tư tưởng trước với giáo viên và có thể hỗ trợ thêm một chút tiền xăng xe hàng tháng (nếu khoảng cách xa hơn đơn vị họ đang công tác).

Đối với các giáo viên một số môn học đang dư thừa có thể điều động sang dạy ở các trường bạn vì không thể để tình trạng trường thì thiếu giáo viên phải chi trả tiền thừa giờ, trường lại thừa giáo viên dạy chỉ một nửa định mức. Trong khi, thừa giờ là phải trả tiền thêm giờ, nhưng thiếu giờ dạy thì không thể trừ lương.

Nếu các cấp lãnh đạo ngành khéo léo động viên, hỗ trợ phù hợp trong quá trình điều chuyển giáo viên dạy liên trường, liên cấp; điều chuyển trường thừa sang trường thiếu thì biên chế giáo dục sẽ không tăng thêm quá nhiều. Đặc biệt, giải quyết được những bất cập tại chỗ hiện nay ở nhiều trường học, nhiều địa phương khi mà ngành giáo dục đang triển khai chương trình mới với nhiều môn học mới với số tiết co giãn khác nhau.