Thí sinh 'chém gió' bài thi môn Ngữ văn: Coi chừng bị 0 điểm

An Đôn
21:08 - 02/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Có những thí sinh lười học bài, cứ nghĩ "chém gió" trong bài thi tốt nghiệp môn Ngữ văn thế nào cũng có điểm. Bài thi có thể bị điểm 0 nếu thí sinh viết không ăn nhập gì với nội dung câu hỏi.

Nhiều năm làm giáo khảo tự luận môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (trước đây gọi là kì thi trung học phổ thông quốc gia), tôi đã từng chấm 0 điểm một số câu hỏi trong đề thi vì thí sinh "chém gió" vô tội vạ. Nhiều thí sinh bị điểm liệt (dưới 1,0 điểm) môn Ngữ văn cũng bởi lí do… "trời ơi đất hỡi" này. 

Vì sao thí sinh "chém gió" trong bài thi Ngữ văn?

Thứ nhất, Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất bên cạnh các môn thi trắc nghiệm Toán, Ngoại ngữ và các tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) khiến thí sinh lười học bài.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có hai phần, Đọc hiểu và Làm văn thì phần nào thí sinh cũng có thể "chém gió" nếu các em học hành lơ mơ, lười nhác. Có những thí sinh lười học bài, cứ nghĩ "chém gió" thì thế nào cũng có điểm. Tuy nhiên, thí sinh có thể bị điểm 0 nếu "chém gió" không ăn nhập gì với nội dung câu hỏi.

Tôi lấy ví dụ đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn những năm gần đây để minh chứng cho sự "chém gió" muôn màu muôn vẻ của thí sinh. 

Phần đọc hiểu của đề thi năm 2019 cho ngữ liệu là đoạn thơ trong bài "Trước biển" của Vũ Quần Phương. Câu 1 yêu cầu xác định thể thơ thì một số thí sinh trả lời thể thơ lục bát, trong khi đây là thể thơ tự do:

Biết nói gì trước biển em ơi!/ Trước cái xa xanh thanh khiết không lời/ Cái hào hiệp ngang tàng của gió…

Câu 2 hỏi nội dung hai câu thơ: "Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm" có ý nghĩa thế nào thì rất nhiều thí sinh không nêu được nghĩa ẩn dụ mà chỉ nói nghĩa tường minh: giọt mồ hôi chảy xuống miệng ngư dân cay đắng, có những người bị sóng cuốn trôi.

Câu 3 hỏi hiệu quả tu từ của các dòng thơ: "Cái hào hiệp ngang tàng của gió/ Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ/ Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời/ Cái giản đơn sâu sắc như đời". Tôi chấm rất nhiều bài thi thí sinh trả lời chung chung kiểu như "làm cho cách diễn đạt gợi hình gợi cảm, mang sắc thái văn chương".

Thứ hai, đa số những bài thi "chém gió" là của thí sinh có lực học yếu nhưng thiếu sự nỗ lực cố gắng. Bên cạnh đó, có nhiều thí sinh học lệch, nghĩa là các em chỉ xét tuyển vào đại học các nhóm ngành khoa học tự nhiên, thì cũng xuất hiện tình trạng "chém gió" như thế.

Câu nghị luận văn học đề thi năm 2019 yêu cầu thí sinh cảm nhận về hình tượng sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một giám khảo ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ có thí sinh viết như sau:

Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Lúc này, đế quốc Mĩ tiến hành leo thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam để kiếm một vé an toàn trên bàn đàm phán với chúng ta. Tác giả đã dành cả cuộc đời mình để dùng hết những kiến thức mà mình biết và tích luỹ bấy lâu để viết và làm nên tác phẩm này chỉ trong 10 ngày.

Sự thực, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này theo sách giáo khoa Ngữ văn 12 là: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bút kí xuất sắc, viết tại Huế, ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên (của tác giả).

Đề thi năm 2021, câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn thơ trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh. Tôi chấm một số bài thi có đoạn viết: "Ông Xuân Quỳnh viết bài thơ "Sóng" khi đang dẫn người yêu đi chơi biển". 

Còn sách giáo khoa viết rằng: "Sóng" được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

Dĩ nhiên, những bài viết như trên đều bị giám khảo chấm 0 điểm vì vừa không đúng đáp án vừa sai lạc kiến thức thực tế, và cũng có một số bài thi bị điểm liệt.

Cách "chém" trúng, "chém" đúng" trong bài thi Ngữ văn

Đối với các môn thi trắc nghiệm, nếu thí sinh đánh "lụi" cho 4 phương án A, B, C, D thì xác suất đúng trung bình khoảng 25% nhưng môn Ngữ văn có đặc thù riêng, không phải cứ "chém gió" hay viết nhiều chữ, nhiều trang là có điểm. 

Thực tế cho thấy, thí sinh thường "chém gió" câu nghị luận văn học vì tác phẩm trong chương trình lớp 12 tương đối nhiều và cũng khó nhớ. Thay vì "chém gió" lung tung, thí sinh phải biết cách "chém" trúng, "chém" đúng" thì mới có điểm. Cần chú ý phân tích các biện pháp tu từ hoặc những từ ngữ hình ảnh trong đoạn thơ, đoạn văn xuôi để làm rõ nội dung tác phẩm.

Ví dụ, phân tích vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà qua đoạn văn: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói đốt nương xuân. 

Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu và nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân đồng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầu đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về". (Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân).

Thí sinh có thể tham khảo hướng dẫn phân tích dưới đây trong một cuốn sách của thầy Phan Danh Hiếu (giáo viên tỉnh Đồng Nai) để có thêm kinh nghiệm khi làm bài.

Từ góc nhìn trên cao, Sông Đà như một cô gái kiều diễm với áng tóc trữ tình đằm thắm: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói đốt nương xuân". Nhịp điệu ngân nga, trầm bổng của câu văn góp phần gợi tả những nét thi vị thật đặc biệt của dòng sông. Câu văn dài chỉ duy nhất dấu phẩy kết hợp với điệp ngữ "tuôn dài" đem đến ấn tượng về sự liền mạch, miên man.

Điệp ngữ "tuôn dài, tuôn dài" giúp ta hình dung Sông Đà như mái tóc dài vô tận, trùng điệp giữa bạt ngàn của núi rừng Tây Bắc. Phép so sánh, nhân hóa "Sông Đà như một áng tóc trữ tình" khiến người đọc xuýt xoa trước vẻ đẹp diễm tuyệt của con sông. Cụm từ "áng tóc trữ tình" mang chất thơ, chất trẻ trung, sự đẹp đẽ và thơ mộng của dòng sông. Sông Đà như một kiệt tác của trời đất, của thiên nhiên, của tạo hóa rất đằm thắm, duyên dáng, nữ tính, giàu sức sống mà vẫn không làm mất đi sự hùng vĩ của nó.

Phép nhân hóa "đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai". Hai chữ "ẩn hiện" gợi cảnh huyền ảo, thực và mộng. Động từ "bung nở" và từ láy "cuồn cuộn" gợi tả sức sống hoang dại, mãnh liệt của dòng sông. Mái tóc của Sông Đà như được trang điểm nhiều nhiều màu sắc giống như một bức tranh tuyệt mĩ.

"Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu và nhìn xuống dòng nước Sông Đà". Câu văn có rất nhiều thanh bằng nối tiếp nhau tạo nên sự êm ái, nhẹ nhàng, mê đắm. Từ láy "say sưa" kết hợp với động từ "nhìn" tả cảm giác chìm đắm, ngẩn ngơ của nhà văn khi ngắm nhìn vẻ đẹp của Sông Đà.

"Mùa xuân đồng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô". Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc – sắc màu gợi cảm, trong lành, không có sự pha tạp. Đó là màu sắc của nước, núi, da trời dạt dào sức sống và rất riêng, rất độc đáo.

"Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầu đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về". Câu văn miêu tả sắc đỏ ửng hồng của độ đầu thu vừa gợi tả dòng chảy nặng nề, điềm đạm, chậm rãi của con sông mang nặng phù sa.