Bí quyết lấy trọn điểm phần đọc hiểu bài thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông
Thầy Nguyễn Việt Đức và thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thí sinh làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. Thí sinh cần lưu ý những nội dung sau đây để có thể lấy trọn điểm phần đọc hiểu.
Câu 1, câu 2 (nhận biết) thường có các dạng như sau: thứ nhất, hỏi xác định thể thơ (đối với ngữ liệu thơ). Thí sinh đếm số chữ trong câu (không đếm số câu) để trả lời.
Ví dụ: Một cái cây sống/ Nhỏ to không quan trọng/ Một cái cây/ Không bị ai bán đứng/ Dù cổ thụ hay tơ non (Thanh Thảo).
Ta thấy, đoạn thơ này có những câu thơ dài ngắn khác nhau, đó là thể thơ tự do.
Thứ hai, yêu cầu tìm từ ngữ, hình ảnh, chi tiết trong văn bản. Thí sinh tìm trong văn bản, gạch chân vào từ ngữ tìm được và trình bày vào bài làm.
Ví dụ: ký ức tuổi thơ trong nỗi nhớ thương của tác giả được thể hiện qua những hình ảnh nào trong đoạn thơ dưới đây?
Đất nước ơi qua mỗi chặng đường/ qua mỗi chặng lớn khôn/ nhớ viên bi tuổi thơ sân trường lăn bảy màu ký ức/ thương nhành ổi bên nhà đong đưa bím tóc/ thương cánh diều rủ rê trốn học/ thương câu Kiều thầy giảng buổi bình văn (Nguyễn Đức Dũng)
Đáp án: viên bi tuổi thơ sân trường lăn bảy màu ký ức, nhành ổi bên nhà đong đưa bím tóc, cánh diều rủ rê trốn học, câu Kiều thầy giảng buổi bình văn.
Thứ ba, hỏi phương thức biểu đạt của văn bản. Thí sinh dựa vào đặc điểm của 6 phương thức biểu đạt để trả lời: biểu cảm (cảm xúc); tự sự (kể, nhân vật, chi tiết); nghị luận (quan điểm); thuyết minh (cung cấp hiểu biết); miêu tả (hình ảnh, đường nét, màu sắc).
Ví dụ: Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: đất nước ơi qua mỗi chặng đường/ qua mỗi chặng lớn khôn/ nhớ viên bi tuổi thơ sân trường lăn bảy màu ký ức/ thương nhành ổi bên nhà đong đưa bím tóc/ thương cánh diều rủ rê trốn học/ thương câu Kiều thầy giảng buổi bình văn. Đáp án là phương thức biểu cảm.
Thứ tư, yêu cầu xác định biện pháp tu từ. Thí sinh chỉ cần nêu tên và dấu hiệu của biện pháp tu từ (chú ý một số biện pháp cơ bản: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, liệt kê, phép điệp, câu hỏi tu từ…)
Câu 3 (thông hiểu), yêu cầu cao hơn một chút, có thể gặp các dạng như: thứ nhất, nêu hiệu quả biện pháp tu từ. Thí sinh cần trả lời 2 ý, trình bày như sau: biện pháp được sử dụng trong câu thơ...; tác dụng.
Ví dụ: phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp so sánh trong câu thơ sau: Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim (Tố Hữu)
Đáp án: so sánh tâm hồn mình với "vườn hoa lá". Tác dụng: cách diễn đạt giàu hình ảnh, gợi liên tưởng thú vị; khiến người đọc cảm nhận được sự tươi mới, rực rỡ và tràn đầy sức sống của tâm hồn nhà thơ. Qua đó, ta hiểu được sự tác động mạnh mẽ của lí tưởng của Đảng đối với nhà thơ.
Thứ hai, nguyên nhân/ vì sao tác giả cho rằng… Thí sinh tìm nguyên nhân vì sao tác giả lại nêu quan điểm đó. Chú ý đến từ, cụm từ trong câu (giải thích, nêu ý nghĩa của những từ đó ra nháp, kết nối vào câu in nghiêng trong câu hỏi để tạo câu trả lời). Chia phần trình bày thành 2 ý, mỗi ý một đoạn ngắn 3-4 dòng.
Ví dụ: Vì sao tác giả cho rằng: Bạn có thể cảm nhận được mùi hương ngọt ngào của đóa hoa thành công, nhưng nếu muốn hái được chúng thì bạn phải rời vị trí và phải chịu đựng đau đớn bởi những chiếc gai nhọn của nó?
Ta có 2 cụm từ in đậm (từ khoá), giải thích và ghi ra nháp. Chẳng hạn: cảm nhận được mùi hương ngọt ngào của đóa hoa thành công: Cảm nhận được giá trị của thành công. hái được chúng thì bạn phải rời vị trí và phải chịu đựng đau đớn bởi những chiếc gai nhọn của nó: có được thành công ta phải chủ động (rời vị trí) và chấp nhận đối mặt với thử thách, khó khăn (chịu đựng đau đớn bởi những chiếc gai nhọn của nó).
Đáp án: nguyên nhân tác giả cho rằng "Bạn có thể cảm nhận được mùi hương ngọt ngào của đóa hoa thành công, nhưng nếu muốn hái được chúng thì bạn phải rời vị trí và phải chịu đựng đau đớn bởi những chiếc gai nhọn của nó". Vì mỗi người trong chúng ta đều có thể cảm nhận và thấu hiểu những giá trị to lớn, ngọt ngào mà thành công mang đến. Thế nhưng thành công không tự tìm đến với chúng ta, để có được nó chúng ta phải hành động một cách chủ động.
Quá trình chinh phục thành công không hề dễ dàng. Trong quá trình ấy, chúng ta cần dũng cảm, có bản lĩnh,… để vượt qua những thử thách, trở ngại.
Thứ ba, nêu cách hiểu về văn bản/ câu thơ, câu văn. Thí sinh chú ý đến từ khoá đi kèm (ví dụ: cách hiểu về mối quan hệ, cách hiểu về vai trò…). Thí sinh tạo thành 2 đoạn văn ngắn, xoay quanh cách hiểu (tức nội dung mình tiếp nhận được từ văn bản).
Ví dụ: Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?
một con sông rì rầm sóng vỗ/trong muôn vàn trang thơ/làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà/ tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt (Lưu Quang Vũ).
Lưu ý khi giải đề: quan tâm đến từ khoá "hiểu" tức nội dung, "vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam", từ đây ta xác định câu trả lời chỉ xoay quanh: 4 câu thơ cho ta biết con sông Hồng có vai trò gì đối với con người Việt Nam?
Đáp án: những dòng thơ giúp chúng ta hiểu thêm về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam.
Sông Hồng đã hình thành nên đời sống tinh thần của con người Việt Nam: trở thành hình tượng đẹp đẽ trong văn học, tưới mát tâm hồn con người: "một con sông rì rầm sóng vỗ/trong muôn vàn trang thơ"; trở thành hình ảnh đẹp nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên văn hóa đặc trưng của con người Việt: "tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt".
Bên cạnh đó, Sông Hồng còn mang giá trị vật chất to lớn: góp phần giúp con người duy trì và phát triển sự sống của con người Việt Nam: "làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà".
Thứ tư, nêu nội dung của đoạn, câu… Thí sinh trình bày thành 2 đoạn: ý 1, tìm từ khoá để giải nghĩa, kết nối để tạo ra câu trả lời (xoay quanh thông tin gì, về đối tượng nào...); ý 2, tác giả/ nhân vật bày tỏ tình cảm gì…
Ví dụ, anh/ Chị hiểu nội dung hai dòng thơ sau như thế nào: Xa đất nước, vẫn cành xuân phơi phới/ Quyết đơm hoa góp mùa rộ quê nhà (Huy Cận).
Chú ý các từ: xa đất nước (xa quê hương, đang ở xứ người); cành xuân phơi phới, quyết đơm hoa góp mùa rộ quê nhà (cành hoa làm đẹp mùa xuân, tác giả muốn làm đẹp đất nước). Tác giá mong muốn cống hiến cho đất nước, cho quê hương.
Đáp án: Nội dung hai dòng thơ thể hiện nỗi nhớ và sự quyết tâm góp sức xây dựng quê hương, đất nước của nhân vật trữ tình. Bộc lộ tình cảm trân trọng, yêu quý của tác giả dành cho những người xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về quê hương của mình.
Thứ năm, tác giả đã thể hiện thái độ, tình cảm gì trong văn bản? Thí sinh trình bày thành 2 đoạn. Cần xác định rõ 3 ý sau: tình cảm của ai (tác giả hay nhân vật trữ tình trong văn bản); tình cảm gì, thái độ gì (chú ý một số từ khoá như: yêu thương, trân trọng, tự hào, biết ơn, nhớ, đồng cảm, xót thương, ngợi ca …); tình cảm, thái độ đó hướng về ai. Sau đó thí sinh kết nối thành 2 đoạn văn ngắn.
Ví dụ: Tác giả đã thể hiện tình cảm, thái độ của tác giả dành cho đất nước được thể hiện trong đoạn thơ sau?
Ý 1 và 3 có trong câu hỏi: tác giả - đất nước, ý 2 lấy các từ khoá phù hợp: yêu thương, trân trọng, tự hào, biết ơn.
Đáp án: tác giả đã bày tỏ tình thương yêu, sự trân quý của mình trước hình ảnh thiêng liêng, hào hùng của đất nước. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước; biết ơn, ngợi ca những thế hệ người đã hi sinh vì đất nước.
Câu 4 (vận dụng), đề thi có thể hỏi như sau: thứ nhất, nêu ấn tượng sâu sắc nhất của anh/ chị về câu/ đoạn thơ sau...; thứ hai, theo anh/ chị, nét nổi bật nhất trong… là gì?; thứ ba, nêu nguyên nhân khiến anh/ chị đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm ...; thứ tư, nêu thông điệp sâu sắc nhất; thứ năm, nội dung văn bản/ câu thơ - câu văn mang đến cho anh/ chị ý nghĩa gì?...
Ví dụ, anh/ chị có đồng ý với quan điểm "Thất bại là chuyện không thể tránh khỏi. Cú giật lùi cũng có thể tạo động lực và dạy ta khiêm tốn. Trong đau buồn, bạn sẽ tìm thấy can đảm và niềm tin để vượt qua thất bại. Hãy rút kinh nghiệm để trở thành người chiến thắng chứ không phải nạn nhân" được nêu trong đoạn trích không? Vì sao?
Đáp án: ý kiến trên rất hợp lí vì thất bại là điều không thể tránh khỏi với bất kì ai đang trên con đường chinh phục thành công.
Đằng sau mỗi một thất bại không phải là dấu chấm hết, nó đem đến những giá trị to lớn để ta có thêm kinh nghiệm, sức mạnh vươn tới phía trước.
Thế nhưng không phải ai cũng vượt qua được nỗi đau mang tên thất bại, có người nhìn thấy mặt tích cực của nó để thành kẻ chiến thắng nhưng cũng có người bi quan tiêu cực và trở thành nạn nhân của chính thất bại.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google