Thầy giáo Lê Văn Hưu - nhà sử học đầu tiên của nước ta

Hoàng Khôi
00:24 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Điểm đặc sắc nhất về thầy giáo Lê Văn Hưu trong tư tưởng giáo dục là khẳng định và đề cao tinh thần dân tộc.

Thầy giáo Lê Văn Hưu - nhà sử học đầu tiên của nước ta- Ảnh 1.

Một cuốn sách về Lê Văn Hưu của
NXB Kim Đồng.

Tại làng Phủ Lý nay là xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một tấm bia đá được dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867) do người cháu đời thứ 13 của Lê Văn Hưu dựng.

Trên bia có bài minh, nội dung do Trần Huy Bá dịch:

Chứa đức góp công

Để rạng đời nối

Lý học chỉ đường

Khoa danh rực nổi

Nét bút lân vờn

Việc còn Nam sử

Thi lễ còn thơm

Tiếng nhà rực rỡ

Cháu con nối dõi

Càng hậu phúc nhà

Mồ xưa bia mới

Tiên sinh không xa

Đây quả là những lời ca xứng đáng về Lê Văn Hưu, một người đức cao đạo trọng trong đời Trần, một nhà sử học đầu tiên của nước Việt Nam.

Lê Văn Hưu (1230- 322) là cháu bảy đời của Lê Lương, một vị hào trưởng ở đất Ái Châu đời vua Đinh Tiên Hoàng, nhưng đến đời Trần thì gia cảnh sa sút. Lê Văn Hưu là con ông Lê Văn Minh và bà họ Đỗ. Ông có tên hiệu là Tu Hiền, tên húy là Hưu được sinh vào năm Canh Dần (1230). 

Lúc nhỏ, ông theo học thầy giáo họ Nguyễn ở làng Phúc Triền gần nhà đã nổi tiếng thần đồng. Từng có giai thoại về ông thuở ấy: "Hàng ngày cậu bé Hưu học về thường ghé qua nhà một bác thợ rèn bên đường. Thấy cậu hay ngắm nghía một chiếc dùi sắt dùng để đóng vở ra chiều thèm thuồng, bác thợ rèn bèn nói:

- Ta thấy cháu có vẻ thích cái dùi ấy! Là học trò, ta ra một vế đối, nếu đối thông thì cái dùi này của cháu.

Lê Văn Hưu nhận lời. Bác thợ rèn đọc:

- Than trong lò, sắt trong lò, thổi phì phò đúc lên dùi vở.

Cậu bé Hưu chỉ nghĩ ngợi trong ít phút xin đối là:

- Sách ở túi, bút ở túi, viết lúi húi mà đỗ khôi nguyên.

Bác thợ rèn vô cùng ngạc nhiên và khâm phục đã tặng ngay cậu Hưu cái dùi sắt đó".

Năm 1247 khoa thi Đinh Mùi, Lê Văn Hưu 18 tuổi thi đỗ Tiến sĩ cập đệ thứ hai (bảng nhãn) cùng khoa với trạng nguyên Nguyễn Hiền, thám hoa Đặng Ma La đều là những người trẻ tuổi dưới 18. 

Lê Văn Hưu được triều đình giao nhiều chức vụ như Hàn lâm viện thị độc, Binh bộ thượng thư kiêm tu sử ký, tước Nhân uyên hầu. Ông lấy con gái của thầy học, bà được phong là Nhân Minh phu nhân. Con trai ông, cháu trai ông đều đỗ cao, giữ nhiều vị trí trong chính quyền, nối đời lấy sự giảng kinh, học truyện để giữ nếp nhà.

Lê Văn Hưu là nhà sử học đầu tiên ở Việt Nam với bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển soạn năm 1272 chép từ đời Triệu Vũ Đế đến đời Lý Chiêu Hoàng. Bộ sách này đến nay chỉ còn lưu được một số lời bình, rồi được Ngô Sĩ Liên trích và đưa vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Qua những lời bình ấy, người ta nhận ra được tư tưởng và phong cách của Lê Văn Hưu. Ông có phương pháp chép sử vững vàng, có tinh thần dân tộc, có cách diễn đạt dồi dào, tình cảm. Chẳng hạn ông viết: "Xem sử đến đời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ… bất giác cảm xúc hổ thẹn, muốn tỏ lòng thành… thường thắp hương khấn trời xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân tự làm để nước nhà, để khỏi bị người phương Bắc cướp vét…"

Nhận xét về Hai Bà Trưng, ông viết: "Trưng Trắc, Trưng Nhị đều là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Châu, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng - việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thể đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến cuối họ Ngô trong khoảng hơn nghìn năm bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, họ chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà sao?".

Viết sử là phải khen chê rành mạch. Các sử quan là người chỉ biết tôn trọng công lý, tôn trọng đạo nghĩa, không được phép thiên lệch, không bị chế ngự bởi một quyền uy nào, không được uốn éo ngòi bút. Lê Văn Hưu là một sử gia mang đạo đức và tư cách hoàn thiện của một sử gia. 

Dưới đây xin trích một đoạn Lê Văn Hưu phê phán vua Lý Thần Tông đã ban thưởng quan dưới một cách tùy tiện: "Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý, thú lạ không nuôi ở quốc đô cũng là lời khuyên răn của quốc vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng cho hươu trắng cho là điềm lành, cho Lộc tước Đại liêu, cho Tử Khắc thúc Minh trị thì cả người thưởng và người nhận thưởng đều sai cả. Tại sao vậy? Thần Tông vì được dâng thư mà cho quan tước, thế là lạm thưởng. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua".

Lê Văn Hưu
Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì gọi là điềm lành cả

Đây là cách viết của một ngòi bút chí công.

Ngoài tư cách là một sử gia, Lê Văn Hưu còn có những sở trường về kiến thức địa lý. Ông có theo dõi và ghi chép về một số vùng, vừa quan sát các hiện tượng tự nhiên, vừa chú ý yếu tố phong thủy. Cũng có ý kiến cho rằng ông từng tham gia biên soạn sách Việt điện u linh cùng Lý Tế Xuyên, nhưng chưa có bằng chứng xác đáng.

Lê Văn Hưu là một thầy giáo. Ông từng dạy trực tiếp Trần Quang Khải, người sau này là Thượng tướng Thái sư triều Trần, người anh hùng có công lớn chống giặc Nguyên Mông. Ông cũng được xem là thầy dạy của Trạng nguyên Bạch Liên (1266) nữa. Được cử vào Hàn lâm viện thị độc, ông đã giúp vua Trần xem xét các bài vở, bồi dưỡng cho lớp người đời sau. 

Những tấm bia ghi chép về Lê Văn Hưu đều xưng tụng ông là bậc thầy. Và, điểm đặc sắc nhất về người thầy Lê Văn Hưu này trong tư tưởng giáo dục là khẳng định và đề cao tinh thần dân tộc.

Lê Văn Hưu mất năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông. Ông là người sống gần trọn một thế kỷ, là người trực tiếp tham gia chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) và lần thứ hai (1285).