Chiến thuật lấy điểm giỏi câu nghị luận văn học bài thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông

Phan Thế Hoài
11:55 - 01/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thí sinh làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. Thí sinh cần lưu ý những nội dung sau đây để có thể lấy điểm giỏi câu nghị luận văn học.

Chiến thuật lấy điểm giỏi câu nghị luận văn học bài thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông - Ảnh 1.

Thí sinh sau kỳ thi ở Hà Nội. Ảnh: Thế Bằng

Muốn làm tốt câu nghị luận văn học – chiếm 5 điểm trong tổng điểm bài thi, trước hết thí sinh cần tham khảo thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ nhất, bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề (0,25 điểm).

Thứ hai, xác định được vấn đề cần nghị luận (để không viết lạc đề), chú ý lệnh chính và lệnh phụ (0,5 điểm).

Thứ ba, triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm: giới thiệu khái quát về tác giả và vấn đề cần nghị luận; cảm nhận, phân tích đoạn thơ, văn xuôi; làm rõ lệnh phụ (3,5 điểm).

Thứ tư, chính tả, ngữ pháp: bảo đảm chính tả, ngữ pháp tiếng Việt (0,25 điểm).

Thứ năm, sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ (0,5 điểm).

Theo đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích một đoạn trích văn xuôi cùng với một câu hỏi phụ. Thí sinh có thể tham khảo đề văn sau đây để rút kinh nghiệm trong khi làm bài thi.

Phân tích vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà qua đoạn văn sau trong tác phẩm "Người lái đò Sông Đà"; từ đó, nhận xét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện qua đoạn trích:

Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình... Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra. (Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, Nhà xuất bản Giáo dục, 2008)

Mở bài

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn xuất sắc của văn xuôi hiện đại Việt Nam, có đóng góp quan trọng cho thể loại kí, tùy bút và sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Ông là một nghệ sĩ lớn suốt đời đi tìm cái đẹp, với phong cách tài hoa, uyên bác.

"Người lái đò Sông Đà" được in trong tập "Sông Đà", là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ trong chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân đến với vùng đất Tây Bắc năm 1958. Qua hình tượng con Sông Đà và người lái đò, tác phẩm thể hiện sự tìm kiếm "chất vàng" của thiên nhiên cùng "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của con người Tây Bắc. Qua đó, bộc lộ tình yêu tha thiết của nhà văn đối với đất nước, con người và cuộc sống.

Hình tượng Sông Đà trữ tình được thể hiện rõ qua đoạn trích (trích dẫn đoạn trích). 

(Lưu ý: nếu thí sinh viết mở bài sáng tạo thì đưa phần hoàn cảnh sáng tác xuống phần thân bài).

Thân bài

Cảm nhận về thị giác: độ cao, sâu của Sông Đà hiện lên thật khủng khiếp: "Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành".

Hai bên lòng sông như được xây bằng đá "đá dựng vách". "Vách thành" gợi ra sự sừng sững, hiểm trở, đá từ mặt sông như vọt lên trời cao. Vách đá dựng đứng khiến "mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời", nghĩa là mặt sông tăm tối suốt ngày.

Độ hẹp: "có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu". Động từ "chẹt" gợi ra hình ảnh lòng sông bị đá bóp nghẹt lại, làm cho dòng chảy như bị tắc nghẽn, tạo nên sự ngột ngạt, hình ảnh so sánh với cái "yết hầu" gợi sự chật chội của Sông Đà.

"Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia". Các từ "nhẹ tay", "ném", "vọt" gợi tả sự nhẹ nhàng, không tốn sức.

Cảm giác lạnh: "ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh". Lạnh là do không khí mát mẻ dười dòng sông mang lại, vừa là cảm giác sởn gai ốc vì sợ hãi trước miệng con thủy quái.

Cảm giác về độ cao, đơn độc, sợ hãi: "cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện". Đó là bờ đá cao ngất như "trên cái tầng thứ mấy". Câu văn tạo ra ấn tượng của thị giác khi lấy hè phố để miêu tả mặt sông, lấy nhà cao gợi tả vách đá. Động từ "tắt phụt" gợi bóng tối bủa vây, con người đơn độc, chới với.

Quãng mặt ghềnh Hát Loóng: "Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số" gợi ra độ dài mơ hồ, không rõ ràng, vượt qua độ dài ấy là biết bao nguy hiểm.

Phép điệp động từ "xô" kết hợp nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự trùng điệp của hành động "xô": "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió…". Câu văn có nhịp ngắn, nhanh, dồn dập, kết hợp với nhiều thanh trắc giúp ta hình dung con sóng cuồn cuộn vút lên cao, chồm lên nhau tạo sự va đập, xô đẩy. Từ láy "cuồn cuộn" miêu tả luồng gió mạnh, gào rú, âm thanh "gùn ghè" là tiếng gió mài vào đá sắc lạnh, gieo rắc nỗi sợ hãi cho con người.

Nhà văn cảnh báo "quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra" làm tăng sự hiểm nguy của Sông Đà.

Nghệ thuật qua đoạn trích: Thành công của đoạn trích nói nói riêng và tùy bút "Người lái đò Sông Đà" nói chung là nhờ cách trần thuật hấp dẫn, tỉ mỉ, công phu. Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, liệt kê, phép điệp, nhân hóa, miêu tả, liên tưởng bất ngờ thú vị. Sử dụng ngôn ngữ của nhiều lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, quân sự, võ thuật… cùng với giọng văn đa dạng giàu nhịp điệu.

Con Sông Đà vô vô tri, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân đã trở thành một sinh thể có tâm hồn, tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc làm nên một diện mạo của một con sông hung bạo và trữ tình. (Lưu ý: thí sinh vận dụng kiến thức về lí luận văn học, biện pháp tu từ cùng với việc phân tích từ ngữ của một số lĩnh vực như hội họa, điện ảnh, võ thuật… để làm rõ vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà. Cũng có thể so sánh vẻ đẹp của Sông Đà và sông Hương để bài viết hay hơn).

Nhận xét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: Nhà văn có vốn hiểu biết uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Ông luôn quan sát và miêu tả thiên nhiên ở góc độ thẩm mỹ, còn con con người thì ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.

Trước hay sau cách mạng, Nguyễn Tuân đều viết về cái đẹp, tôn thời cái đẹp, cùng với đó là chất văn thiên về những cảm giác mãnh liệt với những góc nhìn độc đáo, mới lạ, không lặp lại người khác. Thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ sáng tạo, góp phần làm phong phú tiếng Việt. (Nội dung này chiếm 0,5 điểm, thí sinh cần nắm kĩ để làm bài cho nhanh, tiết kiệm thời gian)

Kết bài

"Người lái đò Sông Đà" là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.

Tác phẩm còn cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc, cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hóa và những kì tích lao động của con người.

Thí sinh có thể phát biểu cảm nghĩ ở phần kết bài, với suy nghĩ chân thành, cảm xúc.