Đề thi đề xuất môn Ngữ văn hay, giáo viên và học sinh cần tham khảo

Ly Hương
14:43 - 15/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hội thảo chuyên môn ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang có đề xuất đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề thi đề xuất môn Ngữ văn hay, giáo viên và học sinh cần tham khảo- Ảnh 1.

Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca thường được ra đề thi phần nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi Ngữ văn.

Nội dung đề thi được đề xuất và đáp án môn Ngữ văn

Câu 1 (8,0 điểm). Lời nói thành thực có thể gây đau khổ, nhưng nó cũng có thể chữa lành và đưa ra ánh sáng.

Hãy viết một bài văn nghị luận dựa trên ngữ liệu trên.

Câu 2 (12,0 điểm). Trong ngôn ngữ nghệ thuật thường xuất hiện những cấu trúc ngữ nghĩa cú pháp không thể đánh giá theo lô-gíc của ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Nếu một người bình thường nói: "Tôi muốn ăn trăng" hay "Tôi mặc áo trăng", chắc chắn đó là triệu chứng của bệnh lí về tư duy và ngôn ngữ. Nhưng trong thơ ca, những kết hợp bất thường như vậy lại được chấp nhận như một lối biểu hiện đặc biệt.

(Trích Chuyên đề học tập Ngữ văn 11, sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, trang 54)

Từ thông tin trên và từ trải nghiệm văn học, anh/chị hãy viết bài nghị luận với nhan đề: Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca.

Gợi ý đáp án câu nghị luận xã hội

1. Mở bài, kết bài: Mở đầu và kết thúc gây ấn tượng.

2. Giải thích: Lời nói thành thực là việc sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, ý kiến, cảm xúc và suy nghĩ một cách trung thực, không gian dối và không che giấu sự thật.

Lời nói thành thực có thể gây ra những điều không mong muốn (gây đau khổ), nhưng nó cũng có khả năng tích cực như giải quyết vấn đề, xây dựng mối quan hệ, và cung cấp thông tin quan trọng (chữa lành và đưa ra ánh sáng) trong tình huống khó khăn.

Nội dung câu nói: Sức mạnh của lời nói chân thành và cách chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người.

3. Phân tích, chứng minh: Khi một người nói lời thật lòng, đôi khi thông tin đó có thể gây đau khổ hoặc tổn thương. Những lời nói khắc nghiệt, chỉ trích hay tiết lộ sự thật không dễ nghe có thể làm đau lòng người nghe.

Khi người nói thể hiện tình cảm, chia sẻ cảm xúc, hoặc giúp người khác hiểu một tình huống, lời nói có thể giúp giải quyết xung đột, thúc đẩy sự thấu hiểu, và bắt đầu quá trình chữa lành.

Bằng cách nói lời thành thực, người ta có thể đưa ra ánh sáng vào một tình huống. Đó có thể là ánh sáng về hiểu biết, giải quyết vấn đề, tạo ra cơ hội cho sự phát triển và những thay đổi tích cực. Lời nói thành thực có thể làm sáng tỏ điều gì đang xảy ra và giúp người khác nhận ra con đường tốt nhất để tiến lên.

Học sinh đưa ra dẫn chứng để làm sáng tỏ lập luận. Có thể dùng chính trải nghiệm của bản thân về lời nói chân thành.

Bàn luận, mở rộng: Lời nói có thể có cả hai mặt, có thể gây đau khổ nhưng cũng có khả năng chữa lành và đưa ra ánh sáng, tùy thuộc vào cách chúng được sử dụng và nhận thức.

Lời nói thành thực đòi hỏi sự trung thực và thật lòng trong giao tiếp, bất kể nội dung nói chuyện là gì. Điều này bao gồm việc nói những điều mà bạn tin là đúng và không biến tấu hoặc làm lệch đi thông tin hoặc ý kiến.

Lời nói thành thực đóng vai trò quan trọng trong xây dựng lòng tin, giải quyết xung đột, và duy trì mối quan hệ cá nhân.

Gợi ý phần nghị luận văn học

1. Mở bài, kết bài: mở đầu và kết thúc gây ấn tượng

2. Giải thích: Thông tin cho biết về điểm khác biệt giữa ngôn ngữ trong văn chương và ngôn ngữ tự nhiên. Ngôn ngữ văn chương là ngôn từ nghệ thuật; ngôn ngữ mà tác giả sử dụng để tạo ra tác phẩm văn học, thường có tính nghệ thuật và biểu cảm cao.

Đặc biệt, ngôn từ trong thơ ca được tổ chức theo một cách nghệ thuật riêng, Sự kết hợp ngôn từ thơ ca khác biệt với ngôn ngữ tự nhiên về cấu trúc ngữ nghĩa, cú pháp nhằm thể hiện một lối biểu hiện riêng.

Từ thông tin trên và từ nhan đề "Vẻ đẹp của thơ ca", có thể thấy được sự khác biệt của ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ thơ ca. Chính lối biểu đạt riêng của ngôn ngữ trong thơ làm nên sức hấp dẫn và giá trị cho thơ ca.

3. Bàn luận: Ngôn từ trong thơ ca được sắp xếp và sử dụng một cách tinh tế và nghệ thuật để tạo ra một trải nghiệm đặc biệt cho người đọc. Điều này làm cho ngôn từ trong thơ trở nên quyến rũ và đẹp mắt.

Thơ ca thường sử dụng từ ngữ độc đáo và không phổ biến để tạo ra sự tươi mới và độc đáo trong tác phẩm. Thơ ca có thể mở rộng ra nhiều từ loại và ngữ nghĩa, tạo ra sự sáng tạo và khám phá trong việc sử dụng ngôn từ. Từ ngữ trong thơ ca thường được tinh chọn và sắp xếp một cách kỹ thuật để thể hiện ý nghĩa và tạo ra hiệu ứng đặc biệt.

Thơ ca thường sử dụng ngôn từ tạo ra hình ảnh và tượng trưng phong phú để thể hiện ý nghĩa và cảm xúc. Ngôn từ được sắp đặt một cách đặc biệt để kích thích trí tưởng tượng của người đọc và tạo ra các hình ảnh độc đáo, đôi khi ngược lý hoặc tượng trưng.

Trong thơ, từ ngữ được lựa chọn một cách cẩn thận để chuyển đạt ý nghĩa và tạo ra âm thanh, nhịp điệu và hình ảnh phù hợp với tác phẩm. Tác giả thường sử dụng từ ngữ không phổ biến hoặc từ cổ điển để tạo nên sự phong cách độc đáo.

Chứng minh bằng dẫn chứng văn học: Học sinh có thể sử dụng những dẫn chứng khác nhau để chỉ ra vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca. Dẫn chứng có thể nằm trong hoặc ngoài sách giáo khoa.

Cần khuyến khích các bài có dẫn chứng thơ đa dạng, phong phú (bao gồm cả văn học dân gian, văn học trung đại lẫn văn học hiện đại; văn học Việt Nam lẫn văn học nước ngoài). Trong quá trình phân tích, bên cạnh việc chú ý đến cái đẹp của ngôn từ nghệ thuật còn cần bình luận ý nghĩa, tư tưởng mà ngôn từ gợi ra.

Trân trọng, đánh giá cao những bài viết kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng, không tách rời hoàn toàn phần cơ sở lí luận và phần phân tích dẫn chứng.

4. Đánh giá, nhận xét: Ngôn từ trong thơ ca có thể tạo ra sự tương tác tâm hồn giữa tác giả và đọc giả, giúp người đọc cảm nhận và đồng cảm với những khía cạnh tinh tế và sâu sắc của cuộc sống.

Để có thể viết nên những trang thơ đẹp, nhà thơ phải có ý thức nghề nghiệp nghiêm túc, lao động nghệ thuật công phu trên con chữ.

Bình luận của bạn

Bình luận