Giải bài toán thiếu giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới bằng cách nào?

Ly Hương
09:54 - 10/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nếu tốt nghiệp trung cấp sư phạm được dạy mầm non; cao đẳng sư phạm được dạy bậc tiểu học và một số môn đặc thù bậc trung học cơ sở thì sẽ giải được bài toán thiếu giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới như hiện nay.

Tại Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngành giáo dục các địa phương được giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026. Riêng năm học 2022 - 2023 được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Vì sao các địa phương thiếu giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới trầm trọng?

Từ thời điểm năm học 2020-2021 đến nay, trong quá trình ngành giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường tiểu học rất khó tuyển giáo viên các môn: Tin học; Tiếng Anh; Tiếng dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người.

Đáng chú ý, một số địa phương thiếu giáo viên trầm trọng như Nghệ An thiếu trên dưới 6.000 giáo viên trong năm học 2022-2023. Trong khi đó, tại Bình Dương, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, đã có 527 giáo viên nghỉ việc. Năm học 2022-2023, Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên nhưng vẫn chưa đủ nguồn.

Tương tự, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn: Ngoại ngữ 2; Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương; Công nghệ; Tin học; Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Sở dĩ các trường mầm non và phổ thông rất khó tuyển giáo viên vì bậc mầm non yêu cầu giáo viên phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; bậc tiểu học, trung học cơ sở tuyển trình độ đại học sư phạm nên người tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm mất cơ hội ứng tuyển. 

Và đây cũng là mấu chốt của điệp khúc thiếu giáo viên từ năm 2019 (ban hành Luật giáo dục sửa đổi) đến nay.

Trong báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). Trong đó có nguyên nhân, một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn.

Giải bài toàn thiếu giáo viên bằng cách nào?

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, ngành giáo dục cần tham mưu với các cơ quan hữu quan "hạ" tiêu chuẩn về trình độ được đào tạo đối với người tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu Chính phủ gia hạn để các giáo viên chưa đạt chuẩn (dưới chuẩn) tiếp tục học tập nâng chuẩn. Ở miền núi, vùng sâu vùng xa, người ứng tuyển vào làm giáo viên mầm non chỉ cần yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm.

Tương tự, người ứng tuyển vào làm giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (môn đặc thù, ví dụ Tin học, Công nghệ…) cần trình độ cao đẳng sư phạm là đạt yêu cầu. Trong quá trình công tác, giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ điều chỉnh Nghị định 71/2020/NĐ-CP bằng cách cho phép giáo viên còn 10 năm về hưu thì không phải tham gia nâng trình độ chuẩn được đào tạo (xem như đã đạt chuẩn).

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại chính sách thu hút, hỗ trợ cho giáo viên để có cơ sở đề xuất, sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn. Cần chính sách đãi ngộ đặc biệt, ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, một giải pháp không kém phần quan trọng, là Nhà nước cũng cần đảm bảo nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên. Như vậy cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và của toàn xã hội để lo cho đời sống giáo viên. Từ đó, góp phần đảm bảo, chăm lo cho đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề, yên tâm công tác để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.