Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số

Hồng Ngọc
12:06 - 04/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng ngày 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về xử lý thông tin xấu độc, lừa đảo trên mạng, quản lý dữ liệu cá nhân, vấn về an ninh mạng, sim rác, hạ tầng viễn thông, chương trình chuyển đổi số Quốc gia.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phiên chất vấn của Quốc hội

sáng ngày 4/11. Ảnh: TTXVN

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội tiến hành chất vấn 3 nhóm vấn đề gồm:

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

- Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An, gần đây tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ; công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực như: An ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

“Mặc đù, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân”, đại biểu Lê Thị Song An cho biết.

Trả lời đại biểu Lê Thị Song An, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn sẽ có 3,1 triệu người truy cập và xác suất lừa đảo là rất lớn”.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà có ở hầu hết quốc gia. Các đối tượng sử dụng rất nhiều phương tiện trong đó có điện thoại và các trang web. Thời gian qua, Bộ đã hoàn thiện văn bản thể chế, định nghĩa rõ các hành vi, quy định quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển công an xử lý hình sự. Một trong những vấn đề Bộ quan tâm là xử lý một cách căn bản. Bộ đã công khai các đầu số điện thoại, trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vi phạm; phát triển công cụ, công nghệ quản lý không gian mạng.

Đối với sim rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xử lý vì đây là công cụ phục vụ lừa đảo. Tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, cả nước còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ, và đến năm 2022, chúng ta đã cương quyết và đến nay không còn. Về việc kiểm soát xem thông tin đó có chính xác, Bộ đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang đối soát, Thủ tướng cũng chỉ đạo trong năm nay và muộn nhất 2023 phải đảm bảo dữ liệu phải chính xác”, Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Về mức phạt đưa thông tin giả, sai sự thật, hiện Việt Nam tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

Vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, đây là vấn đề khá nhức nhối. Cơ bản quy định pháp luật Việt Nam là các cơ quan phải đảm bảo thực hiện quản cáo đúng pháp luật; tuy nhiên 2 năm gần đây có hình thức quảng cáo mới. Vừa qua Bộ đã sửa các văn bản, Nghị định và thanh tra kiểm tra để các cơ quan truyền thông ý thực việc này.

Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ sẽ chính thức thanh tra về vấn đề quảng cáo; mong muốn các Bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền cùng rà soát các lĩnh vực có liên quan đến ngành mình để kiểm tra xử lý vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng về đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin

Về đào tạo nhân lực thông tin và chuyển đổi số trong đó có hạ tầng cho ngành giáo dục, Bộ trưởng cho biết, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin cho bà con vùng sâu vùng xa có thể theo dõi tin tức, học tập đã đáp ứng được. Hiện nay, cáp quang đã được đưa đến 93% thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỉ lệ cao như vậy; giá cả cũng nằm trong top 20 trên thế giới, tương đối thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đáp ứng được, đáp ứng tốt và giá thì rẻ hơn nước ngoài. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025, có 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Do đó, cần đặt ra nhiều bài toán để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh hơn nữa.

Bộ trưởng nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số; Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đồng thời với môi trường số, cần tiến hành cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã ban hành Công văn đối với lĩnh vực này, theo đó người dân đã khai báo thông tin một lần thì không cần khai báo thông tin lần hai ở các cơ quan hành chính để đảm bảo không phiền hà, đồng bộ với môi trường số. Hiện nay, hiệu quả kết nối cơ sở dữ liệu tương đối tốt. Tuy nhiên cần có "nhạc trưởng" cho việc liên kết dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ về vấn đề này.

Về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này, đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/11, có 32 đại biểu chất vấn và 13 đại biểu tranh luận nhóm vấn đề về Thông tin - Truyền thông. Còn 5 đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng sẽ trả lời trong chiều 4/11.
Bình luận của bạn

Bình luận