Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi: Mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động đời sống

An Như
16:19 - 07/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã bỏ nội dung loại trừ nhằm mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì phiên thẩm định dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử nhưng không phát sinh chi phí quản lý điều hành

Tại phiên thẩm định, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi cho biết, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện hành loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”. Việc loại trừ này có thể gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Do đó, theo dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng, cụ thể “Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.” Như vậy, với quy định này, dự thảo Luật sửa đổi đã bỏ nội dung loại trừ nêu trên nhằm mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử sẽ không phát sinh chi phí trực tiếp tới các hoạt động triển khai quản lý điều hành hiện tại. Tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần bổ sung kinh phí, thời gian để xây dựng, nâng cấp các hệ thống hiện tại để đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử, đặc biệt với các lĩnh vực nằm trong nhóm được loại trừ trước đây.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi: Mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động đời sống - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì phiên thẩm định

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước đã được giao nhiệm vụ tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang tiến hành triển khai xây dựng chính phủ điện tử, hoàn thiện mục tiêu đến năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, 4. 

Vì vậy, chi phí phát sinh nêu trên đã được dự kiến trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử của các Bộ, ngành, địa phương. Việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội sẽ tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là với các vấn đề liên quan nhiều bộ, ban, ngành. 

Bên cạnh đó, việc triển khai giao dịch điện tử đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống, xã hội sẽ góp phần tiết kiệm các chi phí trực tiếp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử

Đối với giao dịch trên môi trường mạng, giá trị pháp lý là vấn đề đặc biệt quan trọng, dự thảo Luật sửa đổi cũng cụ thể hóa chính sách về bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Nội dung này gồm các quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi, nhận thông điệp dữ liệu, bổ sung quy định chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy, quy định về phương thức chuyển đổi, tổ chức xác nhận, điều kiện đáp ứng của tài liệu giấy được chuyển đổi từ tài liệu điện tử, giá trị pháp lý của tài liệu giấy được chuyển đổi từ tài liệu điện tử.

Qua rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, các quy định nêu trên cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản hiện hành có liên quan. Các quy định này là bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ Luật lao động, Luật kinh doanh chứng khoán, Luật thương mại điện tử,…, nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên, nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại, nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, ngân hàng, tài chính và các lĩnh vực dân sự, hành chính.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi: Mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động đời sống - Ảnh 2.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh việc xem xét, đánh giá tính cần thiết của việc ban hành Luật, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên..., đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát dự thảo Luật này với với các luật khác trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, Luật Chứng khoán, Luật Công chứng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Kế toán, Luật Phí và lệ phí, Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Doanh nghiệp. Trong đó một số quy định của dự thảo Luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các văn bản pháp luật này.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, thành viên Hội đồng thẩm định cũng xem xét, đánh giá, cho ý kiến về nhiều nội dung khác của dự thảo Luật sửa đổi như: Quy định về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, Quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử...

Phát biểu tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 3, nội dung cơ bản phù hợp, đảm bảo tính cần thiết, hợp hiến, hợp pháp, phù hợp đường lối, chính sách của Đảng. Thứ trưởng cũng lưu ý cơ quan chủ trì đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số chính sách, hay xác định rõ hơn nữa về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đồng thời cân nhắc cả các quy định mang tính loại trừ để bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý một số điều của dự thảo Luật sửa đổi để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh vênh nhau giữa luật chung và luật chuyên ngành. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, đồng thời rà soát kỹ các quy định của các Luật khác (ngoài các Luật nêu trên phần rà soát hệ thống pháp luật) như Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự - vì liên quan đến nội dung về chứng cứ. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng rà soát lại các quy định đã có tại các Luật khác để tránh quy định lại hoặc bị trùng lắp...

Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2006. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế. Đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. 

Do là luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong hơn 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (chữ ký số), Ngân hàng (thanh toán điện tử), Tài chính (giao dịch chứng khoán, hoá đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và Thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc ban hành Luật Giao dịch điện tử là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: Bộ Tư pháp
Bình luận của bạn

Bình luận