Luật Giao dịch điện tử sẽ "phủ kín" tất cả hoạt động của đời sống xã hội

PV
16:25 - 19/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khắc phục bất cập trong Luật Giao dịch điện tử 2005, một điểm mới quan trọng của dự thảo sửa đổi là mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Luật Giao dịch điện tử sẽ "phủ kín" tất cả hoạt động của đời sống xã hội - Ảnh 1.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Bất cập trong Luật Giao dịch điện tử 2005

Theo đó, kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung. 

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.

Thứ hai, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Thứ ba, các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.

Thứ tư, các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Thứ năm, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.

Thứ sáu, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật Giao dịch điện tử sẽ "phủ kín" tất cả hoạt động của đời sống xã hội - Ảnh 3.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại

một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bảm bảo thích ứng được với sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Theo bộ trưởng, dự thảo sửa đổi lần này một mặt kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005; mặt khác, đã hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

Một điểm mới quan trọng của dự thảo sửa đổi là phạm vi áp dụng giao dịch điện tử “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Cụ thể, dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng cả đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử; hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường tán thành với việc mở rộng trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh Giao dịch điện tử đối với nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Một nội dung khác cũng đáng chú ý đó là dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử. Chương 3 dự thảo tập trung vào giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử. Dự thảo cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhưng đã chi tiết hóa việc sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài.

Nguồn: Tổng hợp