Thẻ tín dụng mất an toàn: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khẩn

PV
08:34 - 28/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện ngay một số nội dung trọng tâm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng.

Triển khai ngay một số biện pháp đảm bảo, không để tình trạng thẻ tín dụng mất an toàn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Công văn số 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng, tránh tình trạng thẻ tín dụng mất an toàn.

Thẻ tín dụng mất an toàn: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khẩn- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện ngay một số nội dung trọng tâm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong ngành rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng bảo đảm tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, chỉ đạo, quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện đúng trình tự, thủ tục phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng theo đúng quy định pháp luật khi thực hiện phát hành thẻ cho khách hàng.

Tiếp đó, rà soát bảo đảm các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật liên quan. Đồng thời, phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền cùng nghĩa vụ, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi. Đặc biệt là với thẻ tín dụng và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị, tổ chức tín dụng rà soát toàn bộ quy trình xử lý tra soát, khiếu nại theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp phát sinh khiếu nại, phản ánh của khách hàng khi sử dụng thẻ, tổ chức phát hành thẻ xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và dứt điểm, không để vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như hình ảnh và uy tín của tổ chức phát hành thẻ.

Khi phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài,…) thông qua quá trình kiểm soát hoặc giám sát. Tổ chức phát hành thẻ cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp truyền thông tới khách hàng (qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông để khách hàng dễ dàng tiếp cận) về quyền và trách nhiệm của khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng. Đồng thời, khuyến cáo khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng sử dụng thẻ tín dụng phải đối mặt với nhiều hình thức lừa đảo mới: Đối tượng tự xưng là Nhân viên ngân hàng gọi điện/nhắn tin chào mời sử dụng/hỗ trợ dịch vụ liên quan đến thẻ (Nâng hạn mức thẻ, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, khóa thẻ, đóng thẻ, hoàn phí thường niên…) bằng số điện thoại cá nhân/số máy bàn không phải từ tổng đài của ngân hàng.

Theo Ngân hàng Bắc Á, đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tin, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin trực tiếp hoặc gửi kèm đường link/mã QR Code (qua tin nhắn SMS, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber…) để khách hàng nhập thông tin như họ và tên, CCCD, chụp ảnh CCCD 2 mặt, thông tin của thẻ tín dụng (bao gồm 16 số thẻ hoặc đối tượng đọc 8 số đầu và yêu cầu khách hàng cung cấp 8 số cuối, mã CVV…). Đặc biệt, là yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP vừa gửi tới số điện thoại của khách hàng.

Ngay sau khi khách hàng cung cấp các thông tin trên, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thẻ tín dụng của khách hàng.