Thanh Hóa: Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trần Vũ
15:40 - 16/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 15/4, tại Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa), Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với sự tham gia của nhiều diễn giả giàu kinh nghiệm về giáo dục và hoạt động khởi nghiệp.

Hội thảo được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom tại các trường THPT trong toàn tỉnh.

Thanh Hóa: Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức nhấn mạnh: Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông" là một trong những hoạt động hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Với sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm về giáo dục, khởi nghiệp, hội thảo hứa hẹn sẽ trang bị những kiến thức bổ ích cho học sinh, tiếp lửa cho những đam mê, là bệ phóng thành công cho các em học sinh THPT có ý tưởng sáng tạo và nhiệt huyết khởi nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa mong muốn cùng với việc tổ chức hội thảo, trong thời gian tới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động khác để hỗ trợ cho học sinh THPT của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt trong hình thành ý tưởng khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đồng thời tiếp tục hợp tác để tiếp nhận các em học sinh của tỉnh có nguyện vọng, khát vọng và đam mê khởi nghiệp vì một nền khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một nền nông nghiệp xanh, sạch.

Phát biểu tại hội thảo, GS. TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Nhiều năm qua, Học viện đặc biệt quan tâm đến công tác khởi nghiệp trong sinh viên. Từ năm 2014 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo thu hút hơn 1.250 dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trường THPT, các địa phương tham gia.

Ươm mầm, nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp ngay từ bậc THPT

Việc tổ chức Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông" nhằm ươm mầm, nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp ngay từ bậc THPT cho các em học sinh. GS. TS Phạm Văn Cường mong muốn qua hội thảo này, các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia sẽ đóng góp nhiều tham vấn, ý kiến quý báu góp phần thiết thực vào việc phát triển phong trào khởi nghiệp tại các trường THPT và tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thanh Hóa: Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông - Ảnh 3.

Tỉnh Thanh Hóa cần một lực lượng lớn lao động chất lượng cao, hội tụ kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp mang tính đa ngành, đa lĩnh vực.

Từ mục tiêu, ý nghĩa đó, tại Hội thảo, các diễn giả giàu kinh nghiệm về giáo dục, khởi nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi, thảo luận, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; về hoạt động đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam như: Tham luận về "Nhu cầu nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0" của PGS. TS Trần Trọng Phương, Chuyên gia GD&ĐT, Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; tham luận về "Hoạt động khởi nghiệp và Kỳ thi Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam" của PGS. TS Võ Hữu Công, Phó trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hội thảo cũng nhận được những chia sẻ hữu ích về kinh nghiệm khởi nghiệp từ diễn giả Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FEC. Diễn giả Nguyễn Minh Quang cho rằng: Không có ngành nào "hot" hơn ngành nào; thích và đam mê không giống nhau và đặc biệt là không nhất thiết phải ra trường mới khởi nghiệp được. Sinh viên chọn ngành dựa trên đam mê, năng lực sẽ có xu hướng tập trung trau dồi đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp. Từ đó, có thể nâng cao tri thức khoa học, gia tăng khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và ươm mầm khởi nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã trả lời nhiều câu hỏi của học sinh các trường THPT trong tỉnh liên quan đến điều kiện để nhận học bổng của sinh viên khi học tại Học viện; việc tham gia thực tập của sinh viên Học viện; hoạt động giới thiệu việc làm của Học viện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường; vấn đề lựa chọn ngành, nghề…

Tại hội thảo, đông đảo học sinh thuộc các trường THPT trong tỉnh đã được tham gia cuộc thi tìm hiểu về Học viện Nông nghiệp Việt Nam với nhiều câu hỏi ý nghĩa như: Sự ra đời của Học viện? Tỷ lệ sinh viên của Học viện ra trường có việc làm? Số ngành đào tạo của Học viện? Quyền lợi của học sinh khi tham gia Kỳ thi Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA 2023...

Nhu cầu nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0)

PGS.TS. Trần Trọng Phương Đảng ủy viên, Trưởng khoa TN&MT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0 được đề xuất tại nước Đức vào năm 2013 với đặc trưng dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa toàn bộ quy trình, kiểm soát hiệu quả tất cả các công đoạn sản xuất và yếu tố cấu thành dựa trên tự động hóa, thu thập dữ liệu, kết nối Internet vạn vật và phân tích dữ liệu lớn.

Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất… là xu hướng tất yếu thay đổi nhận thức của toàn xã hội về đào tạo nhân lực mang tính toàn diện; đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thay đổi phương thức, quy trình sản xuất; thay đổi quy trình cung ứng, dịch vụ; thay đổi nội dung, phương thức đào tạo; thay đổi cơ chế chính sách; chỉnh sửa bổ sung luật…

Việt Nam có nguồn lao động lớn nhưng chưa cân đối về trình độ, chất lượng, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, còn thiếu kiến thức chuyên môn bao quát và chuyên sâu, giao tiếp, ngoại ngữ, năng lực ra quyết định, năng lực tổ chức, lãnh đạo… Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa với rất nhiều thế mạnh khác biệt, là một trong số ít tỉnh trong cả nước có 3 vùng sinh thái trung du miền núi, đồng bằng và ven biển, với nhiều đặc điểm riêng biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh.

Với định hướng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó, xác định: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển… Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa cần một lực lượng lớn lao động chất lượng cao, hội tụ kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp mang tính đa ngành, đa lĩnh vực.

Với hệ sinh thái đào tạo toàn diện, quan điểm về đào tạo nhân lực chất lượng cao của học viện ngoài chuyên môn chính cần có: Kiến thức liên ngành, đa ngành nghề; Hội tụ kiến thức về: Logistics, luật, marketing, tài nguyên môi trường, tài nguyên đất đai, đầu tư thương mại, kinh tế quốc tế, tư duy hệ thống để tạo ra giá trị gia tăng cao, bền vững; tích luỹ kiến thức, kỹ năng mềm, hội nhập,…

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nền tảng tốt cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, có mối liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Là môi trường thuận lợi đào tạo nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế. Đào tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chìa khóa để hình thành và phát triển lực lượng lao động của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một địa chỉ tin cậy để các bạn trẻ có thể thắp sáng tài năng và trao gửi khát vọng lập thân, lập nghiệp vì một nền Nông nghiệp Xanh, vì một Việt Nam hùng cường.

PGS. TS Võ Hữu Công, Phó Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp và kỳ thi kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo tại học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, khởi nghiệp (Tiếng anh startup hoặc start-up) là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp.

Muốn khởi nghiệp thành công thì đầu tiên phải các bạn trẻ có có ý chí khát vọng, và cần kiến thức chuyên môn, kiến thức kỹ năng mềm, các yếu tố về yêu cầu của thị trường.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức 8 Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm được thành lập năm 1956, sau nhiều lần đổi tên, hiện nay trường có tên là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Là trường đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, những năm qua Học viện đặc biệt quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp.

Hiện tại, Học viện đang đào tạo 47 ngành như: nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh doanh kinh tế… Năm 2023, có thêm các nhóm ngành tuyển sinh như: Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị, Công nghệ sinh học và Công nghệ dược liệu, Xã hội học… Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như: ngôn ngữ Anh, Khoa học môi trường…

Học tập tại đây, ngoài kiến thức chuyên môn sinh viên còn được trang bị thêm kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và tự khởi nghiệp.

Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản tại các nước có nền khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, thời gian qua Học viện đã đào tạo được gần 120 nghìn kỹ sư, cử nhân; gần 15 nghìn thạc sỹ; gần 700 tiến sĩ đóng góp vào nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đồng thời, Học viện cũng tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho Nhân dân ở các địa phương.

Cùng với đó, Học viện đặc biệt quan tâm đến hợp tác quốc tế. Học viện đã hợp tác với 200 trường Đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế và đã cử khoảng 500 sinh viên, sinh viên đã tốt nghiệp tham gia giao lưu văn hoá quốc tế hoặc thực tập nghề nghiệp, làm việc tại các nước phát triển. Đồng thời, hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, cấp học bổng cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp.

Việc tổ chức cuộc thi khởi nghiệp được Học viện đặc biệt quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã tổ chức 8 Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.250 dự án tham gia từ hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng, THPT, các địa phương (trong đó trên 50% dự án là của sinh viên Học viện).

Năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang phát động kỳ thi "Kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo VNUA-2023". Với mục đích phát hiện, bồi dưỡng những học sinh đam mê lĩnh vực khoa học công nghệ; khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ. Đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 tại các trường THPT và tương đương; người đã tốt nghiệp THPT và tương đương từ năm 2018 trở lại đây. Hình thức dự thi trực tuyến qua phần mềm MS.Teams. Tham gia cuộc thi thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi; được cộng điểm xét học bổng, tài năng, học bổng khởi nghiệp; có cơ hội được nhận giải thưởng lên đến 5 triệu đồng/1 giải; được tính tối đa 2.0 điểm quy đổi và cộng với điểm kết quả học tập THPT (hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT), điểm ưu tiên (nếu có) để xét tuyển vào Học viện.

Không nhất thiết phải ra trường mới khởi nghiệp được
Thanh Hóa: Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông - Ảnh 4.

Không có ngành nào “hot” hơn ngành nào; thích và đam mê không giống nhau và không nhất thiết phải ra trường mới khởi nghiệp được.

Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FEC chia sẻ xung quanh nội dung để có thể lựa chọn "đúng" ngành học. Theo đó, khi chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa Đại học, hầu hết các bạn học sinh đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành. Tuy nhiên, chính điều này sẽ dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập. Và một trong những minh chứng rõ nhất đó là sinh viên sau khi tốt nghiệp đều khó chọn nghề nghiệp vì không tìm được công việc đúng chuyên ngành phù hợp năng lực, sở thích. Do đó cần phải nhấn mạnh rằng: Không có ngành nào "hot" hơn ngành nào; thích và đam mê không giống nhau và không nhất thiết phải ra trường mới khởi nghiệp được.

Thực tế, khi chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, sinh viên sẽ dễ dàng có hứng khởi tìm tòi, khám phá hơn. Họ sẽ không đưa ra những quyết định như nghỉ học giữa chừng, thay đổi ngành học… Đồng thời, những kiến thức khi ngồi trên ghế nhà trường cũng sẽ không đi vào lãng phí. Sinh viên chọn ngành dựa trên đam mê, năng lực sẽ có xu hướng tập trung trau dồi đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp. Từ đó, có thể nâng cao tri thức khoa học, gia tăng khả năng làm việc độc lập, sáng tạo.

Như vậy, điều quan trọng nhất là bạn nên chọn ngành phù hợp chứ đừng chọn trường theo độ "hot". Trong quá trình học đại học, bạn sẽ dần xác định được nghề nghiệp, công việc mong muốn dựa trên sở thích, tính cách, ngoại hình bản thân cũng như xu hướng thị trường, nhu cầu lao động.

Đối với hành trình khởi nghiệp từ việc thành lập công ty đã, đang là hướng đi được nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp sẽ gặp những khó khăn cơ bản như: Vốn ít (khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất…); thiếu kinh nghiệm chuyên môn; thiếu kinh nghiệm quản lý. Do đó, đối với các bạn học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ việc thành lập công ty cần phải dùng tất cả sự quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ; sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô… để đưa công ty tăng trưởng và vượt qua khó khăn.

Nguồn: baothanhhoa.vn
Bình luận của bạn

Bình luận