Thủ tướng: Truyền thông phải là động lực truyền cảm hứng cho phát triển và đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy kinh tế số, phát triển nền tảng số để phục vụ người dân doanh nghiệp, tăng cường bảo vệ người dân trên môi trường số.
Ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Bên cạnh việc biểu dương kết quả quan trọng, tích cực ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế.
Chuyển đổi số chưa tạo được sự đột phá về tư duy, nhận thức, hành động và sản phẩm cụ thể
Trước hết, nhận thức và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông chính sách để người dân hiểu, tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng thành quả từ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa tạo được sự đột phá về tư duy, nhận thức, hành động và sản phẩm cụ thể. Xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam trong 10 năm qua chủ yếu ở vị trí thứ 80 - 99 (năm 2022 xếp 86/193 nước), cách khá xa mục tiêu vào nhóm 50 nước dẫn đầu đến năm 2026.
Kinh tế số chủ yếu là sản xuất điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Dịch vụ viễn thông, nền tảng số và kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn chưa nhiều; dữ liệu - yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số - còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Các cơ quan chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu; dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Số lượng nền tảng số Việt Nam còn hạn chế, chất lượng thấp. Người dân chủ yếu sử dụng các nền tảng nước ngoài, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát và quản lý chặt chẽ, dễ lộ lọt bí mật, không bảo đảm an toàn, khó xử lý khi phát sinh tranh chấp, có thể bị lợi dụng vào các hoạt động phi pháp trên không gian mạng. Doanh nghiệp công nghệ số phần lớn có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều.
Việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; kết quả xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí và biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí - truyền thông chưa được như mong muốn; vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác còn khá phổ biến; những thông tin sai lệch trên mạng còn nhiều.
Sẵn sàng với mọi rủi ro, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn
Thủ tướng kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, đổi mới sáng tạo phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và cũng nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển. Điều này đòi hỏi phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Ngành thông tin và truyền thông cần chủ động, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông xác định bối cảnh khó khăn, thách thức trên thế giới cũng như trong nước, tiếp tục chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thông tin và truyền thông cho năm 2023, Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đặt trong bối cảnh một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó phải bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thứ hai, phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. Thủ tướng giao ngành thông tin và truyền thông và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; trong đó có dữ liệu đất đai, nhà ở... Dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn đầu tư xã hội và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Thứ năm, tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam. Thúc đẩy thương hiệu "Make in Việt Nam", phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, đặc biệt là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành truyền thông.
Thứ sáu, tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí. Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Nhấn mạnh tinh thần của năm 2023 là "Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng tin tưởng Bộ và ngành thông tin và truyền thông sẽ phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm sau tốt hơn năm trước, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.
Một số nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2023:
Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 63.760 tỷ đồng.
Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 21 tỷ USD. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 30 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20 - 25%.
Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 1,3 tỷ USD.
Tổng doanh thu hoạt động xuất bản đạt 121 triệu USD.
Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất 1 loại hình báo chí thiết yếu đạt 80%.
Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện, xác minh được trên mạng xã hội đạt từ 90 - 95%.
Số lượng tài khoản người dùng Việt Nam đăng ký sử dụng mạng xã hội Việt Nam đạt 100 triệu.
Số xã, phường, thị trấn trong toàn quốc có đài truyền thanh đạt 95%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google