Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn: Học sinh giảm áp lực, xã hội đỡ tốn kém

Thiên Ân
21:10 - 22/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc chọn phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn sẽ giảm áp lực thi cử, giảm chi phí cho gia đình học sinh cũng như cả xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn: Học sinh giảm áp lực, xã hội đỡ tốn  - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh - giáo viên Sinh học tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với 2 phương án như sau:‏

‏Phương án 1, thí sinh thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.‏

‏Phương án 2, thí sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.‏

‏Trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm cả Ngoại ngữ và Lịch sử.‏

Thi 4 môn vẫn đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp

Góp ý về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh - giáo viên Sinh học tại Hà Nội ủng hộ phương án thi 4 môn và cho rằng, phương án càng ít môn thi thì sẽ càng được mọi người lựa chọn. Đó là điều hiển nhiên mà chưa cần phải khảo sát.

Với phương án thi 4 môn, thí sinh sẽ thi 3 buổi, giảm 1 buổi so với hiện nay, giúp giảm áp lực thi cử, giảm chi phí cho gia đình thí sinh và cả xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp. Phương án này cũng phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

‏Trước ý kiến cho rằng thi 4 môn sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng Anh, loại môn này ra khỏi các môn thi bắt buộc có thể khiến học sinh sao nhãng kiến thức, thầy Khánh nêu quan điểm: "Những năm qua, tiếng Anh vốn là môn thi bắt buộc, học sinh được học xuyên suốt trong chương trình phổ thông nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh của đa số học sinh vẫn ở mức trung bình, điểm thi tiếng Anh tốt nghiệp liên tiếp "đội sổ".

‏Tâm lý của chúng ta thường là thi gì học nấy nên khi coi tiếng Anh là một môn học để thi tốt nghiệp thì việc dạy và học tiếng Anh sẽ khó đạt hiệu quả cao. 

Như vậy, nếu đưa tiếng Anh vào làm môn thi bắt buộc liệu có cần thiết hay lại trở nên lãng phí, mất thời gian".

‏Giáo viên này cho rằng, thay vì đưa tiếng Anh là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp để bắt học sinh học thì nên có kế hoạch, tuyên truyền, khích lệ học sinh học tiếng Anh. 

Đặc biệt cần thay đổi nhận thức để xã hội, các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh thấy được những lợi ích của việc học tiếng Anh như giúp học sinh phát triển toàn diện, tăng cơ hội việc làm trong tương lai, cải thiện chất lượng cuộc sống, trở thành công dân toàn cầu...‏

‏Cũng đồng tình với phương án thi 4 môn, thầy giáo Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chương trình phổ thông mới có 4 môn bắt buộc nên việc thi tốt nghiệp 4 môn là hợp lý.

‏"Thi nhiều môn sẽ kéo dài thời gian, điều này dẫn đến những hao tổn về kinh tế. Mặt khác, càng kéo dài nhiều ngày, hội đồng thi sẽ rất căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến tính bảo mật của kỳ thi", thầy Phú nêu quan điểm.‏

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn: Học sinh giảm áp lực, xã hội đỡ tốn  - Ảnh 3.

Thầy giáo Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: FBNV

‏Theo thầy Phú, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học rất nhẹ nhàng, học sinh chỉ cần đảm bảo những yêu cầu kiến thức cần đạt, chủ yếu phát triển kỹ năng, hình thành phẩm chất. Do đó, đề thi cũng nên điều chỉnh, bám sát nền tảng kiến thức cần đạt, không nên ra đề khó khiến học sinh phải đi học thêm. ‏

‏"Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cả một hệ thống đi từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, xét tốt nghiệp phải gắn với quá trình 3 năm trung học phổ thông của học sinh, không thể quyết định xét tốt nghiệp bằng điểm số của 4 môn, 5 môn hay 6 môn", Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho hay.‏

‏Nên giao kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các địa phương

‏Cũng theo ông Huỳnh Thanh Phú, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các địa phương tổ chức để phát huy tính linh hoạt, việc xét tuyển vào các trường đại học nên để các đại học thực hiện nhằm phát huy tính tự chủ. ‏

‏"Những năm gần đây, có rất nhiều phương thức xét tuyển vào đại học, không nhất thiết phải qua một kỳ thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phát huy vai trò quản lý, ra các chủ trương, định hướng cho địa phương, các trường đại học, không nên ôm đồm", ông Phú chia sẻ.

Trong khi đó, thầy giáo Sinh học Nguyễn Duy Khánh đề xuất trả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về đúng vị trí, không nên kèm thêm vai trò tuyển sinh đại học, cao đẳng.‏

‏"Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp những năm qua rất cao, gần như là tuyệt đối, cần thiết phải có phương án thi sao cho phù hợp, đúng luật giáo dục, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đánh giá năng lực của học sinh, đủ để học sinh có thể lấy được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó, các em có thể học tiếp lên đại học, cao đẳng, học nghề hoặc làm những công việc khác", ông Khánh nói.‏

‏Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là những trường top đầu phải đảm bảo được chất lượng đầu vào để đạt chất lượng đầu ra tốt.‏

‏"Các trường nên có các phương án tuyển sinh riêng và kết hợp trên nhiều hình thức, có thể vẫn dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp, xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ nhưng vẫn cần thêm các kỳ thi khác như như vấn đáp, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, phỏng vấn... để tuyển được những thí sinh có năng lực, phù hợp với chương trình đào tạo của mình", giáo viên này nêu quan điểm.‏

Bình luận của bạn

Bình luận