Kĩ năng lấy trọn điểm nghị luận xã hội bài thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông

Nguyễn Việt Đức - Phan Thế Hoài
18:11 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thầy Nguyễn Việt Đức và thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thí sinh làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. Thí sinh cần lưu ý những nội dung sau đây để có thể lấy trọn điểm câu nghị luận xã hội.

Cấu trúc đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông có 2 phần: đọc hiểu và làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Trong đó, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ bàn về một hiện tượng đời sống hoặc một tư tưởng đạo lí.

Kĩ năng lấy trọn điểm nghị luận xã hội bài thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông - Ảnh 1.

Phụ huynh và thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông. Ảnh Thế Bằng

Vậy, đoạn văn là gì? Đoạn văn là bộ phận của văn bản, có chủ đề thống nhất, có kết cấu hoàn chỉnh được đánh dấu từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng.

Về hình thức, thí sinh viết khoảng 2 phần 3 tờ giấy thi, không xuống dòng, không được viết đoạn văn như một bài văn thu nhỏ (mở bài, thân bài, kết bài). Thầy cô thường khuyên học sinh nên viết đoạn văn theo hình thức tổng-phân-hợp, là sự phối hợp diễn dịch với quy nạp để đoạn văn được chặt chẽ.

Về nội dung, câu mở đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo khai triển ý khái quát, câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Những câu khai triển được thực hiện bằng thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, nhận xét hoặc nêu cảm tưởng, để từ đó đề xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp lại, khẳng định thêm giá trị của vấn đề.

Ví dụ đoạn văn tổng-phân-hợp: Sách mang tới cho chúng ta nguồn kiến thức vô hạn. Bởi sách cung cấp cho chúng ta thông tin, kiến thức về văn hóa, chính trị, xã hội. Sách giúp chúng ta được sống nhiều cuộc đời khác nhau, "mở ra những chân trời mới" (M. Gorki). Vì vậy, có thể nói sách chính là kho tàng kiến thức của cả nhân loại.

Lưu ý, thí sinh cần tránh một số lỗi như: viết câu chủ đề quá dài, bài viết kể lể lan man, sử dụng ngôn ngữ nói, triển khai ý không ăn nhập với chủ đề, thiếu dẫn chứng, bài viết quá ngắn, sai chính tả… - sẽ bị trừ điểm theo quy định.

Thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau: bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm); xác định đúng vấn đề nghị luận (0,25 điểm); triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm); chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm); sáng tạo (0,25 điểm).

Thời gian này thí sinh cần tập trung vào 2 nhóm chính: hành động, nhận thức của bản thân về một vấn đề. Ví dụ: tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước; cần hành động gì để lan toả giá trị của đất nước Việt Nam…; ý nghĩa của một thái độ, một hành động cụ thể. Ví dụ: sức mạnh của nghị lực; sự cần thiết của đam mê; ý nghĩa của cống hiến.

Thí sinh không nên đoán đề thi để rồi học tủ rất mất thời gian, công sức vì vấn đề nghị luận xã hội rất rộng, không chỉ giới hạn những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm. Thí sinh cần nắm vững kĩ năng viết một đoạn văn để làm bài được tốt.

Ví dụ: Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.

Đối với đề bài này, thí sinh có thể tham khảo hướng dẫn theo dàn ý chi tiết dưới đây để viết bài cho tốt.

- Mở đoạn: Bạn có biết để bước lên được những nấc thang của sự thành công con người luôn phải biết đạp lên trên thất bại để vươn tới? Không còn con đường nào khác, bạn cần phải học cách chấp nhận nó để vươn lên.    

- Thân đoạn: Thất bại là một thời điểm mà người ta chưa thể thực hiện được  những  mục  tiêu  mà  mình đề ra, là những vấp ngã, khiến ta cảm thấy  dễ  dàng chán nản và  mệt mỏi.

Cần biết suy nghĩ tích cực về thất bại: thất bại chỉ là khoảnh khắc, là câu chuyện của một thời điểm; con đường đi đến thành công là con đường đi xuyên qua sự thất bại.

Thừa nhận và đối diện với thất bại. Chính nhờ thất bại mà con người tích lũy được kinh nghiệm, mài sắc được ý chí và nghị lực.

Kiểm điểm và nhìn nhận, đánh giá lại bản thân mình: Đánh giá lại năng lực, những kinh nghiệm mình đã gặt hái được.

Tìm kiếm một hướng đi mới hoặc tiếp tục cuộc hành trình.

Nỗ lực vươn lên thất bại, vượt lên chính mình, kiên trì để khẳng định bản thân… Học sinh lấy một dẫn chứng tiêu biểu minh họa cho luận điểm, tránh lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học.

Thất bại và thành công không đối lập với nhau. Thất bại là thành công bị trì hoãn. Chấp nhận thất bại là một cách, thậm chí là cách duy nhất để kiến tạo thành công.

- Kết đoạn: Chấp nhận thất bại là một suy nghĩ tích cực, tạo động lực cho con người vươn tới thành công. Ra sức học tập, trau dồi kiến thức, không ngừng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Vượt lên thất bại, luôn tiến về phía trước.