Thi tốt nghiệp 6 môn khiến thí sinh và điểm thi đều rất áp lực

Ly Hương
08:07 - 19/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tiếp tục bàn về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, các giáo viên nêu ý kiến thí sinh phải làm 5 bài thi gây áp lực, căng thẳng cho các em và cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi.

Thi tốt nghiệp 6 môn như hiện nay cả thí sinh và điểm thi đều rất áp lực - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Hoài Linh

Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều năm làm giám thị và thanh tra điểm thi chia sẻ, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là kì thi tốt nghiệp) gồm 6 môn như hiện nay gây áp lực cho cả thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ thi.

Thí sinh làm bài thi môn tổ hợp rất áp lực

Chẳng hạn, Kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 được tổ chức vào ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 thí sinh làm bài thi; ngày 30/6 dự phòng.

Thực tế, có trường hợp thí sinh phải làm lại bài thi ở ngày dự phòng vì sự cố trong khâu tổ chức thi khiến các em và cán bộ điểm thi đều căng thẳng, mệt mỏi.

Theo đó, tại Kì thi tốt nghiệp 2019, do ký nhầm ô trên tờ giấy thi, cán bộ coi thi ở Lào Cai yêu cầu thí sinh chép lại nhưng không bù giờ khiến Ban Chỉ đạo thi Kì thi tốt nghiệp (trung học phổ thông quốc gia) phải cho các em này thi lại môn Ngữ văn.

Đáng nói, gọi là bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội) nhưng thực ra nội dung đề thi là các môn thành phần. Ví dụ, thí sinh chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên thì các em phải làm 3 môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học trong một buổi.

Việc thí sinh phải làm 3 môn thi thành phần trong một buổi cũng gây ảnh hưởng không ít đến kết quả bài thi. Thí sinh thi tổ hợp Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội có thời gian làm bài liên tục từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 35 phút.

Nếu thí sinh được phép lựa chọn 2 môn thi thì việc làm bài sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ví dụ, từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 25 phút thí sinh làm bài thi môn thứ nhất, các em được phép nghỉ giải lao 30 phút sau khi giám thị thu xong bài, sau đó làm tiếp môn thi thứ 2 là hợp lí.

Ngoài ra, một số giáo viên Ngữ văn cho biết, đề thi môn này có thời gian làm bài 120 phút nhưng cấu trúc và nội dung đề thi còn manh mún cũng khó đánh giá đúng chất lượng bài thi của thí sinh mặc dù phổ điểm các kì thi đều khả quan.

Theo các giáo viên, nên giảm thời gian làm bài thi môn Ngữ văn từ 120 phút xuống còn 90 phút và giảm nội dung đề thi. Một số thầy cô giáo đề xuất, đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu và viết bài luận có độ dài khoảng 800 chữ (thay cho đoạn văn 200 chữ) và bỏ phần nghị luận văn học (phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ/văn xuôi) giúp đánh giá sát năng lực và giảm áp lực cho thí sinh.

Cán bộ điểm thi cũng bở hơi tai với kì thi tốt nghiệp

Thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, là cán bộ làm công tác thanh tra thi nhiều năm qua, thầy giáo phải có mặt lúc 5 giờ (sáng) tại điểm thi để kí nhận việc bàn giao đề thi cùng với trưởng điểm thi (trước đây gọi là Chủ tịch Hội đồng thi). Có năm thầy giáo phải đi từ lúc 4 giờ (sáng) vì nhà xa điểm thi, có lúc gặp mưa to gió lớn rất vất vả.

Đến điểm thi, khi thí sinh bắt đầu làm bài cho đến hết thời gian thi, thầy giáo Phan Anh phải thường xuyên giám sát xem giám thị coi thi, giám thị giám sát phòng thi có làm đúng quy trình, có lơ là công việc hay không.

Vào buổi chiều, khi thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ đã về hết thì giáo viên coi thi phải ở lại đợi giao bài thi, có khi 18 giờ mới được về nhà. Nếu thí sinh chỉ thi 4 môn thì cán bộ làm công tác thanh tra thi đỡ cực hơn.

Theo thầy giáo Phan Anh, việc tổ chức thi 6 môn khiến trưởng điểm thi, cán bộ làm công tác giám thị, giám sát, văn phòng cũng rất vất vả.

Chẳng hạn, thí sinh làm bài môn thi tổ hợp liên tục nên giám thị coi thi dễ mắc lỗi. Đó là, nhiều giám thị vội ký giấy thi trước (sợ không kịp thời gian) nên dẫn đến sai sót thường gặp là ký nhầm vào ô giám khảo hoặc giám thị 1 ký vào ô của giám thị 2 và ngược lại.

Vậy nên đã từng xảy ra chuyện có giám thị ký nhầm vào ô giám khảo, đến hơn nửa thời gian làm bài mới phát hiện, giám thị xử lí sai sót bằng cách cho thí sinh thay giấy làm bài khiến các em mất thời gian làm bài vì phải chép lại bài.

Mỗi khi giám thị mắc lỗi thì buộc trưởng điểm thi phải lập biên bản bất thường báo cho hội đồng thi để lưu ý giám khảo trong quá trình chấm bài. Bài thi bị lập biên bản bất thường thì được đem ra chấm chung, rất mất thời gian, công sức của giám khảo.

Đó cũng là lí do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, chia sẻ với truyền thông rằng, ông ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 2+2 (4 môn).

Theo ông Thống, phương án này sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh... như Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 đã nêu.

Về phương án thi tốt nghiệp với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, thầy giáo Phan Anh xin góp ý thêm với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp việc tổ chức kì thi được gọn nhẹ như sau:

"Buổi sáng thứ nhất của kì thi, giám thị tham gia họp điểm thi, sau đó hướng dẫn thí sinh làm thủ tục thi, sẽ tiết kiệm được 1 buổi. Hiện nay, buổi sáng thứ nhất của kì thi, giám thị họp điểm thi và kiểm tra hồ sơ thí sinh xong rồi về, và buổi chiều thầy cô hướng dẫn các em làm thủ tục dự thi sẽ lãng phí 1 buổi.

Nên chăng, buổi sáng thứ nhất của kì thi, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi, buổi chiều các em làm bài môn Ngữ văn. Sáng ngày thứ hai, thí sinh thi môn Toán và buổi chiều thi 2 môn lựa chọn là rất nhẹ nhàng.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, phương án thi tốt nghiệp 4 môn hay 5 môn, 6 môn đều có những nhược điểm nhất định. Vì vậy, nếu được thi 4 môn thì sẽ giảm áp lực cho thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ thi. Cùng với đó, sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho thí sinh và xã hội".